Đối với Belle Lapos (bang Minnesota, Mỹ), trường cấp 2 thật lạ lẫm. Từ năm 2020, bước vào đầu cấp, cô hầu như chỉ học trực tuyến tại nhà. Vài tháng qua, cô nữ sinh 16 tuổi mới được đến trường cùng bạn bè và tất cả vẫn phải đeo khẩu trang nhằm đề phòng dịch bệnh.
Thế nhưng cách đây vài tuần, trường học dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang và điều này làm Belle bối rối. Cô sợ phải để lộ ra làn da nhiều mụn và bị người khác đánh giá là kém hấp dẫn.
Cuối cùng, Belle và một số người bạn của cô quyết định vẫn đeo khẩu trang trên mặt mọi lúc tại lớp học.
"Tôi lo ngại cách mà mọi người đánh giá về mình. 2 năm qua, bạn bè nhìn thấy và quý mến tôi với nửa khuôn mặt. Giờ đây, nếu bỏ khẩu trang, tôi sợ rằng mọi thứ không còn như ban đầu", Belle nói.
Nhiều thanh thiếu niên lo sợ bị đánh giá khuôn mặt thật sau lớp khẩu trang. Ảnh: The New York Times. |
Những khán giả tưởng tượng
Theo The New York Times, thanh thiếu niên thường mang nỗi bất an về hình ảnh của bản thân trong mắt người khác. Các em chịu áp lực về chuẩn mực xã hội và dễ rơi vào lo lâu nếu mình không sở hữu ngoại hình, khuôn mặt được cho là tiêu chuẩn.
Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng Sophia Choukas-Bradley, giám đốc Phòng thí nghiệm thanh thiếu niên tại Đại học Delaware, Newark, cho rằng việc cởi bỏ khẩu trang có thể coi là một tình huống chuyển đổi xã hội khiến thanh thiếu niên trở nên quan tâm hơn đến ngoại hình và nhạy cảm với những gì người khác nghĩ.
Xu hướng video "Mask fishing" xuất hiện trên TikTok. |
Các em sẽ xuất hiện xu hướng tâm lý mang tên "khán giả tưởng tượng", tức là luôn cảm thấy rằng mình bị chú ý và mang nhiều khuyết điểm. Dành nhiều thời gian cho bạn bè nhiều hơn là cha mẹ, các em quan tâm đến tiêu chuẩn xã hội về ngoại hình và cảm thấy sắc đẹp trở nên cực kỳ quan trọng, nhất là đối với các bạn gái.
Còn theo nhà tâm lý học Seth Pollak, giám đốc Phòng thí nghiệm cảm xúc trẻ em tại Đại học Wisconsin-Madison, hiện tượng "khán giả tưởng tượng" sẽ định hình thanh thiếu niên về cách ăn mặc, mua sắm hoặc phát biểu trong lớp học.
Ví dụ, khi mua một đôi giày, người lớn sẽ nghĩ về giá cả hoặc sự thoải mái. Nhưng một thanh thiếu niên thì chỉ nghĩ về ánh mắt của bạn bè, thậm chí là cả kẻ thù, khi mình bước vào lớp học trong đôi giày mới.
"Cuộc sống của một số thanh thiếu niên bị chi phối rất nhiều bởi những 'khán giả tưởng tượng'. Trong đầu họ thực sự quan tâm rất nhiều về những gì mọi người nghĩ về mình", ông nói.
Nhiều nghiên cứu cho thấy mạng xã hội cũng làm trầm trọng thêm sự lo lắng của thanh thiếu niên về ngoại hình và việc bị đánh giá. Tiến sĩ Choukas-Bradley cho biết ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, thanh thiếu niên đã rất quan tâm về việc mình phải trông thật hấp dẫn trên mạng xã hội.
Gần đây, nền tảng TikTok xuất hiện loạt video mang tên "Mask fishing" ghi lại nội dung các nam, nữ sinh đánh giá khuôn mặt của bạn học sau lớp khẩu trang với thái độ không tích cực. Một số em còn yêu cầu người dùng mạng thử nhận xét ngoại hình của bạn mình.
"Mask fishing" là xu hướng video trên mạng xã hội có ý nghĩa rằng một người sẽ trông đẹp hơn khi họ đeo khẩu trang, tốt nhất không nên bỏ khẩu trang ra. Xu hướng này xuất hiện trong thời kỳ đại dịch bùng phát.
"Với mạng xã hội, 'khán giả tưởng tượng' sẽ không còn là tưởng tượng nữa. Ở bất kỳ lúc nào, ở đâu, các em đều có thể bị quay video và đăng lên mạng. Điều này càng gây nên nỗi lo sợ, bất an của các em về ngoại hình", tiến sĩ Choukas-Bradley nói.
Đó cũng là quan điểm của tiến sĩ, nhà tâm lý học Hannah Schacter tại Đại học Wayne State, Detroit. Cô cho biết "mask fishing" không phải là hiện tượng Internet đầu tiên có nội dung đánh giá mọi người về ngoại hình của họ. Những video này có thể làm tăng thêm nỗi đau mà thanh thiếu niên phải chịu khi bị bạn bè lôi ra phán xét.
"'Mask fishing' đang được quan tâm vì nó có thể khiến thanh thiếu niên xấu hổ hoặc bẽ mặt, đặc biệt là khi người đánh giá họ là bạn bè đồng trang lứa. Sau 2 năm đeo kín khẩu trang, giờ đây họ cảm giác bị bạn học của mình giám sát, soi mói ngoại hình", tiến sĩ Schacter nhận định.
Phụ huynh cần vào cuộc
Tiến sĩ Schacter cũng cho rằng với những thanh thiếu niên gặp áp lực bị đánh giá ngoại hình, các em rất cần cha mẹ vào cuộc để giúp đỡ.
"Điều quan trọng nhất là các em cần được cảm thấy an toàn và thoải mái khi ở trường", cô nói với The New York Times.
Theo cô, phụ huynh cần động viên con mình rằng các em không đơn độc, nhiều bạn bè khác cũng ở trong hoàn cảnh tương tự.
Phụ huynh cần vào cuộc khi nhận thấy dấu hiệu tâm lý bất ổn của con mình. Ảnh: Getty. |
Thanh thiếu niên có xu hướng nghĩ rằng bản thân là người duy nhất phải trải qua những điều tồi tệ mà không ai khác có thể hiểu được. Nhưng trong nghiên cứu của mình với những thanh thiếu niên gặp phải tác nhân gây căng thẳng xã hội, tiến sĩ Schacter phát hiện ra rằng các em sẽ cảm thấy bớt sợ hãi, lo lắng hơn khi họ biết những người bạn xung quanh cũng từng trải qua điều giống mình.
Cô nói thêm nếu phụ huynh nhận thấy sự lo lắng của con mình là quá nghiêm trọng, hãy liên hệ với chuyên gia sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ.