Thầy lấy làm lạ nên hỏi thì một em học sinh nói: “Thưa thầy! Chúng em xem trên Facebook, biết nhiều người gọi thầy là ông Bụt vì thầy đang nuôi dưỡng và chăm sóc cho anh Vũ bị tai nạn, không có người thân, nên chúng em gọi thầy là ông Bụt. Thầy giống ông Bụt trong truyện cổ tích hiện ra giúp người gặp cảnh khổ ạ!”.
Nghe học sinh gọi mình biệt danh mới, thầy cũng thấy vui vui. Sau khi dạy xong hết bài học, còn thời gian khoảng 5 phút, thầy kể cho các em hiểu hành trình làm từ thiện của thầy và hoàn cảnh của em Lê Văn Vũ, người mà thầy đang cưu mang.
"Ông Bụt" đã cưu mang em Vũ lúc hoạn nạn. Ảnh: Người Lao Động. |
Thầy chậm rãi: “Từ nhiều năm qua, hai vợ chồng thầy nhất trí là hàng tháng khi lãnh lương, trích 1 triệu đồng bỏ vào phong bì riêng để làm từ thiện. Thỉnh thoảng, thầy thấy có nhiều học sinh đi học phụ đạo, nhà xa, đâu thể về được nên ở lại trường học tiếp buổi chiều. Có nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn nên cha mẹ chỉ cho có 5 nghìn thì làm sao đủ tiền mua hộp cơm…”.
Vào tháng 6, em Lê Văn Vũ bị một chiếc xe tải cán vào chân, tài xế sau khi gây tai nạn chạy mất. Ttrong vòng chưa đến 2 tháng, em bị mổ chân đến 9 lần tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Chân trái bị cưa và chân phải còn lại cũng đang điều trị.
Vũ mồ côi mẹ từ nhỏ, cha đã có vợ khác và không một lần thăm viếng. Em hiện không có người thân nuôi bệnh. Mọi sự chăm sóc, em nhờ vào những người trong phòng bệnh. Hàng ngày, thầy đem cơm và làm công việc trong nhà trọ giúp em. Thầy trả tiền nhà trọ và lo các chi phí sinh hoạt cho em và những lần em tái khám.
Cứ hết giờ dạy, thầy vội vã chạy về nhà mang cơm cho em Vũ. Dù vất vả, thầy thấy vui vì giúp Vũ có niềm tin và không tuyệt vọng khi em bị người thân từ bỏ lúc lâm vào cảnh khốn cùng…
Sau khi nghe thầy kể, nhiều em học sinh trích ra số tiền ăn bánh tặng cho em Vũ. Đa số các em đều cho biết từ khi học thầy, biết thầy thường giúp người hoạn nạn khó khăn, các em học ở thầy đức tính này.
Bây giờ, các em đã hiểu bài học từ lòng nhân ái có giá trị hơn những bài giảng trong tiết Giáo dục công dân vì đây là bài học hay nhất, thực tế nhất các em cần có ở người thầy.
Ông Bụt của nhiều thế hệ học trò chúng tôi là thầy Nguyễn Thanh Dũng, giáo viên trường THCS Gò Đen, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Thầy chia sẻ: “Tôi hiểu mình phải luôn trau dồi hạnh kiểm để xứng đáng với tên gọi ông Bụt mà nhiều người và các em học sinh đã ban tặng cho mình. Tôi sẽ tiếp tục san sẻ yêu thương cho bao mảnh đời bất hạnh vì đó là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi”.