Được phát hành cùng thời điểm trong dịp nghỉ lễ dài năm nay, Lật mặt 3 và 100 ngày bên em “tự tin” đấu trực diện với Avengers: Infinity War, bom tấn lớn nhất năm 2018 của điện ảnh Mỹ. Đây là “con quái vật phòng vé” mà ngay cả nhiều siêu phẩm khác của Hollywood cũng phải né tránh ở thị trường Bắc Mỹ.
Lật mặt 3 may mắn có được một tuần chiếm lĩnh thị trường trước khi Infinity War ra trận, còn 100 ngày bên em trở thành chú “châu chấu” đối đầu trực tiếp với “con voi khổng lồ”. Hậu quả nhãn tiền là cả 2 phim Việt, đặc biệt là 100 ngày bên em, bị siêu phẩm Hollywood đè bẹp dúm ngay trên sân nhà.
Theo quan sát của người viết, trong dịp cuối tuần đầu tiên và được tiếp nối bằng 2 ngày nghỉ lễ sau đó, Avengers: Infinity War chiếm lĩnh khoảng 80% thị trường rạp chiếu. Tại các cụm rạp CGV ở TPHCM, có khoảng 25-40 suất chiếu mỗi ngày dành cho bộ phim này. Thậm chí có cụm rạp có ngày lên đến 45 suất, nghĩa là cứ khoảng 30 phút có một suất chiếu mới.
Chết vì phát hành sai thời điểm
Tần suất dày đặc này dường như chưa bao giờ có trong lịch sử tại rạp chiếu bóng Việt Nam. Chưa có con số công bố chính thức, nhưng nhiều khả năng Avengers: Infinity War có thể phá tất cả các kỷ lục doanh thu tại thị trường chiếu bóng hiện nay. Rất có thể, đây sẽ là phim đầu tiên đạt mốc doanh thu 10 triệu USD (khoảng 225 tỷ đồng) tại Việt Nam.
Với sức mạnh không có gì có thể đè bẹp nổi của Avengers: Infinity War, 2 phim Việt phát hành cùng thời điểm chịu một cái kết khá đắng. Ngược lại, ở thời điểm này năm ngoái, Em chưa 18 ra mắt và lập kỷ lục doanh thu cao nhất tại thị trường Việt Nam với 175 tỷ đồng.
Avengers: Infinity War có thể đạt mốc doanh thu 200 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Marvel Studios. |
Trong 2 phim Việt, Lật mặt 3: Ba chàng khuyết có vẻ may mắn hơn nhờ đánh vào phân khúc khán giả bình dân. Dù bước sang tuần thứ hai, khả năng trụ rạp của Lật mặt 3 có thể xem là tạm ổn, với khoảng 5-15 suất mỗi ngày tùy hệ thống rạp.
100 ngày bên em là phim ngôn tình nhắm vào giới trẻ, được làm khá chắc tay. Nhưng do phát hành sai thời điểm, bộ phim này gần như bị đè bẹp. Tại hệ thống rạp CGV, Lotte hay BHD, ngay ở tuần ra mắt đầu tiên, 100 ngày bên em chỉ có từ 2-5 suất chiếu mỗi ngày, thậm chí có nhiều cụm rạp chỉ có một suất chiếu vào buổi sáng hoặc buổi trưa.
Ngay cả ở hệ thống rạp chiếu của Galaxy, đơn vị sản xuất và phát hành 100 ngày bên em, số suất chiếu cho bộ phim này cũng khá ít ỏi, với khoảng 4-8 suất chiếu mỗi ngày tùy các vị trí khác nhau.
Rõ ràng là các hệ thống rạp chiếu phim ở Việt Nam đều vận hành theo quy luật cung cầu và điều tiết theo thị trường. Và với một nền điện ảnh còn non yếu như Việt Nam, khi phải cạnh tranh trực tiếp với những bom tấn ngoại nhập, chuyện “sứt đầu”, “mẻ trán” là tất yếu.
Bài học từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan
Hãy thử nhìn sang các nền điện ảnh trong khu vực châu Á. Có thể thấy nếu có chính sách bảo hộ hay hỗ trợ của chính phủ, nền điện ảnh đó sẽ phát triển. Nếu không có, nền điện ảnh nội địa không sớm thì muộn cũng sẽ bị con cá mập Hollywood thôn tính.
Sức mạnh của nền điện ảnh nội địa Trung Quốc trong vài năm trở lại đây là ví dụ rõ nét nhất. Trước đây, mỗi năm chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu 20 phim Hollywood mỗi năm vào thị trường đông dân nhất thế giới.
