Bấy nhiêu ước muốn đó là của các bà, các mẹ đang tham gia lớp học xóa mù chữ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế...
Đó là lớp học xóa mù chữ tại thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải, huyện Phú Vang, do thầy Huỳnh Văn Hưng - giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Vang - phụ trách vào các tối thứ hai, tư, sáu mỗi tuần. Phần lớn học viên đã có cháu nội, cháu ngoại.
Lớp học xóa mù chữ do thầy Huỳnh Văn Hưng phụ trách ở Cự Lại Đông, Phú Hải, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thái Lộc/Tuổi Trẻ. |
Lớp có 32 o, mệ
Khi cả lớp đang đồng thanh đọc dãy chữ cái thì bà Tĩnh (64 tuổi) đọc sai hoài. Thầy Hưng nhắc nhở, bà nói: “Mắt tôi kèm nhèm, đọc không rõ, để tôi lên bảng đọc cho coi!”. Bước lên bảng, bà cụ đọc: “pờ, ku...”. Dưới lớp có tiếng vọng lên: “Ku mô mà ku, quờ chớ!”. Cả lớp rộ cười...
Khi cả lớp đang ngồi vắt óc trước những dấu lớn, bé hay bằng giữa các con số của bài tập toán thì từ góc lớp, một cụ bà sang sảng kể chuyện làm toán của mình. Cả lớp nhìn sang, đó là bà Nguyễn Thị Hái (60 tuổi) kể với người bên cạnh.
“Đi chợ về, tôi đổ ngay bao ớt ra nền. Rồi lấy vở ra, làm theo, cộng mấy thì bỏ qua mấy trái. Trừ thì lấy lui. Bỏ qua bỏ về, cuối cùng loạn xạ, không tính được nữa!” - nói đoạn bà Hái cười ha hả khiến cả lớp cười theo. Thầy Hưng kể có lần thầy viết chữ “ọp ẹp” trên bảng thì có người nhắc: “Chữ răng mà kỳ cục rứa!”...
Lớp học đang nửa chừng, một cụ bà đến trễ, cụ vừa bước vào lớp thì có người đàn ông ngoài sân nói: “Già rồi mà mệ còn đi học, xấu hổ chưa!”. Cụ bà tức thì đáp trả: “Mắc chi mà xấu hổ. Phải động viên người ta đi học chớ. Học biết chữ còn đỡ hơn lên xã cứ lăn tay hoài à!”.
Thật ra, để đến được lớp học, không ít học viên phải vượt qua nhiều lời dè bỉu, trêu ghẹo. Một cụ kể có người nói thẳng mặt cụ rằng: “Sắp xuống lỗ rồi mà còn đi học làm chi”. Có trường hợp người ngăn cản dữ dội nhất chính là chồng, sợ vợ đi học xóa mù chữ làm... xấu mặt mình! Một số người đấu tranh vượt qua được để đến lớp, trong khi nhiều người khác thì đành ở nhà. Theo lời thầy Hưng: “Nhiều o, nhiều chị nói lúc mô chồng ra biển mới đến lớp học được. Nghe mà thương, quyền được đi học cũng bị cấm đoán, vô lý hết sức!”.
Theo thầy Hưng, 32 học viên trong lớp thầy dạy là rất ít so với con số mù chữ thực tế của xã Phú Hải. Dù nam giới chiếm phần lớn số người mù chữ nhưng cả lớp toàn phụ nữ. Theo thầy Hưng: “Xóa mù chữ cho đàn ông nghề biển vô cùng khó thực hiện. Cứ tối trời là lênh đênh ngoài biển đến trăng sáng mới về, không học được!”.
