Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi nào công an đến nhà người dân xác minh tin báo?

Đối với tin báo, tố giác thông thường, công an sẽ phân loại để xác minh, giải quyết. Nếu vụ việc nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ đến hiện trường để làm rõ thông tin.

Những ngày qua, vụ việc được cho là Hương Giang đi cùng cán bộ Công an phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) đến nhà antifan gây ra nhiều ý kiến tranh luận. Công an TP.HCM đã chỉ đạo, yêu cầu công an phường này báo cáo.

Zing liên hệ Công an phường Thảo Điền để tìm hiểu có hay không việc cử cán bộ cảnh sát đi cùng Hương Giang tới nhà của antifan để lập biên bản làm việc, nhưng đại diện đơn vị này không xác nhận.

Pháp luật quy định ra sao về quy trình công an tiếp nhận, xác minh và giải quyết tin báo của công dân?

Cong an giai quyet tin bao anh 1

Công an cấp phường thường là nơi tiếp nhận tin báo, tố giác. Ảnh minh họa: V.Q.

Theo một cán bộ công an phường ở Hà Nội, cơ quan công an luôn bố trí cán bộ trực ban 24/24h để tiếp nhận tin báo, tố giác. Người dân có thể đến trụ sở công an trình báo hoặc gọi qua điện thoại.

Cán bộ này cho biết theo quy định, sau khi tiếp nhận thông tin trình báo hoặc tố giác, bộ phận trực sẽ báo chỉ huy đơn vị. Vụ việc tiếp tục được thông báo cơ quan cấp trên nếu có tính chất nghiêm trọng.

Đối với các tin báo, tố giác thông thường, chỉ huy công an cấp phường sẽ phân loại để phân công lực lượng xác minh, giải quyết. Nếu vụ việc nghiêm trọng, cơ quan chức năng cử lực lượng có chức năng điều tra đến hiện trường để làm nhiệm vụ.

Vị này cũng cho biết theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự, nếu bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, khám xét, thu giữ các tài liệu hoặc điều tra tố tụng đặc biệt thì bắt buộc phải có sự tham gia của đại diện VKSND.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích theo Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan công an không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm đối với các vụ việc xảy ra trên địa bàn quản lý.

Cụ thể, Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự quy định khi có tin báo, cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận kịp thời để thụ lý, nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì phải chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, nếu tin tố giác, tin báo về tội phạm hay kiến nghị khởi tố, cơ quan công an hoặc đơn vị có thẩm quyền có quyền điều tra, thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh nguồn tin.

Cong an giai quyet tin bao anh 2

Luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC.

Theo luật sư, Bộ luật tố tụng hình sự còn quy định công an cấp phường, xã có quyền tiếp nhận, phân loại, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn.

"Họ được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn phối hợp, cung cấp thông tin nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội", luật sư Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, xác minh và phân loại thông tin, cơ quan công an cần giải quyết kịp thời nếu nằm trong thẩm quyền. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền thì chuyển hồ sơ cho cơ quan liên quan để giải quyết.

Đối với vụ lùm xùm liên quan Hương Giang, luật sư Cường cho rằng cần làm rõ người mặc sắc phục giống công an đi cùng Hương Giang đến nhà antifan là thuộc đơn vị nào?

Theo ông, nếu người đó đến để kiểm tra, xác minh nhưng không thuộc trường hợp điều tra, xác minh tin báo, tố giác thì phải làm rõ người đó đi cùng Hương Giang nhằm mục đích gì, có phù hợp quy định pháp luật hay không?

Còn cán bộ đó đi cùng Hương Giang đến nhà antifan để lập biên bản làm việc, thì cần làm rõ cơ quan công an địa phương này đã thụ lý tin báo, tố giác tội phạm chưa, có đang thực hiện hoạt động điều tra theo thẩm quyền hay không?

Vụ Hương Giang xuất hiện ở nhà antifan: Công an nói gì?

Công an phường Thảo Điền không xác nhận có hay không việc cử người đi cùng Hương Giang tới nhà của antifan để làm việc.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm