Liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được cử tri thành phố quan tâm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết Ban sẽ quyết tâm kiểm tra, xử phạt nghiêm người buôn bán thực phẩm bẩn trong thời gian tới.
Theo bà Phong Lan, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM mới thành lập hơn 3 tháng nên vẫn đang ổn định nhân sự, hoàn chỉnh các thủ tục hành chính, để tiến hành làm việc đúng pháp luật.
Bà Lan cho biết hiện các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm đang bị "bủa vây" bởi một rừng giấy chứng nhận. Cụ thể, có 59 thủ tục để cấp các loại giấy từ các bộ, 47 loại thủ tục được ủy quyền cho địa phương. Chính vì nhiều thủ tục như vậy nên rất dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.
Bà Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Phước Tuần. |
Trong thời gian tới, Ban quản lý An toàn thực phẩm sẽ thành lập 8 đội thanh tra thường trực tại các quận, huyện; 3 đội thường trực ở các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức. Các quận, huyện sẽ phải kết hợp với 8 đội thanh tra liên quận này để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.
“Các đội này vào ban ngày sẽ kiểm tra, ban đêm sẽ kiểm dịch. Thành viên các đội thanh tra sẽ được giám sát chặt, luân phiên thay đổi địa bàn làm việc để tránh phát sinh tiêu cực. Nếu có tiêu cực hay năng lực yếu kém, Ban sẽ cương quyết xử lý để đảm bảo an tâm cho người dân”, bà Lan khẳng định.
Về nhiệm vụ của 3 đội thanh tra thường trực ở các chợ đầu mối, bà Lan cho rằng trước đây nếu lấy thực phẩm tươi sống kiểm nghiệm thì ba ngày mới có kết quả, kết quả dương tính thì thực phẩm bẩn đã vô bụng người dân hết rồi. Vì vậy, hiện nay Ban đã trang bị cho các đội thanh tra phòng xét nghiệm nhanh, nếu kết quả dương tính thì ngưng lô hàng đó lại để gửi đi xét nghiệm sâu.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, những gánh hàng rong trên đường phố là thách thức của Ban quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới. Ảnh: Tùng Tin. |
Đề cập đến hình thức chế tài, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Phong Lan khẳng định thời gian tới Ban sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, kiểm tra những cá nhân, tổ chức dùng các chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong chăn nuôi, sản xuất thực phẩm.
"Theo bộ luật hình sự sửa đổi, các hành vi dùng chất cấm trong sản xuất gây hại đến nhiều người có thể nhận mức án cao nhất là chung thân", bà Lan nhấn mạnh.
Ban quản lý an toàn thực phẩm cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các đề án thực phấm sạch như vận động doanh nghiệp đăng ký chuỗi thực phẩm sạch, xây dựng chợ kiểu mẫu, thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn…