Theo lãnh đạo các trường, cần có cơ chế đãi ngộ tốt đối với đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học; xem xét điều chỉnh lại tiêu chí tuyển giáo viên… để bảo đảm tuyển đủ, đáp ứng nâng cao chất lượng việc dạy học ngoại ngữ trong thời gian tới.
“Vượt khó” tuyển giáo viên tiếng Anh
Sở GD&ĐT TPHCM vừa tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết thành phố đang tích cực chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở thực hiện. Theo đó, số lượng giáo viên toàn thành phố hiện có 21.508 người (công lập là 19.775 người). Tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp là 1,3 hiện chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy các môn học và dạy học 2 buổi. Đặc biệt, thành phố thiếu nhiều giáo viên tiếng Anh, Mĩ thuật, Âm nhạc… cấp tiểu học.
Cô và trò trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 trong tiết học tiếng Anh tăng cường. Ảnh: GDTĐ. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Khưu Mạnh Hùng, trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho biết, năm học 2019 - 2020, địa phương gặp khó khăn về tuyển dụng giáo viên Tin học và tiếng Anh. Đơn cử như năm học này, chỉ có 3 ứng viên trúng tuyển trên chỉ tiêu 11 giáo viên tiếng Anh cần tuyển, nhưng 1 giáo viên không nhận nhiệm sở.
Tình trạng này cũng không khá hơn so với các quận, huyện khác. Đầu năm học quận 8 thông báo tuyển hơn 200 giáo viên, trong đó có 8 chỉ tiêu giáo viên tiếng Anh tiểu học, nhưng không có người tham gia ứng tuyển. Hay ở quận Tân Phú, khối tiểu học cần 47 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 13 người. Liên quan đến việc tuyển dụng giáo viên, ở quận 11, để chuẩn bị cho năm học mới, Hội đồng tuyển dụng giáo viên của quận công bố cần tuyển 21 người, chỉ tuyển được 2 ứng viên. Thế nhưng, đến ngày nhận nhiệm sở, cả 2 người này đều từ chối vì đã chọn công việc khác.
Theo đại diện các Phòng GD&ĐT, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh, một số trường đã mời giáo viên thỉnh giảng, ví dụ giáo viên vừa nghỉ hưu, hợp đồng ở các trung tâm uy tín…
“Huyện Bình Chánh nói riêng, cũng như một số quận, huyện đang khó khăn trong việc tuyển đủ giáo tiếng Anh tiểu học, do hồ sơ dự tuyển ít. Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh ở khối tiểu học, đa phần các trường mời giáo viên thỉnh giảng, từ các trung tâm ngoại ngữ uy tín; hợp đồng với giáo viên bộ môn này đã nghỉ hưu”, thầy Nguyễn Văn Nguyện, nguyên Phó phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, nay là Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Bình Chánh cho biết.
Lý giải về việc khó tuyển dụng giáo viên, nhiều hiệu trưởng cho rằng, yếu tố đầu tiên là do các tiêu chuẩn tuyển giáo viên tiểu học dạy tiếng Anh có phần “gắt gao” hơn so với khối trung học. Nhiều người dù đã và đang dạy hợp đồng được đánh giá về chuyên môn, có kinh nghiệm nhưng lại không đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn theo quy định tuyển dụng. Còn đối với những bạn trẻ mới ra trường, ở đô thị lớn như TP.HCM, với khả năng tiếng Anh, họ hoàn toàn có cơ hội tìm việc làm khác thu nhập hấp dẫn hơn so với giáo viên tiểu học. Vì vậy, thành phố luôn “khát” giáo viên bộ môn này.
Xem xét, điều chỉnh quy định tuyển dụng giáo viên
Gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh khối tiểu học, cuối tháng 10 vừa qua, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ GD&ĐT đề nghị xem xét, điều chỉnh về tiêu chuẩn của giáo viên tiểu học dạy tiếng Anh tương tự như quy định áp dụng đối với giáo viên THCS và THPT.
Cụ thể, về trình độ đào tạo đối với giáo viên THCS, THPT chỉ yêu cầu: “Có bằng tốt nghiệp CĐ, ĐH phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm…”, trong đó khi yêu cầu về trình độ giáo viên tiểu học là: “Có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm, ĐH sư phạm tiểu học hoặc bằng CĐ, ĐH sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên”.
Đồng thời UBND TP cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT, “không yêu cầu các trường hợp đã được tuyển dụng viên chức trước khi Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGĐT-BNV có hiệu lực thi hành đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Thông tư liên tịch nói trên. Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đề nghị Bộ GD&ĐT chấp thuận cho sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức”.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục Tiểu học, sở dĩ thành phố đề xuất việc điều chỉnh bởi quy định bắt buộc phải tốt nghiệp ngành sư phạm là một tiêu chí bó hẹp khiến việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh cho bậc học càng ngày càng khó.
Ngoài ra, định biên chính là một rào cản trong tuyển dụng. Hiện nay, trường tiểu học dạy một buổi trong ngày được bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp. Trường tiểu học dạy hai buổi/ngày được bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp nhưng không bao gồm giáo viên tiếng Anh. Cho nên để tuyển giáo viên tiếng Anh, các trường chủ động để giáo viên chủ nhiệm dạy luôn các bộ môn Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc. Vì vậy, cũng cần có quy định, hướng dẫn rõ ràng về định biên giáo viên tiếng Anh tiểu học.
Bên cạnh rào cản về quy định tuyển dụng, theo nhiều trường, một trong những vấn đề dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng giáo viên tiểu học tiếng Anh là chính sách đãi ngộ chưa hợp lý. Bởi theo quy định, giáo viên tiểu học dạy tiếng Anh phải thực hiện định mức 23 tiết/tuần như các giáo viên khác mới nhận lương theo quy định và họ phải dạy trên số tiết nghĩa vụ mới được tính tiền phụ trội.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Thủ Đức chia sẻ: “Với một người tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh, có đầy đủ chứng chỉ về ngoại ngữ theo chuẩn, có năng lực tốt, họ có chấp nhận mức lương như hiện nay của ngành chúng ta không? Chưa kể số tiết theo nghĩa vụ, họ còn phải làm sổ sách, vào điểm, tham gia các công tác hỗ trợ khác. Vì vậy, cần có một đề án, cơ chế đãi ngộ riêng, khác biệt cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh tiểu học để thu hút người tài”.