Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khảo sát tour Nhà hát Lớn: Chưa nên kỳ vọng quá

Tổng cục Du lịch vừa chủ trì tour khảo sát, tọa đàm sản phẩm du lịch và biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 10/5.

Chuyến đi đưa hàng chục đại diện doanh nghiệp lữ hành, cơ quan truyền thông trải nghiệm tour xe điện dạo quanh phố cổ Hà Nội, tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam - một trong những điểm kết nối sau này khi Nhà hát Lớn thành công viên mở.

Điểm dừng quan trọng nhất là Nhà hát Lớn. Khách được đón tiếp và thuyết minh giống như tour thử nghiệm dành đón khách du lịch sắp tới. Sau phần giới thiệu lịch sử nhà hát, khách được chiêu đãi một chương trình nghệ thuật được lên khung từ hàng tháng nay.

Khao sat tour Nha Hat Lon anh 1
Nhà hát Lớn Hà Nội được người Pháp xây dựng năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris (Pháp), sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, là tác phẩm của hai kiến trúc sư Harlay và Broyer. Ảnh: Lê Hiếu.

Khách tham quan nhà hát theo sự hướng dẫn của nhân viên thuyết minh cũng có thể chắt lọc nhiều thông tin hữu ích, như công trình mô phỏng Nhà hát Opera Palais Garnier tại Paris này hiện còn giữ được cầu thang hai bên sườn là nguyên bản; hệ thống cửa, đèn chiếu sáng sảnh chính và hành lang, 10 chiếc gương trong phòng gương được phục chế nguyên bản. Phòng gương còn lưu giữ tấm gương bị vỡ do đạn bắn vào ngày Toàn quốc kháng chiến năm 1946. Phòng khánh tiết này cũng là nơi đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Nga V.Putin.

Khao sat tour Nha Hat Lon anh 2
Nhà hát Lớn Hà Nội nằm trên đường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Một trong những sản phẩm gắn với du lịch Nhà hát Lớn là chương trình biểu diễn nghệ thuật Sắc Việt do Bộ VHTTDL chủ trì, với sự tham gia của bốn Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Tuồng, Chèo và Múa rối Việt Nam. Các tiết mục trong chương trình được chọn lọc: hòa tấu dàn nhạc, trích đoạn tuồng Ông già cõng vợ đi xem hội, chùm sáo các dân tộc Việt Nam Tình trăng, tình núi, múa rối Vũ điệu chim công, hát chầu văn Cô bé Đông Cuông và tam tấu đàn đá -T’rưng: Đêm hội Tây Nguyên. Đại diện một công ty lữ hành cho biết dù nhiều lần đến Nhà hát Lớn, nhưng hôm nay vẫn thấy đẹp, hấp dẫn.

Chưa hợp lý

Sản phẩm tham quan và xem biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội bắt đầu từ tháng 6 này, với tần suất dự kiến hai buổi mỗi tuần vào thứ 2 và thứ 5. Khách được đón tiếp và hướng dẫn tham quan tìm hiểu lịch sử và kiến trúc của Nhà hát, sau đó xem một chương trình nghệ thuật. Khung giờ từ 10h15 đến 11h45 cho cả hai nhu cầu tham quan và thưởng thức nghệ thuật. BTC cũng chuẩn bị sản phẩm chỉ tham quan nhà hát cho du khách với thời lượng 1 tiếng 10 phút, vào các khung giờ 9h, 10h30 và 14h các ngày thứ 3, 4, 7 và chủ nhật.

Bộ VHTTDL mời hơn hai chục công ty lữ hành để tham khảo ý kiến về tần suất chương trình, nội dung, giá cả. “Tôi thấy tần suất đưa ra hai buổi một tuần không hợp lý. Khi giới thiệu một tua không thể nào chúng tôi chỉ bán thứ 2 và thứ 6, bởi cái này phụ thuộc hoàn toàn vào khách”, bà Trương Thị Thảo, Giám đốc công tty CP Du lịch Tia sáng Mêkông, nói. Bà Thảo nói thêm, thời gian vào buổi sáng chưa hợp lý, vì đây là tour trong nhà. Kinh nghiệm của các công ty lữ hành cho thấy thời gian ban ngày thường được ưu tiên cho khách hoạt động ngoài trời. Hoạt động trong nhà nên dành cho buổi tối. Vì thế, các công ty này bán tour rối nước thành công do nhắm vào khoảng hơn 11h trước khi ăn trưa, hoặc sau khi khách ăn xong nhưng chưa muốn “đẩy” khách ra ngoài trời.

“Chúng ta muốn làm chuyên nghiệp mà chỉ tổ chức hai buổi một tuần thì hơi khó. Còn chương trình biểu diễn mà làm ban ngày thì bể sô ngay, bởi khách thường xem biểu diễn ở thời điểm trước khi chốt ngày. Chúng tôi làm du lịch lâu năm cũng rút ra kinh nghiệm rất ít khách tham quan Hà Nội vào nhà hát buổi trưa”, ông Nguyễn Hồng Nguyên, công ty lữ hành Hanoitourist, nói.

