Là một trong những người đóng vai trò quan trọng nhất cuộc mổ thông tim bào thai thành công đầu tiên tại Đông Nam Á, TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng đơn vị can thiệp Tim, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khiêm tốn nói đó là một thành công “nho nhỏ" trên con đường dài cần đi để cứu hàng nghìn, hàng vạn trái tim lỗi nhịp khác trong tương lai.
Để có được thành công bước đầu ấy, là một khoảng thời gian dài cố gắng của cả ê-kíp, bên cạnh đó là những nỗi niềm chỉ họ thấu hiểu.
"Cháu ra đi rồi, mình dừng lại thôi!
Nhớ lại một ngày hè năm 2021, bác sĩ Tín vẫn như in cảm giác tội lỗi và bất lực khi chứng kiến em bé mắc bệnh tim tử vong trên bàn mổ. Cả ê-kíp dù đã làm hết sức mình vẫn không cứu được em khỏi lưỡi hái tử thần.
"Cháu ra đi rồi, mình dừng lại thôi!", bác sĩ Tín thẫn thờ.
Câu nói vừa đủ cho mọi người trong phòng phẫu thuật nghe, cũng là dấu hiệu kết thúc cho mọi nỗ lực trong suốt 8 tiếng của cả ê-kíp.
Em bé được đưa ra ngoài trong tiếng gào khóc xé lòng của người mẹ, tiếng nấc nghẹn ngào của người cha, tiếng đập cửa của những người xung quanh cùng sự thẫn thờ, bất lực của ê-kíp.
"Cứ nghĩ sẽ vớt vát được 1% cơ hội, nhưng khả năng có hạn, tôi không thể", bác sĩ Tín nhớ lại khoảnh khắc ấy.
Bác sĩ Tín kể lại chặng đường 27 năm hành nghề y, có những bất lực khi chứng kiến bệnh nhân tử vong. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Buông dụng cụ trên tay, bác sĩ Tín ngồi thụp xuống trong phòng mổ, nỗi buồn xâm lấn khối óc. Ông bất lực và tiếc cho một em bé 7 tuổi vừa rời bỏ cuộc sống.
Dù hiểu được năng lực con người là có hạn, bác sĩ Tín vẫn buồn vì sự yếu kém còn trong mình. Hình ảnh lúc phẫu thuật cho đứa trẻ chạy ngang, chạy dọc trong tâm trí.
"Bác ơi đứng lên cho em lau nhà, em còn về với con em nữa, khuya lắm rồi!", chỉ đến khi tiếng cô hộ lý cắt ngang mạch suy nghĩ, đưa bác sĩ Tín về với thực tại, ông mới rời khỏi phòng mổ. Tự giày vò, trách móc bản thân nhiều ngày liền, ông gần như suy sụp.
Nhưng khi trở lại bệnh viện, khám bệnh, đi mổ, gặp gỡ hàng trăm bệnh nhi mỗi ngày, thấy ánh mắt bọn trẻ ánh lên niềm khao khát sống dù thân thể chúng nhỏ bé, gầy mòn, bác sĩ Tín dường như thức tỉnh.
Xuyên kim qua tử cung mẹ, vá tim bào thai
Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín lại quay cuồng với ngày tháng tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm. Bất kỳ ở đâu, đất nước nào có kỹ thuật mới về tim mạch trẻ em, ông lại đến học. Tính đến nay, bác sĩ Tín đã đi hơn 20 quốc gia để vừa học, vừa giảng dạy cho các bác sĩ nước bạn.
Nhờ một lần tham dự hội nghị tại Mỹ, cảnh các bác sĩ Brazil luồn kim can thiệp dị tật tim bẩm sinh cho bào thai khiến ông kinh ngạc. Bác sĩ Tín quyết tâm học bằng được kỹ thuật này.
Trải qua hàng trăm lần thực nghiệm trên động vật, đến khi kỹ thuật nhuần nhuyễn, cũng là lúc bác sĩ gặp được thai phụ ở Đà Nẵng.
Đây là lần mang thai đầu tiên của thai phụ 28 tuổi, nhưng tim của bào thai có bất thường nên chị vào Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) thăm khám.
Tại đây, bào thai được chẩn đoán mắc dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, nguy cơ tử vong trong bụng mẹ. Qua 3 cuộc hội chẩn giữa Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ thống nhất cần thông tim cho bào thai ngay trong bụng mẹ.
Dù đã thực hiện hàng nghìn ca thông tim cho bệnh nhi, nhưng đây là ca đầu tiên thông tim cho bào thai, bác sĩ Tín vừa hy vọng, vừa hồi hộp.
"Nhưng đây là cách tối ưu nhất để cứu thai nhi", ông nói.
Kể từ sau quyết định "lịch sử" chưa từng có trong y văn Việt Nam, một kế hoạch chi tiết được trình lên lãnh đạo.
Vào sáng ngày 4/1, khi thai nhi được 32 tuần 5 ngày, ê-kíp tiến hành thông tim cho bào thai.
Bác sĩ Đỗ Nguyễn Tín ( giữa) cùng ê-kíp của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ thực hiện ca thông tim cho bào thai đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: BVCC. |
Thời điểm chiếc kim 18G quen thuộc khéo léo xuyên qua thành tử cung người mẹ, tiếp cận buồng thất phải, lên thân động mạch phổi của thai nhi, cả phòng mổ im bặt, chỉ có tiếng tít tít tít đều đều phát lên từ màn hình Monitor.
Sau hàng loạt thao tác kết hợp bơm bóng áp lực, dòng máu chảy qua van động mạch phổi của thai nhi cuối cùng cũng được lưu thông. Khoảnh khắc này gần như trở thành lịch sử của y văn Việt Nam.
Ngày hôm sau, sức khỏe thai phụ ổn định, không có tai biến, chị đi lại và ăn uống bình thường. Điều lo lắng nhất của ê-kíp là thai phụ có dấu hiệu sinh non cũng đã không xảy ra. Lúc này, bác sĩ Tín mới yên tâm ca can thiệp đã thành công.
"Chúng tôi phải chắc thắng 80-90% thì mới làm. Thành công của ca phẫu thuật không phải tự nhiên mà đến, cũng không nhờ vào sự may mắn", bác sĩ Tín chia sẻ.
Đến ngày 30/1, em bé chào đời khỏe mạnh, hơn cả kỳ vọng của cả ê-kíp. Mặc dù vậy, với bác sĩ Tín, ông cho rằng đây chưa phải là một thành tựu vượt bậc, mà mới chỉ là sự khởi đầu và con đường đi đến thành công còn rất dài.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo một tiền đề, gây dựng một con đường để cho nhiều người khác cùng đi. Con đường còn rất dài và chắc chắn sẽ phải trả giá. Tuy nhiên, làm sao để hạn chế cái giá phải trả, là một thách thức”, bác sĩ Tín bày tỏ.
Để giữ được sự điềm tĩnh, kiên định suốt ca mổ định mệnh, bác sĩ Tín đã trải qua gần 17.000 ca can thiệp tim bẩm sinh trẻ em trong suốt 27 năm làm nghề.
Đưa ngành tim mạch Việt Nam vươn ra thế giới
Nhớ lại hành trình y học đã đi qua, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín nói cảm xúc đan xen giữa hạnh phúc và day dứt luôn thường trực. Bởi dù đã thực hiện hàng chục nghìn ca phẫu thuật thành công, cũng có những ca không thể cứu sống.
Những năm đầu làm nghề, khi còn là bác sĩ trẻ, những sự ra đi của các bé mắc tim bẩm sinh khiến ông gần như ám ảnh. Thời điểm đó, ở miền Nam, ngay cả Viện Tim TP.HCM mỗi năm số ca can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
“Có thời điểm, chỉ trong một năm, chính tay tôi phải ký giấy xác nhận tử vong cho gần 200 bệnh nhi. Điều đó đau đớn khó có thể tả được", ông nói.
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Từ Dũ thực hiện ca phẫu thuật được UBND TP.HCM khen thưởng nóng tại Hội nghị của Sở Y tế TP.HCM ngày 5/1. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Không muốn tình trạng này lặp lại, bác sĩ Tín đã quyết tâm dấn thân vào lĩnh vực can thiệp tim mạch trẻ em. Ông tham gia thực hành, học tập, làm việc tại các bệnh viện về tim mạch hàng đầu miền Nam như Viện Tim TP.HCM, Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
Cùng với sự nỗ lực của các đồng nghiệp, số ca trẻ được can thiệp điều trị dị tật tim bẩm sinh đã tăng dần mỗi năm, từ vài trẻ lên đến hàng trăm trẻ.
Không dừng lại ở đó, bác sĩ Tín thường xuyên đi học thêm kỹ thuật mới, để có thêm cơ hội chữa trị cho các bệnh nhi.
Điều khiến chuyên gia này trăn trở là sự đam mê, chuyên môn vững vàng của thế hệ trẻ. Đây mới là tương lai để đưa ngành tim mạch của Việt Nam phát triển. Vậy là vừa làm, vừa học, bác sĩ Tín thường xuyên tham gia giảng dạy, hướng dẫn các bác sĩ trẻ.
“Tôi luôn đặt một niềm tin tuyệt đối vào thế hệ bác sĩ trẻ, họ rất giỏi, sẽ giúp ngành tim mạch của Việt Nam vươn ra thế giới”, bác sĩ Tín nói.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.