Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Khỉ mẹ gào rú, ôm con đã chết trên bán đảo Sơn Trà

Khỉ con nhặt thức ăn do du khách vứt lại, sau đó bị xe tông chết. Khỉ mẹ ôm chặt con gào rú thảm thiết giữa đêm trên bán đảo Sơn Trà khiến nhiều người xót xa.

Là tình nguyện viên gắn bó với công tác bảo tồn động vật trên bán đảo Sơn Trà hơn 5 năm, Thanh Ngọc Trúc (ngụ Đà Nẵng) không ít lần chứng kiến khỉ bị xe tông chết do lao ra đường nhặt thức ăn. Tuy vậy, cảnh tượng khỉ mẹ ôm chặt con gào rú vẫn khiến chị ám ảnh.

Trong một lần tuần tra tối tháng 2, chị Trúc phát hiện vết máu dưới đường Hoàng Sa, đoạn gần Hồ Xanh. Ngẩng đầu lên thì thấy khỉ mẹ cùng một chú khỉ con đang gào khóc thảm thiết trên dây điện.

Trúc cho biết theo tập tính, khỉ mẹ thường mang xác con theo đàn cho đến khi phân hủy. Tuy nhiên, chú khỉ con lần này đã lớn (gần 3 tuổi) vì vậy khỉ mẹ không thể mang con theo, khỉ mẹ đành chọn cách đặt con trên nhánh cây với hy vọng con sẽ an toàn và tỉnh lại, rồi nó cứ ngồi trên dây điện đợi và khóc.

"Khi tìm thấy xác bé, tôi cố giao tiếp với khỉ mẹ để xin tiếp cận xem có cứu được khỉ con không. Nhưng khi đưa khỉ con xuống thì phát hiện bé đã bị dập phần đầu, không còn khả năng sống sót", Trúc chia sẻ.

Đây không phải là lần đầu Trúc chứng kiến cảnh tượng đau lòng này. Chị từng thấy khỉ mẹ ôm xác khỉ con còn rất nhỏ (khoảng 1 tuổi) di chuyển theo đàn cho tới khi xác phân hủy hoàn toàn, nó mới chấp nhận sự thật rằng khỉ con đã chết.

khi Son Tra anh 3

Một du khách quốc tế đang sử dụng gói thuốc lá để dẫn dụ khỉ xuống, khi bị nhắc không được làm như vậy anh ta nói anh đang quay video TikTok. Ảnh: Thanh Ngọc Trúc.

Không riêng Trúc, Ngô Thị Trinh, một tình nguyện viên khác, cũng bày tỏ sự xót xa tột cùng khi chứng kiến những bé khỉ con gặp nạn và khỉ mẹ đau đớn, gào thét điên loạn vì bất lực.

"Chỉ vì niềm vui được nhìn ngắm khỉ ở khoảng cách gần hay một tấm ảnh đăng mạng xã hội, nhiều người đã ném đồ ăn xuống đường, thu hút bầy khỉ và dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc. Điều này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tập tính sinh hoạt và cuộc sống của loài khỉ ở Sơn Trà", Trinh bày tỏ.

Bán đảo Sơn Trà được mệnh danh là "lá phổi xanh" của Đà Nẵng, là mái nhà của nhiều loài động vật, trong đó có voọc chà vá chân nâu - loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm. Sơn Trà từng được tạp chí du lịch Wanderlust (Anh) giới thiệu là điểm đến nổi bật để ngắm động vật hoang dã ở Việt Nam. Tuy nhiên, hành vi thiếu ý thức của con người đang để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Từ nhiều năm nay, Trúc tự nguyện tuần tra sau giờ làm, nhắc nhở du khách và thu gom thức ăn bị vất lại. Chị cũng hỗ trợ điều trị khỉ bị thương, tham gia tìm và bắt những cá thể dính bảy.

"Biệt đội bảo vệ khỉ Sơn Trà" trước đây từng được thành lập nhưng hiện chỉ còn một mình Trúc duy trì. Dẫu vậy, tình yêu động vật cùng sự động viên, đồng hành, hỗ trợ gián tiếp bằng việc chia sẻ thông tin cũng tiếp thêm cho chị động lực để tiếp tục.

Tương tự, Trinh cũng thường xuyên lui tới Sơn Trà vào cuối tuần, lễ Tết - thời điểm đông khách để nhắc nhở du khách, tích cực cung cấp thông tin cho các trang mạng xã hội để đăng tải với hy vọng có thể góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng.

"Dù đối mặt với sự bảo thủ và phản ứng tiêu cực từ một bộ phận du khách, tôi vẫn cố gắng vì tôi biết những người quan tâm tới đàn khỉ đã rất ít, nếu mình cũng dễ nản và bỏ cuộc thì chẳng có ai có thể giúp được cho các bé", Trinh nói.

Trước thực trạng đáng báo động, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết đã và đang triển khai nhiều biện pháp như phối hợp kiểm lâm, lực lượng địa phương tuần tra, nhắc nhở du khách tại các điểm nóng; lắp biển cảnh báo, đẩy mạnh truyền thông, gửi khuyến cáo đến doanh nghiệp lữ hành. Trong thời gian tới, BQL sẽ lắp camera, loa cảnh báo, tăng cường giám sát, tuyên truyền rộng rãi từ cửa ngõ thành phố đến trường học.

Bên cạnh đó, các chiến dịch dọn vệ sinh như "Clean Up Sơn Trà" hay tuyển tình nguyện viên cho "Biệt đội bảo vệ khỉ Sơn Trà" vẫn tiếp tục được triển khai.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Phan Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết: "Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác bảo vệ động vật hoang dã trên Sơn Trà là hiện chưa có chế tài xử phạt cụ thể đối với hành vi cho động vật hoang dã ăn theo quy định pháp luật hiện hành. Điều này khiến công tác quản lý và nhắc nhở gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều du khách vẫn cố tình vi phạm hoặc phản ứng tiêu cực khi bị nhắc nhở". BQL đã kiến nghị cơ quan chức năng ban hành quy định xử phạt hành chính phù hợp với thực tiễn.

Hành động cho khỉ ăn không chỉ thay đổi tập tính kiếm ăn mà còn khiến chúng dễ gặp tai nạn, mắc bệnh, bị tấn công hoặc bị săn bắt trái phép. Hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến đàn khỉ mà còn toàn bộ hệ sinh thái Sơn Trà.

Để không có thêm những khỉ mẹ đau đớn gào rú bên xác con, việc nâng cao nhận thức và ban hành chế tài pháp lý đủ mạnh là điều cấp thiết hơn bao giờ hết.

Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn

Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.

Xem Voọc chà vá đu cành, tắm nắng ở Đà Nẵng

Theo nghiên cứu mới nhất, bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng có quần thể lớn nhất Voọc chà vá chân nâu - được mệnh danh là Nữ Hoàng Linh Trưởng - đang sinh sống ngoài tự nhiên.

Báo ngoại tiết lộ điểm ngắm động vật hoang dã đẹp nhất Việt Nam

Côn Đảo, Cát Bà, Vườn Quốc gia Yok Đôn,... là một số địa điểm nổi bật trong danh sách địa điểm ngắm động vật hoang dã ở Việt Nam do tạp chí du lịch Wanderlust (Anh) giới thiệu.

Linh Huỳnh

Bạn có thể quan tâm