Gặp anh buổi chiều ngày cận Tết, quán cafe cạnh hồ Gươm tấp nập xe cộ qua lại, phóng viên có dịp trò chuyện với một kỹ sư ở Anh nhưng thường xuyên trực tiếp giúp đỡ bà con vùng lũ. Xa quê hương đã hơn 30 năm, Phan Ty vẫn đau đáu: "Mình cứu trợ, phát cơm, áo cho họ, nhưng ngày mai thì sao? Ai giúp họ?".
Miệt mài với những hoạt động thiện nguyện, nhân đạo suốt nhiều năm qua, người kỹ sư này cũng có những nhìn nhận rất thẳng thắn về cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam và khát vọng nâng tầm thế hệ sinh viên ngành CNTT trong tương lai, lực lượng mà theo anh là "thế hệ con người 4.0".
Kỹ sư nói bà con Việt kiều rất thương cảm trước những thảm họa, thiên tai người dân trong nước phải gánh chịu. Ảnh: Sơn Hà. |
Quê hương là xứ sở
Xa Việt Nam đã gần 30 năm, Phan Ty vẫn lưu giữ những ký ức, tuổi thơ của mình gắn liền với mảnh đất hình chữ S: "Việt Nam vẫn là quê hương, xứ sở của mình, đi đâu, dù nơi đó có tốt hơn, tuyệt vời hơn, thì những suy nghĩ, cảm xúc của mình vẫn hướng về Việt Nam".
Anh cho biết gia đình là nguồn động lực lớn lao thôi thúc anh trở về với đất mẹ, với con người Việt Nam. Mỗi lần trở về, anh lại càng cảm thấy đất nước có nhiều điều để khám phá, càng khám phá anh càng thấy có nhiều lý do để mình phải quay trở lại, phải làm điều gì đó cho đất nước.
Tự nhận công việc của mình không có gì to tát, anh cười trừ khi phóng viên hỏi điều gì đã khiến anh tâm huyết với hoạt động nhân đạo ở Việt Nam đến vậy.
Anh nói: "Hội từ thiện Mái ấm Việt Nam là nơi kiều bào tại Anh gắn kết, chia sẻ với nhau, cầu nối tới bà con trong nước, nhất là những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, bão lũ. Hội cũng là mong mỏi của kiều bào nơi xa để những đóng góp của họ được đến tận nơi, trực tiếp đến tay bà con gặp khó khăn".
Là người con xa quê hương, anh Ty và cộng đồng kiều bào không ai không xúc động trước hình ảnh bà con bị lũ lụt, trẻ em không có áo ấm, thức ăn thậm chí thiệt mạng vì thiên tai. Anh cho biết mỗi chuyến đi, cố gắng lắm đoàn chỉ ủng hộ, trợ giúp bà con được những nhu yếu phẩm cần thiết, không nhiều về kinh tế. Nhưng quan trọng nhất, anh và Hội Mái ấm Việt Nam gặp được họ, được san sẻ gánh nặng, mất mát và nỗi đau của người dân.
Chuyến đi thiện nguyện đến xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế của Hội Mái ấm Việt Nam ngày 6/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
"Điều tôi đau đáu mỗi lần kết thúc các chuyến cứu trợ là khi họ hết gạo, mì, hết thuốc men, ai sẽ giúp họ ngày mai. Mong mỏi lớn nhất của anh em kiều bào là tiếp cho họ động lực, niềm tin vào cuộc sống, làm sao cho họ hết nghèo", anh Ty kể với Zing.vn.
Mang trên mình trọng trách của những đồng bào xa quê hương ở Anh trao gửi, anh Ty cố gắng chuyển những ủng hộ, đóng góp đến tận tay người cần, đến bà con vùng lũ dù nhiều chuyến đi rất khó khăn, vất vả. Không chỉ là áo rét, là gạo, thuốc men, anh cũng khát khao bà con được trao cơ hội để làm ăn yên ổn, được an toàn.
Thời gian vừa qua Hội Mái ấm Việt Nam cũng tham gia chương trình xây nhà phao cho bà con vùng lũ, để khi có biến cố, họ có chỗ trú, có nơi cất giữ tài sản, nơi ở những lúc khó khăn.
Trọng trách lớn lao trên vai các bạn trẻ
Tốt nghiệp đại học ngành khoa học máy tính ở London, kỹ sư Phan Ty cũng có rất nhiều đóng góp cho các bệnh viện, cơ sở y tế và doanh nghiệp ở Anh. Trong đó đáng kể là anh đứng đầu trong đội lập trình phần mềm kiểm soát tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tại một bệnh viện ở thủ đô London, Anh.
Về Việt Nam, người kỹ sư này không chỉ tâm huyết với các hoạt động nhân đạo mà còn rất nóng lòng muốn cống hiến cho cuộc cách mạng công nghệ nước nhà, cho sự phát triển của các em sinh viên CNTT Việt Nam.
"Tôi rất vui vì Việt Nam đã có tầm nhìn xa như vậy, cuộc cách mạng 4.0 là bắt buộc phải có ở Việt Nam. Mọi dịch vụ, tiện ích, quản lý đều có thể thực hiện bằng các thiết bị thông minh. Lợi ích lớn như vậy tại sao chúng ta phải chần chừ?", anh Ty chia sẻ khi được hỏi về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ở Việt Nam.