Tần suất hai buổi một tuần cũng là điểm được các đại diện lữ hành phản đối nhiều nhất. Bà Nguyễn Thúy Hà (Threeland Travel) đề nghị tổ chức hàng ngày, giống như rối nước có 3 suất mỗi ngày cho khách lựa chọn. Nếu phải làm hai buổi một tuần, bà Hà đề nghị thứ 2 và thứ 6, vì rơi vào ngày Lăng Bác đóng cửa.

Đắt chưa xắt ra miếng?

“Tôi cho rằng không nên phân biệt giá vé với khách nước ngoài và khách trong nước. Tôi tin rằng, khách từ TPHCM ra nếu được tham gia tour này sẽ rất thích”, bà Trương Thị Thảo nói. Ông Nguyễn Hồng Nguyên cũng nói rằng Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới xóa bỏ được tư duy hai giá khi làm du lịch, nên giá vé chỉ nên có một.

“Giá vé là 400.000 đồng hơi cao. Chúng ta nên dung hòa khách Việt Nam và khách quốc tế, phải lấy số lượng để chiến thắng giá”, bà Thảo nói. Trong khi bà Thảo đề xuất giá 200.000-250.000 đồng, ông Nguyên thậm chí nói lúc đầu phải đưa về 0 đồng để thu hút, sau này khi làm tốt thì đắt mấy cũng được.

Nhìn vào mặt bằng giá một số chương trình nghệ thuật tiêu biểu của du lịch Việt Nam như múa rối nước, gần đây có show giải trí tổng hợp IONAH hay chương trình Tứ phủ giá cả đều hợp lý, từ 80.000-120.000 đồng. “Tôi nghĩ nếu làm tour này phải có khu shopping, giá chương trình tham quan nên thấp thôi”, bà Nguyễn Thúy Hà nói.

Bà Đỗ Bích Ngọc (Khiri Travel) cho rằng, vé chỉ nên bán 40.000-100.000đồng. Bà cũng nêu khó khăn khi tuồng, chèo, hát văn khó thu hút khách, vì khó giới thiệu nghệ thuật truyền thống với khách. Ông Nguyễn Tiến Quang, công ty du lịch Exo Travel, đồng tình: “Nghệ thuật dân gian Việt Nam khó truyền tải cho khách nước ngoài. Một số chương trình như Xiếc làng tôi, IONAH, À ố show thu hút người xem vì có nhiều hình thức chuyển tải”.

Các đại biểu cũng nói rằng các tiết mục trong chương trình còn thiếu thuyết minh để khán giả nước ngoài cảm nhận rõ nét hơn. BTC phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn các tài liệu và thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng cho khách hiểu. Chương trình nghệ thuật tuyển chọn được nhiều tiết mục đặc sắc văn hóa Việt Nam ở nhiều loại hình, tuy nhiên chưa thực sự đánh trúng vào sự tò mò và dễ lôi kéo khách như BTC kỳ vọng.

Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, lưu ý các công ty: “Nhà hát Lớn là địa chỉ vô cùng danh giá. Ở đây chúng ta không chỉ nhằm kinh doanh, mà còn khiến các giá trị nghệ thuật Việt Nam thăng hoa. Chúng ta sẽ ưu tiên hướng tới khách nước ngoài để tập trung quảng bá văn hóa Việt Nam. Chúng tôi sẽ đề xuất hỗ trợ các công ty lữ hành khi xây dựng tuyến khảo sát tua cũng như chương trình đưa khách đến Nhà hát Lớn trong năm 2017 và tiếp tục thực hiện trong năm 2018. Tuy nhiên, chúng ta phải sống được, phải thu hút và khiến khách hài lòng”. BTC cũng ghi nhận các ý kiến, tập hợp và có điều chỉnh thêm cho phù hợp trước khi ký kết hợp tác với các công ty lữ hành.

Về phần thuyết minh cho Nhà hát Lớn Hà Nội, một số đại biểu góp ý vẫn phải tốt hơn nữa, bởi ngoài công trình dành cho biểu diễn nghệ thuật hàng trăm năm nay khách phải thấy sự khác biệt của Nhà hát Lớn. Có thể chọn ra một số chi tiết, hạng mục nổi bật để làm hình ảnh 3D thuyết minh phụ họa sẽ tăng hiệu ứng. Phần thuyết minh phải được thực hiện bằng nhiều thứ tiếng, có phần giới thiệu chạy tự động cho khách lựa chọn. “Tương lai nhà hát mở cửa tự do cho khách vào tham quan, hiện nay bản thuyết minh các thứ tiếng đều có”, ông Đỗ Mạnh Hà, Phó giám đốc Nhà hát Lớn, nói.

http://www.tienphong.vn/van-nghe/khao-sat-tour-nha-hat-lon-chua-nen-ky-vong-qua-1148042.tpo

Theo Nguyên Khánh / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm