Quốc gia đông dân nhất thế giới là cường quốc bóng bàn số 1 hành tinh. Tầm ảnh hưởng của họ lúc này còn mạnh mẽ đến mức nhiều người đã mô tả sân chơi đỉnh cao của thể thao thế giới, Olympic chỉ là câu chuyện của riêng những VĐV Trung Hoa, hoặc có gốc gác Trung Hoa.
Khi tay vợt nữ xinh đẹp Ai Fukuhara của Nhật Bản lọt vào bán kết nội dung đơn nữ, nhiều người đã hy vọng về phép màu. Không chỉ bởi vẻ khả ái của tay vợt xứ sở hoa anh đào, mà còn vì người ta đã quá nhàm chán với những gương mặt Trung Quốc tại các trận chung kết thế giới. Nhưng chỉ sau 30 phút, Ai Fukuhara thúc thủ chóng vánh trước Li Xiaoxia.
Ding Ning là chủ nhân HCV Olympic Rio 2016. |
Ở trận bán kết còn lại, tay vợt Triều Tiên Kim Song I cũng thúc thủ trước Ding Ning, người sau đó giành huy chương vàng. Đây là kết cục mà hầu hết những người hâm mộ đều dự đoán trước giải. Trong 4 nội dung tranh chấp huy chương tại Olympic, người Trung Quốc không có đối thủ. Sau Ding Ning, liệu Ma Long hay Zhang Zike, những tay vợt Trung Quốc khác, sẽ vô địch nội dung đơn nam?
Tại Brazil năm nay, Trung Quốc không chỉ mang đến giải những tay vợt bóng bàn giỏi nhất, mà còn xuất khẩu nhiều "lính đánh thuê" cho các đội tuyển khác.
Nội dung đơn nữ của Olympic Rio 2016 chứng kiến nhiều VĐV gốc Trung Quốc đại diện cho Ba Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Ukraine... Đến cả tuyển Mỹ cũng có hai tay vợt với xuất phát điểm Trung Quốc. Còn tuyển Úc có 3 tay vợt gốc Trung Quốc, người thứ tư sinh ra ở Melbourne nhưng ba mẹ là Trung Quốc. Tại Olympic London 2012, chỉ có 3 đội tuyển bóng bàn nữ không có gốc Trung Quốc là Ai Cập, CHDCND Triều Tiên và Nhật Bản.
Các kỳ Olympic (trước Olympic Rio 2016) từng ghi nhận 666 vận động viên (VĐV) tham dự bộ môn bóng bàn. 630 VĐV không đại diện cho đoàn Trung Quốc. Nhưng có ít nhất 91 tay vợt (theo các thống kê chính thức) trong số đó được sinh ra tại Trung Quốc.
Nhiều tay vợt gốc Trung Quốc khoác áo các đội tuyển nước ngoài. |
Tính thêm 36 VĐV của đoàn Trung Quốc, có nghĩa là cứ 1 trong 5 tay vợt bóng bàn từng tham dự Olympic, thì có một người được sinh ra ở Trung Quốc. 91 tay vợt đó đại diện cho 24 quốc gia tham dự bộ môn bóng bàn, kể cả những cường quốc như Mỹ hay Australia.
Từ năm 1999 cho đến nay, giải Vô địch bóng bàn Thế giới chỉ ghi nhận duy nhất một chức vô địch của một tay vợt không mang quốc tịch Trung Quốc. Đó là Werner Schlager người Áo khi vô địch nội dung đơn nam vào năm 2003. Sau Olympic 1988 tại Seoul, khi bộ môn bóng bàn lần đầu tiên xuất hiện, các tay vợt Trung Quốc giành tới 24/28 tấm HCV được trao ở bộ môn bóng bàn.
Điều đó cho thấy sự thống trị kinh khủng của nền bóng bàn Trung Quốc. Nhiều năm nay, Liên đoàn bóng bàn Thế giới (ITTF) đã ra nhiều quy định nhằm đem lại tính cạnh tranh cao hơn cho bộ môn này, như: tăng kích thước bóng, cấm các thủ thuật khi giao bóng, thay đổi điểm số trong mỗi ván đấu,...
Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên hay các quốc gia châu Âu như Đức luôn cố gắng vượt bậc, sử dụng nhiều tay vợt bản địa, thay vì nhập tịch nhiều tay vợt Trung Quốc. Tuy nhiên khoảng cách không được thu hẹp, mà lại đang càng được nới rộng ra. Hai thất bại của Ai Fukuhara và Kim Song I trên đất Brazil tiếp tục cho thấy sự chênh lệch đẳng cấp quá lớn giữa các VĐV Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Năm 2012, Chủ tịch Liên đoàn bóng bàn quốc tế, Adham Sharara từng phải thốt lên rằng: “Sự lớn mạnh của bóng bàn Trung Quốc đang tàn phá sự phát triển của bộ môn này ở các nước còn lại”. Tương lai của nền bóng bàn thế giới rồi sẽ đi về đâu? Khi cuộc chơi thật sự chỉ thuộc về những người Trung Quốc?