Chuyến đi thiện nguyện của anh Ty ở trại phong Đá Bạc, Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Anh nói ở Anh, mọi dịch vụ, công tác quản lý của nhà nước, cảnh sát đều được số hóa, vừa thuận tiện, an toàn, vừa tiết kiệm sức người sức của. So với các nước như Singapore, Hong Kong chúng ta chưa theo kịp họ. Nhưng chúng ta có nhiều thuận lợi, tiềm năng lớn. Anh nghĩ cuộc cách mạng 4.0 là bước đi đúng đắn của Chính phủ, của Nhà nước.
Đánh giá rất cao những bạn trẻ trong ngành CNTT ở Việt Nam, nhưng anh Ty cũng nhấn mạnh trọng trách trên vai các bạn là rất lớn trong cuộc cách mạng 4.0 sắp tới.
"Tôi đã có dịp gặp gỡ những bạn trẻ làm trong ngành CNTT ở Việt Nam và kể cả những em sinh viên đang đi học. Cảm nhận của tôi là các em rất thông minh, ngoài những đức tính cần có như chăm chỉ, ham học hỏi, quan trọng nhất các em có suy nghĩ rất sáng tạo", anh Ty hồ hởi.
Không chỉ có thế, anh cũng đánh giá cao các du học sinh Việt Nam ở Anh, mỗi lần gặp họ đều đem đến cho anh nhiều trầm trồ, thán phục. Anh cho biết các trường đại học ở Anh có yêu cầu đầu vào rất "khủng khiếp", nhất là đối với những ngành như y học, kinh tế hay công nghệ. Nhưng càng ngày anh càng thấy nhiều bạn trẻ có học lực giỏi, nhiều bạn đi làm có thu nhập rất cao.
Lực lượng này là một nguồn tài nguyên tri thức vô giá của Việt Nam, muốn có công nghệ 4.0 trước hết phải bắt đầu từ con người 4.0. Cuộc cách mạng công nghệ ở Việt Nam sẽ không thể diễn ra nếu thiếu đi lực lượng này. Theo kỹ sư này, đây sẽ là lực lượng nòng cốt cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của Việt Nam trong tương lai.
Kỹ sư Ty cho rằng thế hệ trẻ của Việt Nam chính là thế hệ 4.0. Ảnh: Sơn Hà. |
Một thế hệ 4.0 đầy tiềm năng
Mặc dù thế hệ trẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, Phan Ty cũng nhìn nhận rất thẳng thắn rằng các em chưa có được một môi trường tốt nhất để phát huy, nhiều em tài giỏi nhưng chưa nhận được mức thù lao, đãi ngộ tương xứng.
"Có một điều chúng ta cần bàn tới đó là vấn đề việc làm và thu nhập. Tôi thấy việc cần thiết nhất là đảm bảo công tác đào tạo, cho ra trường những kỹ sư chất lượng cao, ngang tầm quốc tế. Đó sẽ là nguồn lực đóng góp cho đất nước, giúp các em có thu nhập cao, việc làm ổn định", anh nói.
Khi phóng viên hỏi về tình trạng chảy máu chất xám và các em học sinh xuất sắc chọn ở lại nước ngoài làm việc thay vì về Việt Nam, anh Ty trầm ngâm: "Hiện tại chỉ tính riêng ở Anh có khoảng 10.000 du học sinh Việt Nam, cộng các nước khác như Mỹ, Canada hay Australia con số có thể lên tới cả trăm nghìn. Đây là một nguồn lao động chất lượng rất cao, rất quý giá của Việt Nam".
Anh nhấn mạnh, các bạn du học sinh hầu hết rất khó khăn khi quyết định ở lại nước ngoài hay trở về. Anh lấy ví dụ, mỗi một năm học ở Anh thường tốn của gia đình các em từ 600 triệu cho đến 1 tỷ đồng. Vậy sau 3-4 năm học liệu các em có sẵn sàng quay về Việt Nam để làm việc với mức lương 10-15 triệu hay thậm chí 20-30 triệu không?
Anh nói các em chịu nhiều ảnh hưởng đến quyết định của mình, ảnh hưởng từ cha mẹ, ảnh hưởng từ các vấn đề tài chính: "Việc quan trọng nhất theo tôi vẫn là sự định hướng từ gia đình và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho lao động trình độ cao ở trong nước. Vấn đề đó đang dần được thay đổi, nhưng thời điểm này, nhiều gia đình vẫn mong muốn cho con em mình sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chúng ta cũng khó lòng trách họ".
Anh tự nhận công việc của mình chẳng có gì to tát khi không hỗ trợ cho bà con nhiều về tài chính. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Chia sẻ với Zing.vn, kỹ sư Anh quốc đang ấp ủ một dự án công ty công nghệ ở Việt Nam với mục tiêu quan trọng nhất là tạo được việc làm cho các em sinh viên ngành này, giúp cho các em tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, khát vọng của anh là được trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức của mình cho các em học sinh, sinh viên công nghệ ở Việt Nam. Thậm chí nếu có thể, kỹ sư này cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho các học sinh ở Việt Nam làm việc cho công ty của anh ở Anh giúp các bạn có thể trau dồi kinh nghiệm, kiến thức ở nước ngoài để đóng góp nhiều hơn cho đất nước.