Trong vài năm qua, dưới áp lực của WTO, con số phim nhập khẩu có tăng lên, nhưng cũng chỉ dừng lại ở khoảng 34-39 mỗi năm. Có những thời điểm quan trọng trong năm, phim ngoại nhập phải xếp hàng đợi phim nội tung hoành mới được chiếu.
Chiến lang 2 thành công tại thị trường Trung Quốc một phần nhờ không bị cạnh tranh với phim Hollywood. Ảnh: China Film Group. |
Con số phim nội địa đạt doanh thu cao của nước này ngày càng tăng lên. Năm 2017, có đến 92 phim đạt doanh thu 100 triệu nhân dân tệ trở lên (được xem là mức doanh thu mơ ước), trong đó có tới 51 phim nội địa, chiếm 55%.
Mùa phim hè từ tháng 6-8 hàng năm, Cục Điện ảnh Trung Quốc cấm chiếu phim Hollywood một tháng để dành thị phần cho phim nội địa. Năm ngoái Chiến lang 2 sở dĩ lập kỷ lục vì “một mình một chợ”. Mùa phim Tết năm nay, Điệp vụ Biển Đỏ, Thám tử phố Hoa 2 và Truy lùng quái yêu 2 ra sức bung phá vì tất cả phim ngoại đều bị chặn lại chờ mùa Tết qua đi mới được chiếu.
Tại Hàn Quốc, phim Hollywood chiếm tới 70% thị phần trong thập niên 90 nhưng ngày càng bị hạ thấp do sự phát triển của điện ảnh nội địa và đến nay chiếm trên dưới 50% trong vài năm vừa qua.
Có được thành tích vẻ vang hiếm có này (Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 nền điện ảnh nội địa phát triển hàng đầu thế giới hiện nay) là nhờ chính sách bảo hộ của chính phủ Hàn Quốc trong khoảng 2 thập niên trước.
Trong nửa cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000, chính phủ Hàn Quốc thực hiện chính sách bảo hộ nghiêm ngặt cho điện ảnh nội địa, ví dụ như ít nhất phải có 40% ngày trong năm các rạp chiếu phải chiếu phim nội địa.
Con số này giảm xuống 20% do áp lực từ phía WTO. Năm 2006, khi quota ngày chiếu dành cho điện phim nội địa giảm xuống còn khoảng 20% (khoảng 76 ngày trong năm), giới điện ảnh Hàn Quốc biểu tình rầm rộ để yêu cầu chính phủ tiếp tục các biện pháp bảo hộ.
Đạo diễn nổi tiếng Park Chan-wook giương cao tấm biển trong cuộc biểu tình thu hút đến 3.000 người trong giới làm phim: “Không có bảo hộ điện ảnh, sẽ không có Old Boy”. Điều đó cho thấy giới điện ảnh nước này luôn gây áp lực lên chính phủ để được bảo hộ.
Và nhờ chính sách bảo hộ này cộng với sự lớn mạnh của điện ảnh Hàn Quốc trong 2 thập niên vừa qua, số lượng khán giả đến rạp chiếu tại quốc gia Đông Á đã tăng từ khoảng 60 triệu lượt trong những năm đầu 2000 lên đến 215-220 triệu lượt/năm trong vài năm gần đây. Trong đó hơn một nửa dành cho phim nội địa.
Bad Genius không quá thành công tại thị trường Thái Lan dù gây tiếng vang ở nước ngoài. Ảnh: Jor Kwang Films. |
Ở hướng ngược lại, khi không có chính sách bảo hộ của chính phủ và để điện ảnh nội địa tự bơi và cạnh tranh sòng phẳng với phim Hollywood, nền điện ảnh Thái Lan đang ngậm quả đắng do bị khán giả dần dần quay lưng.
Điện ảnh Thái Lan đã từng có thời gian phát triển khá mạnh với những bộ phim lập kỷ lục doanh thu như Ongbak 1 và 2; King Naresuan (4 tập), Tom yum goong (The Protector), Ladda Land của những năm 2000 hay gần đây hơn là Bangkok Traffic (Love) Story, Pee Mak (Tình người duyên ma), I Fai... Thank You Love You...
Tuy nhiên, do chất lượng điện ảnh sụt giảm và sự tấn công của phim Hollywood, điện ảnh Thái dần dần thoái trào và bị khán giả nước nhà quay lưng.
Trong 20 phim đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu năm ngoái của Thái Lan, có đến... 18 đến từ Hollywood. Chỉ có duy nhất một phim Thái là Bad Genius đứng ở vị trí khá khiêm tốn. Gây tiếng vang tại thị trường châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan...) nhưng ở thị Thái Lan, Bad Genius chỉ bán được 3 triệu USD tiền vé (tại thị trường nước ngoài là gần 40 triệu USD).
Bài học nhãn tiền về sự phát triển vững mạnh của điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc hay sự suy yếu của Thái Lan là những ví dụ sống động nhất cho nền điện ảnh Việt Nam.
Nên có chính sách “bảo hộ mềm” phim Việt?
Điện ảnh Việt Nam hầu như không có chính sách bảo hộ trong khi thị trường đang ghi nhận sự phát triển chóng mặt của hệ thống rạp chiếu bóng trên toàn quốc, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội.
100 ngày bên em không có nhiều suất chiếu do đối mặt với sự cạnh tranh quá lớn của Avengers: Infinity War. Ảnh: Galaxy. |
Doanh thu của điện ảnh tại Việt Nam đạt mốc 3.200 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) với khoảng 45 triệu lượt khán giả đến rạp chiếu vào năm 2017. Hiện tại, CGV và Lotte của Hàn Quốc đã nắm giữ 60-70% thị phần phòng chiếu và doanh thu.
CGV mới công bố đầu tư thêm 200 triệu USD nữa vào thị trường điện ảnh Việt cho đến năm 2020 với số cụm rạp được tăng lên mỗi tháng. Không thể phủ nhận rằng đầu tư của CGV khiến điện ảnh Việt khởi sắc và văn hóa xem phim trở thành một xu hướng mới của giới trẻ. Nhưng nó cũng cho thấy sự chiếm lĩnh của các công ty nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
Hai hãng Hàn Quốc vẫn luôn hỗ trợ để phát triển phim Việt, nhưng con số phim Việt vẫn rất nhỏ so với phim nước ngoài và được điều tiết theo quy luật cung cầu của thị trường.
Trong một bài phân tích về chủ đề này nhân “case study” Tấm Cám - Chuyện chưa kể 3 năm trước trên báo Tuổi Trẻ, người viết từng đưa ra nhận định: “Với những người quan tâm đến sự phát triển của điện ảnh Việt, họ luôn mong muốn một môi trường điện ảnh trong sạch, lành mạnh và cạnh tranh theo tinh thần “fair play” để người xem phim quyết định lựa chọn một bộ phim, một rạp chiếu bằng sự yêu thích thực sự hay túi tiền của họ, chứ không phải bị thúc ép bởi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và tất nhiên, cũng không phải vì sự chèn ép, cá lớn nuốt cá bé hay ‘cả vú lấp miệng em’”.
Lật mặt 3 gỡ gạc được doanh thu phòng vé nhờ phát hành một tuần trước Avengers: Infinity War. Ảnh: CGV. |
Tuy nhiên, với “case study” mới 100 ngày bên em và Avengers: Infinity War, dù vẫn bảo lưu những ý kiến trên, tôi muốn bổ sung thêm một nhận định mới. Đương nhiên các nhà phim Việt phải thực sự lột xác để trưởng thành, phải có những bộ phim hay để cạnh tranh một cách sòng phẳng với phim Hollywood như cách điện ảnh Hàn Quốc và Trung Quốc đã làm.
Nhưng nên chăng Cục Điện ảnh cần có những thỏa thuận với các đơn vị nước ngoài như CGV hay Lotte để họ dành thời lượng hay có chính sách hỗ trợ cho điện ảnh Việt từ lợi nhuận mà họ thu được tại thị trường Việt Nam.
Bản thân các đơn vị phát hành trong nước khá có tiếng tăm như Galaxy và BHD cũng nên có chính sách của mình chứ không chỉ chăm chăm chạy theo lợi nhuận hay “theo sự điều tiết của thị trường” một cách lạnh lùng.
Bởi với một nền điện ảnh còn non trẻ, chưa trưởng thành và thiếu bản sắc như phim Việt, vốn đã không có sự bảo trợ của nhà nước mà lại còn chịu cảnh “cạnh tranh sòng phẳng” với phim Hollywood, thì những bi kịch kiểu “trứng chọi đá”, “châu chấu đá voi” như Lật mặt 3 hay 100 ngày bên em đối đầu trực diện với Avengers: Infinity War sẽ còn tiếp diễn.
Hãy nhìn bài học của điện ảnh Thái Lan mà tỉnh ngộ.