Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi các cuộc thi hoa hậu bị mất giá

Thông tin cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe - HHHV) bị chính phủ Cộng hòa Dominica từ chối không khiến nhiều người ngạc nhiên.

Khi các cuộc thi hoa hậu bị mất giá

Thông tin cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe - HHHV) bị chính phủ Cộng hòa Dominica từ chối không khiến nhiều người ngạc nhiên.

>> Chuyện 'dao kéo' trong lịch sử thi Hoa hậu Hoàn vũ
>> Đương kim Hoa hậu Hoàn vũ tái xuất với bikini
>> Bi hài chuyện 'so bó đũa chọn cột cờ' dự thi Miss World

Tỷ phú Donald Trump (giữa) cùng Hoa hậu hoàn vũ Leila Lopes (phải) và Hoa hậu teen Hoa Kỳ.

Có thể lý giải vì hai lẽ, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang đe dọa đời sống của nhiều người đến mức họ chẳng còn thời gian để ý tới các cô hoa hậu; chất lượng của nhiều cuộc thi cũng dần sụt giảm, chưa kể các scandal liên tục diễn ra khắp nơi - ở tầm quốc gia hay quốc tế.

Hành động của Dominica nhận được không ít người ủng hộ, ít nhất là cư dân của đảo quốc vùng Caribe này. 16 triệu USD đầu tư cho cơ sở vật chất và chi phí cuộc thi là con số quá lớn so với tình hình kinh tế của Dominica hiện nay.

Không chỉ với Dominica, theo một số nguồn tin, trước đó Miss Universe cũng đã mời chào Nam Phi, Bahamas, thậm chí còn dự kiến sẽ tổ chức tại Hoa Kỳ nhưng đều không thành. Kết quả là cuộc thi sẽ được dời đến tháng 12 thay vì trong hè như thông lệ hàng năm và phải đợi đến cuối tháng 7 mới biết được HHHV lần thứ 61 sẽ tổ chức tại đâu. Trước HHHV 2012, Hoa hậu Thế giới 2011 cũng không thể tìm được quốc gia đăng cai, đành phải quay về Anh - nơi khai sinh của mình.

Rõ ràng là ngoài một số quốc gia còn "say" hoa hậu, xem các cuộc thi hoa hậu như là cơ hội vàng quảng bá hình ảnh, du lịch quốc gia đến mức bất chấp gánh nặng chi phí thì những nơi thực tế hơn đã sớm rút lui, bảo toàn túi tiền cho đất nước mình. Họ vẫn quảng bá hình ảnh quốc gia, giới thiệu du lịch, chào đón du khách nhưng bằng những phương cách khác tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn.

Người đẹp vẫn là món quà của tạo hóa nhưng khi phải sống trong cảnh ra ngõ gặp người đẹp, chớp mắt thấy hoa hậu thì vẻ lấp lánh tỏa ra từ danh hiệu đã giảm đi nhiều. Thậm chí nhiều người đẹp còn tự đánh mất giá trị bản thân, xóa nhòa hình ảnh trong mắt công chúng.

Tại Việt Nam, hàng loạt cuộc thi lớn nhỏ mang danh “thi hoa hậu, tuyển hoa khôi” đua nhau nở rộ, khiến danh hiệu khi không còn hiếm thì cũng chẳng còn quý nữa. Những người mẫu, hoa khôi, hoa hậu, "hotgirl" bị bắt, bị tố bán dâm thời gian qua đã khiến dư luận phải lắc đầu ngán ngẩm khi nghĩ đến thế giới chân dài.

Có thể rồi ông trùm Donald Trump cũng sẽ tìm được một nơi đăng cai, chịu chi bạo cho thương hiệu HHHV như cách Trung Quốc đã sáu lần tổ chức Miss World. Cũng có thể ở một đất nước nào đó không phải Dominica, chi phí tổ chức sẽ được một đơn vị tư nhân gánh vác để đánh bóng tên tuổi và tiến hành những bài toán làm ăn phức tạp khác. Song chắc chắn một điều rằng trong mắt công chúng, các cuộc thi hoa hậu dù trong nước hay quốc tế đã không còn được trầm trồ như một sự kiện hấp dẫn bậc nhất, hay là thước đo cho một vẻ đẹp chuẩn mực nữa. Chúng đơn thuần như một show truyền hình, một chương trình vị lợi nhuận cho những nhà tổ chức như bao nhiêu chương trình giải trí khác; mà trong thời đại bùng nổ truyền thông đa phương tiện như hiện nay, người ta không thiếu những thông tin “mát mẻ” như vậy trên báo, trên truyền hình, trên mạng... để theo dõi.

Trước đây, bao nhiêu người đã cùng hô hào bầu chọn trên mạng cho Mai Phương Thúy khi cô tham dự Miss World. Năm nay, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã bắt đầu. Hoàng My sẽ lên đường đến Nội Mông, Trung Quốc, thi Hoa hậu Thế giới. Một bộ phận khán giả có thể vẫn hào hứng bàn chuyện thị phi về các người đẹp, còn ăn thua bầu chọn... Nhưng một bộ phận khác tỉnh táo hơn sẽ hiểu rằng, khi một nền văn hóa - giải trí đủ đa dạng những món ăn tinh thần để quan tâm, thì hoa hậu chẳng là mối quan tâm thiêng liêng đặc biệt.

Theo Phụ nữ

Theo Phụ nữ

Bạn có thể quan tâm