Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khánh Ly: 'Không bao giờ cảm thấy cô đơn nhưng có cô độc'

Nữ danh ca chia sẻ thẳng thắn cùng Zing.vn nhiều tâm sự riêng tư khi đang bận rộn chuẩn bị cho đêm nhạc tổ chức tại Hà Nội trong những ngày đầu năm 2016.

Tôi tự hào được cất tiếng khóc trên quê hương Việt Nam

Tôi là người Việt Nam, được cất tiếng khóc, tiếng nói và tiếng hát từ quê hương Việt Nam. Tôi tự hào về điều đó. Tôi yêu những ca khúc da vàng của ông Trịnh Công Sơn và mọi người đón nhận tôi từ chính những ca khúc ấy.

Tôi luôn ước được yêu thương, được ôm ấp, được sẻ chia với đồng loại của tôi. Tôi chưa từng xa quê hương dù chỉ một phút giây. Tôi nói tiếng Việt và cả đời hát tiếng Việt, hát cho người Việt Nam của tôi dù bất cứ nơi đâu. Tôi chọn đó là lẽ sống.

Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Ảnh: T.L

Hơn nửa thế kỷ, tôi là người kể chuyện rong, tôi không chỉ hát mà tôi còn nắm chặt bàn tay, nối vòng bàn tay, được cúi xuống thật gần, thật thấp hơn nữa với người bất hạnh. Tôi tìm thấy hạnh phúc từ những bàn tay ấm ấy của trẻ thơ, của người già run rẩy. Tôi được thấy mình đang được đi trên con đường thật của chính mình.

Khi cúi xuống, mình sẽ nhìn thấy được những đời sống bất hạnh hơn mình nhiều lắm. Nếu mình đạp phải đinh, phải đá hay là chảy máu mắt chảy mồ hôi thì đó cũng là điều đương nhiên để mình sống còn với đời sống, để mình giúp sức thêm nữa cho những cuộc sống không may.

Không ai có thể nói tôi suốt một đời là hạnh phúc, điều đó không thể biết được, vì ngày hôm nay mình đang sống nhưng ngày mai không ai nói trước, cái bất hạnh có thể rơi xuống bất cứ lúc nào và ko ai chờ đợi nó. Nhưng bây giờ, nếu mình đưa bàn tay ra với những cuộc đời bất hạnh, biết đâu sau này ai đó đưa bàn tay ra đối với mình.

Thế nhưng, giúp người không có nghĩa mình đợi có người giúp mình đâu. Việc mình đã làm trong quá khứ, bây giờ mình vẫn tiếp tục làm đi. Và trong tương lai mình vẫn làm tiếp nữa.

Cái gánh nặng của đời sống nặng nề lắm! Nhưng lại chia đều cho mọi người, khi mọi người chung vai thì cuộc đời sẽ bớt những tiếng than khóc và nhiều niềm vui hơn.

Cuộc đời sẽ bạc đãi mình nhưng cũng tiếp tục cho mình vui sống. Vậy nên, cuộc đời không phải nơi ta chạy trốn mà để ta sống. Vậy nên, không riêng gì Khánh Ly hay các nghệ sĩ như Kim Anh, Lệ Quyên hay Quang Thành thôi đâu, mà trong tương lai có rất nhiều nghệ sĩ sẽ đi con đường này, sẽ cúi xuống thật gần để nhìn thấy chính mình.

Không ai chọn lựa được cách mình sinh ra, hay từ chối việc mình được sinh ra

Phúc âm buồn, đó là một bài khó hát và khó hiểu luôn. Khi tôi hát, tôi không hiểu ông Sơn muốn nói gì trong đó. Khi ấy, tôi tới nhà ông Sơn thấy bản nhạc ông để chỉ ghi chữ Phúc âm thôi, tôi hay tinh nghịch và ghi thêm chữ “buồn”. Mình viết đại vào đó, không hỏi ông ấy và chẳng nghĩ gì cả. Rồi mình thấy ông giữ chữ “buồn” đó. Chứ thực ra ông Sơn là người khó, ít khi nào ông để ai sửa đụng chạm đến bản nhạc của ông.

Khánh Ly tiết lộ mình là người đã thêm chữ "buồn" vào ca khúc Phúc âm buồn của Trịnh Công Sơn. Ảnh: T.L.

Phúc âm có nghĩa nào đó là tin mừng, nhưng lại “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Tôi không hiểu nữa, có khi nào là Phúc âm buồn không? Đúng là không ai chọn lựa được cách mình sinh ra, hay từ chối việc mình được sinh ra theo cách như thế nào. Hoặc, từ chối việc mình buộc phải sinh ra trong một đất nước loạn lạc của cậu bé Syria 3 tuổi nằm trên biển, gây xót xa cho thế giới.

Khi nhìn thấy bức hình đó, tất nhiên không phải là chưa bao giờ mình nhìn thấy hình ảnh những xác chết, ông Sơn nói với tôi: Ông từng chứng kiến nhiều kiểu chết khác nhau, ông đã ngồi 4 ngày trời và không ăn uống gì cả.

