Cây khế có tên khác là ngũ liễm tử, ngũ lăng tử. Là cây gỗ thường xanh cao tới 10-12 m. Lá kép lông chim, mỏng hình trái xoan nhọn. Cụm hoa ngắn, thành chùm xim, ở nách các lá, màu hồng hay tím. Quả to, thiết diện hình ngôi sao 5 múi. Mùa hoa tháng 4-8, quả tháng 10-12. Trong y học cổ truyền thường sử dụng khế chua để chữa bệnh.
Theo Đông y, quả khế vị chua và ngọt, tính bình; có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm long đờm và tiết nước bọt. Rễ khế vị chua, tính bình; có tác dụng trừ phong thấp, giảm đau. Thân và lá vị chua và se, tính bình; có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu. Hoa vị ngọt, tính bình.
Một số bài thuốc hay từ khế:
Chữa nước ăn chân, lở loét, đau nhức: Lấy 1-2 quả khế chín, vùi trong tro nóng để vừa ấm rồi áp lên chỗ đau.
Chữa bí tiểu: Khế chua 7 quả, mỗi quả chỉ lấy 1/3 phía gần cuống. Nấu với 600 ml nước, sắc còn 300 ml, uống lúc còn ấm nóng. Ở ngoài, lấy 1 quả khế và 1 củ tỏi giã nát nhuyễn, đắp vào rốn. Dùng liên tục 3-5 ngày.
Chữa cảm cúm, mình mẩy đau nhức: Khế chua 3 quả, nướng chín, vắt lấy nước cốt, hòa với 50 ml rượu trắng, uống 1 lần hoặc chia làm 2 lần, không uống vào lúc no quá hay đói quá. Dùng liền 3 ngày.
Chữa cảm sốt, nhức đầu, đi tiểu ít, cảm nắng: Lá khế tươi 100 g sao thơm, nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Hoặc dùng lá khế tươi 100 g, lá chanh tươi 20-40 g, hai thứ rửa thật sạch, giã nát, vắt lấy nước chia 2 lần uống trước bữa ăn. Dùng 3-5 ngày.
Chữa viêm họng cấp: Lá khế tươi 80-100 g, thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước cốt, chia 2-3 lần để ngậm và nuốt dần. Dùng 3-5 ngày.
Chữa ho khan, ho có đờm: Hoa khế (sao với nước gừng) 8-12 g, cam thảo nam 12 g, tía tô 8-10 g, kinh giới 8-10 g. Nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Lưu ý: Trẻ em trong giai đoạn phát triển nên hạn chế ăn khế và những thức ăn có nhiều axit ôxalic như lá me chua, chanh, gây cản trở sự hấp thu canxi cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Những người bị bệnh thận cũng không nên ăn khế vì axit oxalic trong khế cũng dễ gây ra sỏi thận.