- Buổi trưa, tôi đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường thì bị CSGT tuýt còi, yêu cầu tôi dừng xe kiểm tra. Sau đó CSGT yêu cầu tôi vào chốt đo nồng độ cồn. Xin hỏi, như vậy đúng hay sai?
- Trung tá Nguyễn Văn Quỹ (Tổ trưởng Tổ xử lý Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội):
Việc CSGT dừng xe và yêu cầu bạn về chốt kiểm tra nồng độ cồn là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, từ quan sát của lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường đã phát hiện người điều khiển phương tiện lưu thông có một số biểu hiện như: Mặt đỏ, đi xe loạng choạng không đảm bảo ATGT.
Hiện nay, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đang thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý theo chuyên đề xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện.
Theo đó, khi CSGT kiểm tra, xử lý theo chuyên đề này, thường bố trí cán bộ, chiến sỹ CSGT hóa trang (mặc thường phục) để quan sát người điều khiển phương tiện gần chốt kiểm tra hoặc từ những quán ăn, nhà hàng đi ra có biểu hiện say rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện. Lúc đó, cán bộ chiến sỹ hóa trang sẽ dùng bộ đàm báo cho lực lượng công khai cắm chốt gần đó sẽ tiến hành dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý nhằmđảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.
Theo Quy định tại Nghị định số 71/2012 sửa đổi một số điều của Nghị định số 34/2010 của Chính phủ về quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn, đo được qua hơi thở mức từ 0,25 đến dưới 0,4 miligam/1lít khí thở sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền 500.000 -1.000.000 đồng.
Biện pháp ngăn chặn tạm giữ phương tiện đến 10 ngày và áp dụng xử phạt bổ sung tước GPLX 30 ngày. Đối với những trường hợp vượt quá 0,4 miligam/1lít khí thở sẽ bị mức phạt 2.000.000- 3.000.000 đồng. Biện pháp ngăn chặn tạm giữ phương tiện đến 10 ngày, đồng thời áp dụng hình thức bổ sung tước GPLX 60 ngày.
Khuyến cáo, đối với những người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, trường hợp có việc phải tiếp khách hoặc đi dự lễ cưới, hỏi mà phải uống rượu, bia thì nên chọn phương tiện công cộng, không nên điều khiển phương tiện. Như vậy, sẽ gây nguy hiểm cho bạn và người tham gia giao thông khác trên đường.