Hiểu thêm về chức năng của amidan
Vòng bạch huyết chống vi khuẩn vùng mũi họng gọi là vòng tổ chức bạch huyết Waldeyer gồm: amidan Luschka hay amidan vòm (VA), amidan Gerlach hay amidan vòi, amidan khẩu cái, amidan đáy lưỡi.
Amidan có những tố chức lympho để bảo vệ vùng họng miệng và cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amidan cũng là nơi sản xuất ra kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4-10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.
Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm amidan bị sưng, đỏ. Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục bả đậu nhỏ trắng như gạo, rất hôi, đọng lại trong những hốc trên amidan, lâu lâu rớt ra khỏi amidan. Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan, lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm họng amidan khác.
Viêm amidan có thể do một số loại vi trùng; do nấm ở người suy giảm miễn dịch, có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận, đau khớp dùng nhiều thuốc corticoid; do nhiễm siêu vi, do cảm cúm, viêm đường hô hấp trên,...
Dấu hiệu viêm amidan
Đối với viêm cấp tính: Bệnh nhân sốt cao (39-40 độ C), cảm giác khô cổ, đau cổ, khó nuốt. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn gặp các triệu chứng khác như: nhức đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, ho, vướng đàm, chảy mũi sau, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, hạch cổ, hôi miệng… Khi khám họng, hai amidan của bệnh nhân sẽ sưng đỏ, đôi khi có giả mạc trắng bám vào amidan.
Đối với viêm amidan mạn: Tình trạng viêm amidan kéo dài, tái phát nhiều lần gọi là viêm amidan mạn tính. Triệu chứng viêm amidan mạn không ồ ạt như cấp tính. Bệnh nhân không cảm giác đau mà thường có các triệu chứng giống các bệnh lý khác như vướng đàm, ho giống như lao phổi, hoặc chảy mũi sau, hôi miệng do viêm họng xuất tiết…
Kiểm tra miệng họng cho bệnh nhân viêm amidan. |
Viêm amidan có thể gây nên nhiều biến chứng như sạn trong hốc amidan, áp xe amidan, nang mủ dưới niêm mạc; viêm họng hạt, thanh khí quản, mũi xoang, tai giữa, viêm khớp cấp, cầu thận, viêm cơ tim và nội tâm mạc.
Viêm amidan mạn tính ở trẻ em có thể gây rối loạn hô hấp (ngủ ngáy), phát âm (giọng nói đục, hoặc ồm ồm), nuốt (nuốt khó và dễ bị ọc, ói)… Các rối loạn này nếu không được xử trí sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Khi nào nên cắt amidan?
Động từ “cắt amidan” xuất phát từ phẫu thuật kinh điển dùng một số dụng cụ để cắt như dao hoặc kéo. Ngày nay, nhiều kỹ thuật khác không còn giống như cắt amidan kinh điển nữa, nhưng thói quen vẫn dùng từ cắt amidan trong chuyên khoa Tai Mũi Họng cũng như trong dân gian. Có thể cắt amidan ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường sau 4 tuổi và tốt nhất là sau 10 tuổi. Tuổi quá cao trên 50 tuổi hạn chế cắt vì rất nhiều biến chứng khó kiểm soát.
Rất sai lầm khi đem con em đến bệnh viện xin cắt amidan vì coi nó là “thịt dư”. Hoặc cho rằng cắt “thịt dư” em bé mới mau lớn. Không nên cắt amidan trong giai đoạn cấp tính vì rất dễ chảy máu, dễ nhiễm trùng và nhiễm trùng máu mà nên điều trị 5-7 ngày sau mới cắt.
Tùy theo điều kiện của cơ sở, thói quen của một số y bác sĩ và tùy thuộc chỉ định, hiện nay có một số phương pháp cắt thông thường: Cắt amidan bằng cách bóc tách là phương pháp kinh điển. Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể cắt amidan bằng máy cắt đốt lưỡng cực; coblator hoặc laser.