Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực tâm thần, nếu công tác giám định phạm nhân bị tâm thần có lỗ hổng, thì “sai một li…đi cả nghìn dặm”.
"Xin được làm người điên…"
Ngày 25/7, kết quả phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án tiêm máu nhiễm HIV vào người cháu bé 2 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu khiến nhiều người phẫn nộ.
Cụ thể, 2 đồng phạm là Lê Trung Linh (33 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) và Huỳnh Văn Thế (32 tuổi, trú tại TP.HCM) trong vụ việc này phải chịu lần lượt là 11 và 13 năm tù. Riêng nữ giám đốc chủ mưu thuê người tiêm máu có HIV vào người con của tình địch thì thoát tội nhờ có bệnh án tâm thần.
Theo cáo trạng, đầu năm 2014, Đào Thị Thu Thảo (Giám đốc chi nhánh của một công ty tại Bà Rịa - Vũng Tàu) nghi ngờ bạn trai mình có con với người phụ nữ khác.
Thảo đã thuê người lấy tóc, mẫu móng tay của cháu H. (con của tình địch Thảo) đi giám định AND. Sau khi chắc chắn đây là con của người yêu mình, Thảo lên kế hoạch trả thù tình địch. Đến tháng 5/2017, Thảo thuê Linh hãm hại cháu bé bằng cách chích máu nhiễm HIV vào người cháu.
Trước khi phiên tòa sơ thẩm lần 1 diễn ra vào đầu tháng 4, Thảo có giấy chứng nhận đang đi chữa bệnh nên không tham gia phiên tòa. Tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ việc Đào Thị Thu Thảo có bị tâm thần như kết luận giám định của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa hay không.
Trong khi đó, hai bị cáo đã được Thảo thuê để hành sự thì một mực khẳng định, người phụ nữ này hoàn toàn bình thường và tỉnh táo lúc thuê và “giao nhiệm vụ” cho họ làm.
Kết luận từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa cho biết: “Về y học: Trước, trong và sau khi gây án đương sự bị bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần. Hiện nay đương sự bị bệnh giai đoạn trầm cảm vừa. Về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi: Tại thời điểm gây án và hiện nay đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”.
Do vậy, bà Thảo phải đi chữa bệnh bắt buộc và dĩ nhiên thoát tội. Câu hỏi được đặt ra trong vụ việc này là có hay không có lỗ hổng trong công tác giám nhận tâm thần, để nhiều bị can, bị cáo có khả năng thoát tội trắng trợn.
Một trong những “cao thủ” trong việc lợi dụng giấy chứng nhận tâm thần để thoát tội, có thể kể đến Nguyễn Ngọc Bình tức Ngọc “chập” (47 tuổi, ở Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội).
Một ca giám định tại Trung tâm giám định pháp y tâm thần TPHCM. |
Người phụ nữ này có tới 3 bản án về tội Mua bán trái phép ma túy, nhưng nhờ “bảo bối” giấy chứng nhận tâm thần, y chưa từng phải thi hành một bản án nào. Mô-típ chạy tội của những kẻ ma mãnh này sau nhiều vụ án vẫn là: buôn bán trái phép chất ma túy, bị bắt thì phát bệnh tâm thần, đưa đi điều trị bắt buộc, sau thời gian điều trị lại tiếp tục bán ma túy.
Theo luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM), khoản 1 Điều 13 Bộ luật hình sự hiện hành quy định nếu đúng tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, những người phạm tội là người không có năng lực hành vi dân sự (tức là bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh nào đó gây hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự) thì họ không phải chịu trách nhiệm về hình sự. Lợi dụng quy định này, nhiều người đã dùng bệnh án tâm thần để đối phó với các cơ quan pháp luật, trốn tránh việc thi hành án theo luật.
Thực tế, trong nhiều vụ án nghiêm trọng, tờ giấy chứng nhận tâm thần được xem như “kim bài miễn tử”, khiến nhiều người bất chấp tất cả để có được “giấy chứng nhận điên”, thủ sẵn “bảo bối” này trong người ngay cả trước khi chưa gây án. Ngoài việc giả điên, làm giấy tờ giả, thậm chí nhiều người còn lấy hồ sơ bệnh án của người bị tâm thần “thật”, rồi dán hình, sửa tên, địa chỉ, làm thành bộ hồ sơ tâm thần “giả” hoàn hảo để chạy tội cho mình.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TP.HCM) nhận định nhiều kẻ ma mãnh sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào để có được giấy chứng nhận tâm thần. Bác sĩ Quang cho biết vừa qua, tại trung tâm vừa tiến hành giám định một trường hợp lợi dụng hồ sơ tâm thần của người khác để chạy tội.
Thành phần này nguy hiểm, từng có nhiều tiền án, tiền sự liên quan đến vay tiền, thế chấp. “Chúng tôi phải trực tiếp mời bệnh nhân theo hồ sơ “thật” đến giám định có bệnh hay không, còn người phạm tội thì giao cho công an xử lý theo quy định của pháp luật”, bác sĩ Quang nói.
Những lỗ hổng chết người
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về tâm thần, thực chất vẫn tồn tại những lỗ hổng trong công tác giám định. Kiến thức chuyên môn của giám định viên cũng là một trong những thiếu sót hiện tại trong khi tình hình tội phạm ngày một phức tạp, kẻ gây án khôn ngoan, xảo quyệt hơn. Hơn nữa, nếu bác sĩ không làm chủ được bản thân, sẽ dễ dàng sa ngã trước những món lợi trước mắt nhắm mắt kí tên vào giấy giám định tâm thần, để đối tượng xấu thoát tội.
Theo luật sư Huỳnh Minh Vũ, điều 382 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định đối với những người làm công tác giám định tâm thần, nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Luật giám định tư pháp đã quy định rõ ràng những đơn vị, cơ quan nào được phép cấp giấy chứng nhận tâm thần. Nhưng vẫn có nhiều nơi cấp giấy tùy tiện, để khi xảy ra nhiều vấn đề hệ lụy thì mới vỡ lẽ.
Lỗ hổng lớn trong công tác giám định tâm thần còn ở vấn đề liên đới giữa ba bộ ngành: Lao động Thương binh & Xã hội, Y tế và Công an mà chưa thực sự có cơ chế thẩm định lại kết quả giám định. Bác sĩ Quang lấy ví dụ điển hình khi một người có nhu cầu được giám định tâm thần, bác sĩ xác minh mục đích giám định để làm gì (hưởng chế độ trợ cấp, lấy vợ chồng có yếu tố nước ngoài) thì cán bộ giám định chỉ nên kết luận cho người bệnh duy nhất mục đích đó.
Hiện tại bộ Y tế chỉ làm công tác giám định và cho ra kết quả xác nhận tâm thần hay không; Bộ Lao động Thương binh & Xã hội dựa vào kết quả đó để thực hiện trợ cấp theo thông tư. Còn Bộ Công an thì dựa vào kết quả này để xử lý hình sự hay không. Điều đó vô tình tạo tâm lí cho nhiều người rằng giấy chứng nhận tâm thần là bảo bối.