Anh Trần Vĩnh, người dân làng Cự Lại Đông, lý giải tình trạng mù chữ rất phổ biến ở quê mình rằng: “Hồi đó vùng ni rất cực, thường thiếu ăn. Làng toàn nghề biển nên con trai 4-5 tuổi đã theo cha ra biển làm nghề. Mà đã đi là đi mãi, khó ở nhà. Còn con gái ở nhà nội trợ, chăn nuôi, phụ mẹ phơi cá, làm mắm hay ngồi vá lưới suốt ngày. Vì rứa mà rất ít người được đi học chữ!”.
Mỗi người mỗi ước muốn
Hầu hết học viên cho biết trước đây do hoàn cảnh nhà nghèo, đông con, lại chiến tranh loạn lạc nên không có điều kiện học chữ. Sau năm 1975, chính quyền cũng có tổ chức lớp bình dân học vụ nhưng có nơi tổ chức vài tháng, có người lại bận rộn chỉ theo học ít bữa nên có học cũng như không.
Lần này, mọi người quyết chí học để “ra xã khỏi lăn tay”, tức khi đến UBND xã làm các thủ tục thì cầm bút ký tên chứ không phải điểm chỉ như lâu nay nữa. Với một cụ bà khác thì: “Thấy thằng cháu nội trong nhà giở sách ê a mà mình không biết chi, lắm lúc cũng tủi, cũng xấu hổ thiệt. Vì rứa mới gắng mà học”.
Hơn thế, nhiều bà, nhiều mẹ còn tham vọng hát được karaoke: “Mấy lần bạn bè rủ rê, trong khi chúng bạn hát tưng bừng thì mình ngồi chầu rìa, xếp xó vì không biết chữ!”. Hay như bà Nguyễn Thị Hoa mơ ước giản dị hơn: “Ba mạ (bố mẹ) sinh tôi ra đặt cho cái tên, rứa mà chưa một lần viết nó ra xem như thế nào. Lần ni thì phải học để viết tên cho bằng được!”.
Ước muốn biết chữ mãnh liệt bậc nhất trong lớp là bà Trần Thị Gòn, 59 tuổi. Bà đem mắm ruốc từ quê lên bán ở các xã miền núi huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), cách quê Phú Hải của bà chừng 50km. Bà cho biết mình đi bán trong mấy ngày liền, vừa về tức thì sửa soạn cơm nước xong là tới lớp luôn, để về ăn sau.
Đây cũng là lớp học mà bà mong chờ suốt 37 năm qua. Hồi trước còn chiến tranh, nhà quá nghèo, anh chị em đông, bà không được đi học. Năm 1978, sau khi lấy chồng chừng một năm, chính quyền mở lớp bình dân học vụ xóa mù chữ, bà cũng có tham gia và biết đánh vần, biết viết nguệch ngoạc vài ba chữ.
Bà Gòn lận lưng dăm ba chữ đi buôn mắm ruốc, phần lớn người mua thiếu, trong mấy tháng mới trả tiền một lần, buộc bà phải ghi nợ. Bà viết nguệch ngoạc, đôi khi đọc lại không hiểu mình viết gì, mà chỉ nhớ. “Vì rứa nhiều lần người ta cãi. Đưa chứng cứ (sổ) ra thì mình thua, vì không rõ ràng. Rứa là lần ni tôi quyết học chữ cho bằng được để mà buôn bán!”.
Vận động đàn ông đi học khó hơn phụ nữ
“Tỉ lệ mù chữ ở đàn ông nhiều hơn phụ nữ, nhưng thực tế các lớp xóa mù chữ chủ yếu phụ nữ tham gia. Trung tâm đã phối hợp với nhiều ban, ngành đi vận động tích cực, đến từng người nhưng các anh không đi học nên đành chịu. Việc tổ chức lớp học phải áp theo khung chương trình và thời gian, điều này không phù hợp với thời gian làm nghề biển, nên đàn ông gần như không đến lớp được. Ngoài ra, các anh còn mặc cảm, tự ái rất cao, khiến việc vận động đàn ông lớn tuổi đến lớp xóa mù chữ không đạt kết quả mong muốn”.
Ông Tôn Thất Ái Đạm - Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Phú Vang