Trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại TP.HCM đã chấm dứt chuỗi 89 ngày không ca mắc cộng đồng của Việt Nam.
Trước tình hình một số trường tạm nghỉ do có liên quan bệnh nhân Covid-19, nhiều học sinh, sinh viên đã rời khỏi TP.HCM trở về các địa phương. Mặt khác, nhiều người tìm hiểu và tự đánh giá bản thân là F3, F4..., dẫn đến tâm lý hoang mang trong cộng đồng.
Tránh tự xếp hạng tiếp xúc của bản thân
Chia sẻ với Zing, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cho biết về nguyên tắc, những trường hợp được truy vết là F1 (tiếp xúc gần ca dương tính) và F2 (tiếp xúc gần F1). Theo quy định, F1 phải cách ly tập trung. F2 cách ly tại nhà.
Công tác khử khuẩn tại TP.HCM sau ca mắc cộng đồng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đặc biệt, theo Quyết định 3986/QĐ-BYT ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Bộ Y tế, nếu kết quả xét nghiệm của F1 âm tính, F2 sẽ không phải cách ly.
"Vừa qua, những trường hợp F1 của ca bệnh tại TP.HCM đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Do đó, về cơ bản, những trường hợp F2 không thực sự có nguy cơ quá lớn. Các trường hợp tiếp xúc với những ca này lúc này cũng không thực sự đáng lo ngại", ông Phu nhận định.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cũng cho biết đa số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ phát bệnh trong vòng 14 ngày.
"Sau khi cách ly đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính ở ngày thứ 14, về cơ bản, người này có thể được coi là không có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cũng như phát bệnh. Điều này không quan trọng, phụ thuộc việc bệnh nhân này được xét nghiệm bao nhiêu lần", bác sĩ Cấp cho hay.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn ghi nhận một số trường hợp nằm trong tỷ lệ hiếm có khả năng phát bệnh muộn hơn. Do đó, những người có kết quả âm tính sau 14 ngày vẫn phải tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Trong thời gian này, người dân nếu xuất hiện bất cứ triệu chứng nào, cần nhanh chóng báo lại cho cơ sở y tế gần nhất.
"Thời gian qua, qua thông tin báo chi, một số người tự cho minh là F3, F4…, và có tâm lý lo lắng quá. Tôi cho là không cần quá phải lo lắng như vậy", ông Phu nói thêm.
Do đó, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đánh giá đúng nguy cơ đối với bản thân, không có những suy nghĩ thái quá để tránh để ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý và đôi khi có những hành động ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống hàng ngày của bản thân…Thay vào đó, người dân cần có những hành động phòng bệnh một cách phù hợp cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (phải) cho biết 14 ngày là thời gian để các trường hợp F1, F2 cơ bản xác định mình có bị bệnh hay không. Ảnh: Quốc Vương. |
Dịch có thể được dập sớm
Sau khi phát hiện chùm ca bệnh mới, số bệnh nhân Covid-19 được phát hiện ở TP.HCM đang dừng lại ở con số 4 (bao gồm bệnh nhân F0 - BN1342 là ca lây nhiễm trong khu cách ly).
Nhận định về diễn biến của dịch bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng ổ dịch Covid-19 tại TP.HCM lần này không phức tạp như Đà Nẵng. Chúng ta phát hiện sớm, biết nguồn lây bệnh (F0). Từ đó, ngành y tế đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp truy vết nhằm quản lý các trường hợp F1, F2, đồng thời, khoanh vùng cũng như tiến hành những phương thức dập dịch kịp thời. Bên cạnh đó, dịch cũng chưa có dấu hiệu lây lan trong bệnh viện.
Ngoài việc biết được F0 là nam tiếp viên hàng không, ông đánh giá thời gian lây nhiễm trong cộng đồng khá ngắn. Đồng thời, TP.HCM, Bộ Y tế, các Bộ ngành đã vào cuộc rất quyết liệt để quản lý những trường hợp tiếp xúc gần (F1, F2).
Đặc biệt, đến nay, Việt Nam chủ động việc xét nghiệm Covid-19 với nhiều cơ sở xét nghiệm khẳng định và đủ test kit. Ông Phu đánh giá năng lực xét nghiệm của TP.HCM hiện rất tốt, từ đó, phát hiện kịp thời những trường hợp mắc Covid-19 để cách ly tránh lây lan.
"Dịch có thể được dập tắt nhưng chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Vì giả sử, chúng ta cũng có ổ dịch tương tự, lây lan trong cộng đồng trước đó mà chưa được phát hiện. Nhiều trường hợp mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Người dân không khai báo, không tới trạm y tế, dẫn tới không được phát hiện và lây lan ra cộng đồng", ông Phu phân tích.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, các chuyến bay nhập cảnh vào Việt Nam thường có bệnh nhân dương tính với virus (khoảng 3-20 trường hợp trên máy bay). Nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam vẫn rất lớn nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống.
Nhiều học sinh, sinh viên đã nhanh chóng rời khỏi TP.HCM và trở về địa phương sau khi nghe thông tin về dịch. PGS Phu khuyến cáo trong tình hình dịch hiện nay, học sinh, sinh viên khi được nhà trường cho nghỉ nên ở tại chỗ, tham gia học trực tuyến, tránh đi lại nhiều và hạn chế tới những nơi đông người. Những người này không nên di chuyển nhiều hoặc trở về địa phương vì có thể gây lây lan virus. Nếu về địa phương, họ cần thực hiện khai báo y tế đầy đủ.
"Nếu chẳng may có trường hợp đã nhiễm, đó có thể sẽ trở thành nguồn lây cho các nơi khác", PGS Phu khuyến cáo.
Ngoài ra, mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, cụ thể là nguyên tắc 5K do Bộ Y tế hướng dẫn gồm: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.