![]() |
1. Ôtô vi phạm lỗi gì sẽ bị CSGT lập biên bản niêm phong, xử phạt?
Theo Nghị định 46, trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT có thẩm quyền xử phạt ôtô vi phạm các lỗi: Đỗ xe lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; Đỗ xe gây cản trở giao thông; Đỗ xe tại nơi cấm đỗ. |
![]() |
2. Phát hiện ôtô đỗ sai luật, CSGT cần làm gì trước khi niêm phong phương tiện?
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, khi phát hiện phương tiện vi phạm, CSGT áp dụng quy trình: Dùng loa gọi chủ xe ra trình diện hoặc nhờ người dân thông báo nếu biết chủ xe. Sau tối đa 30 phút mà người vi phạm không xuất hiện, lực lượng chức năng có quyền niêm phong phương tiện. |
![]() |
3. CSGT có được niêm phong ôtô vi phạm luật khi vắng mặt tài xế vi phạm?
Theo Khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, khi phương tiện bị tạm giữ cần phải niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm. Nếu người vi phạm vắng mặt thì phải niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến. |
![]() |
4. Thời hạn tạm giữ ôtô vi phạm luật giao thông là bao nhiêu ngày?
Khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày. |
![]() |
5. Khi tài xế vắng mặt, CSGT cần bao nhiêu nhân chứng chứng kiến việc niêm phong ôtô vi phạm?
Căn cứ Khoản 9 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 2 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 2 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 1 bản, người vi phạm giữ 1 bản. |
![]() |
6. Người vi phạm có thể được giữ phương tiện ở địa điểm khác ngoài bãi giữ xe vi phạm nếu có đủ điều kiện?
Khoản 10 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 khẳng định, với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. |
![]() |
7. Chi phí cẩu ôtô vi phạm luật về bãi tạm giữ phương tiện là bao nhiêu?
Theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chi phí cẩu ôtô vi phạm luật áp dụng từ 800.000 đồng - 1,5 triệu đồng/chuyến (tùy loại xe). Chủ xe phải chịu mọi chi phí cẩu, bến bãi. |