Nếu ai đã sống trong giai đoạn đó không ai quên cả, nhưng có điều: Nếu là số phận của con người, hay một đất nước thì có những điều cũng phải trải qua như là hân hoan, vui buồn… nó như là sự vỡ ra để thay đổi, và mình phải chịu thôi. Nếu nói mình không nhớ thì không đúng, nhưng nhớ để mình tự nhủ mình phải làm điều gì tốt hơn.

Tôi chưa làm được gì cho Việt Nam được tốt đẹp nhưng cũng không làm điều gì xấu, nhưng tôi phải làm một điều mà là người Việt Nam tôi sẽ không thấy bị xấu hổ, đó là tôi dạy cho con mình, nói được điều mình nghĩ và hiểu, đó là cách sống tử tế.

Không bao giờ tôi cảm thấy cô đơn nhưng có cô độc

Có khi nào bà mơ một giấc mơ, nó kéo dài nhiều lần, khiến bà vẫn chưa hết suy nghĩ về nó?

- Ngay từ nhỏ, tôi chỉ mơ ước được yêu thương vì mồ côi cha sớm, không được xinh đẹp như mong ước của mẹ. Tôi không phải con đầu, không phải con út. Lúc nào cũng nghĩ đến bố nên ghen với người đã thay cho bố nuôi mình. 

Mãi đến sau này mới hiểu mình đã sai. Giấc mơ được yêu thương là ước mơ duy nhất trong đời sống, vì mọi người sống cho mọi người, sống với mọi người, oan khiên, chịu đựng, nhịn nhục, hy sinh chỉ vì mong ước đó mà thôi.

- Giấc mơ thơ ấu ấy, nó có chi phối đời sống bà sau này, khiến bà luôn cảm thấy mình cô đơn?

- Không bao giờ tôi cảm thấy cô đơn nhưng có cô độc, nhưng không vì thế mà tôi tuyệt vọng. Chúa – Mẹ đã cho mình quá nhiều! Cuộc đời và người đời không hề bạc đãi mình. Chỉ đôi khi tôi thấy cô độc vì khó có thể nói ra được, khó có thể tìm được người đọc được mơ ước của mình. Nhưng tôi biết, sẽ không bao giờ tìm ra nên tôi mãi mãi hát.

Khánh Ly sắp tổ chức đêm nhạc Cúi xuống thật gần ở Hà Nội. Ảnh: TL.

- Có vẻ như bà là người muốn chôn giấu nhiều điều trong ký ức? 

- Tôi không có gì bí mật. Vì như ông Trịnh Công Sơn đã nói: Một điều giấu kín trong tim con người là điều giấu kín thôi. Và tôi sống, thở và hát. Tất nhiên, những bài hát thay cho những lời mình muốn nói, người nghe sẽ cảm nhận được và chia sẻ dẫu không nói ra. Tất cả vui, buồn, hạnh phúc hay bất hạnh đều gửi vào những bài hát. Sự im lặng đôi khi rất đáng quý! Có những điều nói ra mất hay, cái gì quý thì ít, cái gì ít thì quý.

- Bà có nghĩ, có những con người như một “cột mốc ghi dấu ấn lịch sử”, và bà với âm nhạc cũng là thế? 

- Tôi không thể biết chính xác người nghe nghĩ gì khi nghe mình hát. Bởi có nhiều người nói mà không nghĩ, có nhiều người nghĩ mà không nói. Tôi chỉ cảm nhận mình hạnh phúc khi hát mà bây giờ người ta hay đùa nhau là “tự sướng” đó. Thú thật là rất sợ cái lúc không hát được nữa vì chưa bao giờ tôi muốn rời sân khấu.

Tôi không phải là người tài giỏi, tôi chỉ là người may mắn nên tôi không hề lựa chọn bất cứ điều gì. Tôi không có quyền. Tôi chỉ hát, cứ hát. Ai cho gì tôi nhận lấy. Ai đặt đâu tôi ngồi đó. Cụ Nguyễn Du đã từng chẳng bảo: “Bắt phong trần phải trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao” đó sao.

- Ai rồi cũng biến mất trong cuộc đời này, có người để lại dấu ấn với thời gian, nhưng cũng có người chỉ để lại được dấu ấn trên bờ cát. Bà nghĩ mình thuộc về dấu ấn nào nào? 

- Ai rồi cũng sẽ ra khỏi cuộc đời để lại được gì với thời gian hay trên cát không phải do mình mà ở trong lòng mọi người.

Còn nói “sống là để chuẩn bị một cái chết cho mình” thì điều này không ổn với tôi. Tôi không bi quan dẫu trong bất cứ tình huống nào. Một hiền triết người Ấn có nói: “Mỗi ngày qua là mình lại gần hơn cái huyệt mộ của mình.” Điều này đúng nhưng để chuẩn bị cái chết cho mình thì tội nghiệp quá!

Nếu ai cũng nghĩ thế thì tại sao phải chịu đựng khốn khổ trăm bề chỉ để chuẩn bị cái chết? Và con người và cả thế giới này sẽ ra sao, sẽ đi về đâu? Dẫu gì thì sống cũng hơn chết và mọi người chỉ chết khi không thể nào không chết. 




Lạc An (ghi)

Bạn có thể quan tâm