“Rõ ràng, chúng ta đã chứng kiến nhiều người thiệt mạng và hậu quả lâu dài do Covid-19. Nhưng tại thời điểm này, khi ICU, khoa cấp cứu không còn quá tải, chúng ta bắt đầu xem Covid-19 giống như bệnh cúm thông thường”, tiến sĩ Emily Volk, Chủ tịch Hội đồng Giám đốc của Hội các Chuyên gia Đường hô hấp và Bệnh lý Mỹ, nói.
Tuy nhiên, tiến sĩ Timothy Brewer, giáo sư y học và dịch tễ học tại trường Y khoa David Geffen của UCLA, khẳng định điều đó không có nghĩa dịch bệnh này sẽ biến mất hoàn toàn.
Vị chuyên gia cho biết: "Virus này rất dễ lây lan giữa con người. Mặc dù nó bắt đầu tuân theo mô hình cúm mùa hơn, chúng ta có thể vẫn tiếp tục chứng kiến sự lây lan suốt cả năm, ít nhất trong tương lai gần”.
Đại dịch Covid-19 sẽ thực sự kết thúc?
“Tôi không nghĩ chúng ta có thể xác định thời điểm Covid-19 thực sự chấm dứt”, tiến sĩ Taison Bell, trợ lý giáo sư y khoa thuộc khoa Bệnh truyền nhiễm và sức khỏe quốc tế tại Đại học Virginia, nói.
Neysa Ernst, quản lý y tá của Đơn vị ngăn chặn sinh học Johns Hopkins, cho biết virus sẽ biến đổi và có nhiều phản ứng đặc hữu nhưng không gây quá tải cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe hay tác động lớn đến du lịch.
Bệnh viện của bà Ernst đã áp dụng quy trình xét nghiệm tự động cho bệnh nhân mới để phát hiện và cách ly những người mắc Covid-19. Họ cũng đã chuẩn bị sẵn các khu cách ly khẩn cấp khi cần thiết, giúp giảm bớt áp lực cho nhân viên.
Nhìn vào dữ liệu trong 3 năm qua, tiến sĩ Brewer nhận thấy số ca mắc tăng lên suốt cả năm, đỉnh dịch rơi vào mùa thu và đông. "Có thể trong tương lai, số ca nhiễm mới sẽ giảm xuống và các đợt bùng phát sẽ xảy ra vào mùa thu-đông, thay vì mùa xuân-hè".
Cập nhật vaccine chống lại các biến chủng SARS-CoV-2 mới là yếu tố quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Theo tiến sĩ Scott Roberts, giáo sư đồng thời Giám đốc y tế liên quan đến phòng ngừa nhiễm trùng tại trường Y khoa Yale, việc cập nhật các loại vaccine mới chống lại các biến thể SARS-CoV-2 cụ thể sẽ là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu này. Các loại vaccine nhắm tới chủng BA.4/BA.5 có thể là những liều tiêm đầu tiên được cập nhật, nhưng không phải là liều cuối cùng.
Theo tiến sĩ Roberts, việc tiêm chủng tăng cường hàng năm, nhắm vào các biến thể đang lưu hành có thể trở thành xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cùng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) vẫn chưa quyết định về điều này.
Sự xuất hiện của công nghệ mRNA cho phép thời gian sản xuất vaccine ngắn hơn. Điều đó có nghĩa các công ty sẽ dễ dàng hơn trong việc tương thích vaccine của họ với chủng virus đang lưu hành, đồng thời có thể chuyển hướng nhanh chóng nếu biến thể mới bất ngờ xuất hiện.
Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu?
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm đáng kể so với thời điểm dịch đạt đỉnh, hệ thống bệnh viện không còn quá tải và chúng ta đã có nhiều biện pháp để giúp mọi người sống sót - điều thế giới không thể làm được vào năm 2020.
Tiến sĩ Bernard Camins, Giám đốc y tế về phòng chống lây nhiễm tại Hệ thống Y tế Mount Sinai, nói: “Đây là con số tốt nhất mà tôi từng thấy khi không có lệnh phong tỏa”.
Tại đỉnh điểm của đợt bùng phát đầu tiên vào tháng 1/2021, CDC ghi nhận 1,7 triệu ca mắc và 23.464 ca tử vong trong một tuần. Trong đợt bùng phát chủng Omicron ban đầu vào tháng 1/2022, Mỹ có khoảng 5,6 triệu ca mắc và 17.350 ca tử vong trong một tuần.
