Phiên tòa xét xử lưu động được thông báo sẽ bắt đầu lúc 7h30 nhưng từ tờ mờ sáng khu vực trước cổng chợ Vàm Cống (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã đông nghẹt người. Ai cũng chen chúc, xô lấn để giành nhau một chỗ ngồi xem phiên xét xử.
Những giọt nước mắt muộn màng
Hơn 7h xe bít bùng chở bị cáo dừng trước cổng chợ. Cửa xe hé mở, vài ánh mắt láo liên đổ dồn qua khe cửa hẹp hướng về phía bị cáo.
Phía trong xe, sau khoảnh khắc bối rối ban đầu, bị cáo dùng đôi tay chai sạn vì vác đá vuốt nhẹ lên chiếc áo sơmi cho thẳng thớm rồi bình thản bước xuống sân xét xử.
“Thằng Sang kìa, trông nó ốm quá”, “Hiền lành, ôn hòa là thế mà làm chuyện động trời như vậy”. Những câu nói vang lên bất chợt được nhiều người đứng cạnh đồng tình bằng cái tặc lưỡi tiếc nuối.
Bị cáo Sang trước vành móng ngựa. |
Dường như nghe thấy, bị cáo cúi mặt đi thật nhanh đến trước vành móng ngựa, nước mắt chực trào.
Sáng 28/5, TAND tỉnh Đồng Tháp đã mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ án giết người do bị cáo Võ Văn Sang (32 tuổi, ngụ ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) thực hiện.
Theo cáo trạng, sau khi đi dự đám giỗ, Sang rủ những người bạn về nhà mình tiếp tục cuộc nhậu.
Khi chủ tọa phiên tòa nhắc đến phần bồi thường cho gia đình bị hại gần 100 triệu đồng, bị cáo đắn đo hồi lâu rồi nói: “Nhà bị cáo nghèo lắm, bị cáo lại là lao động chính nuôi cha mẹ nên không biết khi nào mới trả xong”.
Thấy vậy, Sang mới nói với Tới để mình giữ giúp con dao, chừng nào gặp Bi sẽ trả lại.
Nói rồi Sang giắt con dao vào lưng quần rồi đi qua tiệm sửa xe cách nhà 30m để tìm anh Huỳnh Văn Trung (anh rể Sang) hỏi chuyện tại sao lại kêu công nhân trong đội bốc vác của Sang qua làm cho đội của Trung.
Hai bên mâu thuẫn dẫn đến cự cãi, Sang móc con dao ra, đưa dao lên nhá 2, 3 lần về phía Trung. Thấy vậy anh Huỳnh Minh Trị đứng ra can ngăn thì bị Sang vung dao cắt ngang vùng cổ. Nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau khi gây án Sang đến cơ quan công an đầu thú.
Sau những câu hỏi thủ tục về họ tên, năm sinh, quê quán, chủ tọa phiên tòa đi vào xét hỏi: “Bị cáo có phải là ông chủ của người ta không? Tại sao người ta bỏ qua làm cho anh rể bị cáo, bị cáo lại bức xúc?”.
Đáp lại câu hỏi của hội đồng xét xử, Sang giãi bày: “Thấy mọi người không có công việc, bị cáo thương tình đón nhận mọi người vào đội của mình làm, hướng dẫn này nọ nhưng cuối cùng họ lại bỏ đội của bị cáo đi làm cho đội anh rể vì phúc lợi tốt hơn. Bị cáo tức lắm”.
“Nếu bị cáo có công việc lương cao hơn, chén cơm đầy hơn thì bị cáo có nguyện gắn bó với công việc cũ hay không?” - vị chủ tọa chất vấn. Đáp lại, Sang lí nhí: “Dạ, không”.
Tiếp đó đại diện viện kiểm sát đặt câu hỏi với bị cáo: “Mấy lần luật sư vào thăm bị cáo đều khóc cho rằng mình không cố ý giết người. Nếu không cố ý giết người thì tại sao bị cáo lại giơ dao cắt cổ bị hại?”.
“Lúc đó bị cáo có hơi men, lại thấy bị hại nhảy bổ ra bênh vực anh rể nên bị cáo không kiềm chế được” - Sang trả lời.
“Bị cáo đừng nói thế, đừng đem bia rượu ra biện hộ cho hành động của mình. Bị cáo gây án khi say xỉn thì tình tiết càng tăng nặng mà thôi”. Nghe lời luận tội của đại diện viện kiểm sát, Sang im lặng cúi đầu.
“Tui xem nó như em ruột, mỗi lần được người ta thuê bốc vác khối lượng lớn tui đều kêu nó chia bớt. Thường ngày tính tình nó ôn hòa, chỉ có mỗi lần đó là tui với nó mâu thuẫn. Tôi cũng là một trong gần 100 người là bà con xóm giềng ký vào đơn xin giảm tội cho nó” - Trung, anh rể của bị cáo, đột nhiên nghẹn giọng khi được mời lên đối chất với bị cáo.
Câu chưa dứt, cả hai đều đưa tay quệt nước mắt.
“Con bất hiếu...”
Tranh thủ phần nghị án, cha bị cáo nhấc thân mình khó nhọc do bệnh tật tiến về phía bị cáo. Nhận thấy ánh mắt lo lắng của cha, bị cáo nói chân thành:
“Con bất hiếu không chăm sóc được cho cha mẹ. Cha mẹ nhớ sống thật lâu, chờ ngày con ra tù nhé. À, ở trong đó không thiếu thốn gì đâu, cha không cần gửi gì cho con đâu. Ra tù con sẽ làm lại đền đáp cha mẹ và bà con xóm giềng”.
Chưa dứt câu, người cha già đã đưa đôi tay gân guốc nắm chặt tay Sang như thể không muốn người con rời xa.
Xung quanh, những người từng là nhân công trong đội bốc vác của bị cáo đến trò chuyện, trong đó cả những người từng bỏ bị cáo qua đầu quân cho nơi khác: “Ra tù nhớ hoàn lương nha”, “Mày gắng cải tạo tốt để về sớm chứ tao biết bản tính mày hiền lành”, “Bữa tao cũng ký đơn xin giảm án cho mày đó Sang”...
Đáp lại, Sang nở một nụ cười nhẹ, để lộ đôi má lúm đồng tiền sâu hoắm. Tòa tuyên phạt bị cáo 20 năm tù. Nắng chiếu nghiêng qua vành móng ngựa, đổ những vạch đen lên chiếc áo sơmi sáng màu của bị cáo.