Tuy nhiên, trong tuần kết thúc vào ngày 22/3, CDC ghi nhận 133.500 ca mắc, 2.060 ca tử vong. Rõ ràng, virus vẫn còn trong cộng đồng, nhưng số liệu này giảm đáng kể so với các kỷ lục trước đó.
Tiến sĩ Camins nhận định: “Như vậy, tùy thuộc vào định nghĩa của mỗi người, chúng ta có thể đã ở trong giai đoạn đặc hữu, bởi vì virus không còn khiến cuộc sống gián đoạn. Covid-19 đã trở thành bệnh đặc hữu từ cuối năm 2020".
Theo phân tích kháng thể của CDC, hơn 69% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 và 58% đã mắc bệnh. Đây là lý do chính khiến chúng ta không chú ý nhiều đến Covid-19 trong mùa đông này, nhưng điều đó không có nghĩa virus không tồn tại và không gây ra nhiều ảnh hưởng đến con người.
Dù chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp, việc đeo khẩu trang vẫn được khuyến khích để ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: NBC. |
Một khía cạnh khác của sự đặc hữu hóa là tính dự đoán. Năm nay có thể là một bài đánh giá để xem virus có tuân thủ theo yếu tố lây lan theo mùa không.
Theo tiến sĩ Bernard Camins, đây có thể là năm đầu tiên Covid-19 được xem như một loại bệnh đặc hữu, suy giảm trong mùa xuân, mùa hè và trở lại vào mùa thu. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý nhất là mức độ gia tăng của dịch bệnh này.
"Không ai thực sự có thể dự đoán được điều đó", ông nói, đồng thời cho biết thêm chúng ta chưa thấy một biến thể nào khác xuất hiện để thay thế biến thể omicron XBB.1.5 nổi lên trong mùa đông vừa qua.
"Một câu hỏi lớn là liệu chúng ta có thấy biến thể mới phát sinh hay không", tiến sĩ Brewer nói.
Mức độ tái bùng phát của Covid-19 trong mùa đông sắp tới cũng sẽ phụ thuộc vào các đặc điểm cụ thể của chủng virus đang lây lan vào thời điểm đó, chẳng hạn khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng tránh được sự miễn dịch trước đó.
Đừng quên những biện pháp phòng ngừa
Theo tiến sĩ Roberts, thực tế, giai đoạn chuyển từ đại dịch sang đặc hữu hóa đã kéo dài lâu hơn so với dự đoán. Chúng ta vẫn phải thích nghi để sống chung với virus, các lời khuyên về biện pháp phòng ngừa vẫn được áp dụng.
Các chuyên gia cho rằng không có khả năng yêu cầu đeo khẩu trang hoặc xét nghiệm. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng chúng trong những tình huống có nguy cơ cao hoặc nếu bạn có các yếu tố rủi ro cao.
Tháng 9/2022, Tổng thống Mỹ Biden đã tuyên bố rằng "đại dịch đã kết thúc". Cùng với việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp trong sức khỏe công cộng của liên bang vào tháng 5 tới, người dân sẽ khó có thể dựa vào chính phủ để tiếp cận các dịch vụ kiểm tra, điều trị cũng như vaccine miễn phí hoặc giá rẻ.
Theo tiến sĩ Bell, trong dài hạn, có lẽ không sẽ còn "sự đồng ý" để duy trì các biện pháp phòng ngừa dịch, chẳng hạn đeo khẩu trang và tránh các sự kiện lớn trên quy mô lớn. "Nhưng theo ý kiến của tôi, Covid-19 vẫn sẽ tiếp tục tồn tại", ông nói.
Vì vậy, mục tiêu hiện nay là "giảm thiểu thiệt hại và xác định cách chúng ta sẽ sống với Covid-19 trong tương lai".
Chuyên gia lưu ý mọi người đừng quên các biện pháp đã được sử dụng thành công trong suốt thời gian qua, sử dụng khẩu trang chất lượng cao và tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà để tăng cường an toàn cho các sự kiện, buổi gặp mặt, đặc biệt khi có triệu chứng không khỏe.
Tiến sĩ Emily Volk nói: "Ban đầu, chúng ta không nghĩ rằng mình có thể sống với điều này, nhưng sau đó nó trở thành một phần của cuộc sống".
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.