Sau khi báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý xây dựng đề án hỗ trợ sản xuất vaccine Covid-19, Bộ Y tế hy vọng sẽ có kết quả nghiên cứu lâm sàng trên người vào quý IV năm 2021.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), các công ty sản xuất đang nỗ lực từng ngày và mong chờ kết quả khả quan dù việc nghiên cứu vaccine khá nhiều rủi ro.
Ứng viên tiềm năng
Ông Quang cho biết: "Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất vaccine. Tuy nhiên, 2 ứng viên được kỳ vọng nhiều nhất là Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế IVAC (Nha Trang) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen (TP.HCM)".
Nguyên nhân là IVAC sở hữu dây chuyền sản xuất có công suất khoảng 30 triệu liều với kinh nghiệm từ vaccine phòng cúm. Trong khi đó, Nanogen cũng có dây chuyền sản xuất với công suất tương tự và đáp ứng được yêu cầu của Bộ Y tế.
Theo ông Quang, điểm quan trọng nhất hiện nay là hồ sơ liên quan tiền lâm sàng (test đánh giá). Việt Nam chưa triển khai được công đoạn này nên buộc các tổ chức phải gửi mẫu sang phòng thí nghiệm tại nước ngoài.
Tại đây, họ sẽ tiến hành 3 giai đoạn gồm kiểm tra độc tính, đánh giá khả năng sinh miễn dịch và test thử thách.
Các nhà sản xuất vaccine của Việt Nam buộc phải gửi mẫu sang các phòng thí nghiệm tại nước ngoài để test đánh giá. Ảnh minh họa: VG. |
"Toàn bộ thử nghiệm lâm sàng của IVAC được chuyển tới phòng thí nghiệm tại Mỹ với kinh phí khoảng một triệu USD và đang được test thử thách. Nanogen đã kiểm tra độc tính tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) song song test thử thách", ông Quang nói.
Lãnh đạo Bộ Y tế đã giao NIHE làm lại phòng an toàn sinh học để test thử thách. Tuy nhiên, Phó cục trưởng Khoa học - Công nghệ và Đào tạo đánh giá NIHE chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác này. Do đó, đơn vị này vẫn yêu cầu gửi mẫu tới phòng thí nghiệm tại Hàn Quốc để test thử thách song song với NIHE.
Khó khăn phải đối mặt
Việc nghiên cứu vaccine yêu cầu đầu tư lớn nhưng rất rủi ro. "Đôi khi tính sinh kháng thể bảo vệ không đáp ứng được yêu cầu, kết quả âm tính và buộc đội ngũ nghiên cứu phải làm lại", ông Quang chia sẻ.
Bên cạnh đó, chi phí cũng là vấn đề lớn. Theo ông Quang, tính toán đầu tư cho việc nghiên cứu lâm sàng vaccine Covid-19 khoảng 1.000 tỷ đồng. Kinh phí nhà nước khó có thể đáp ứng bởi yêu cầu sản phẩm. Trong khi đó, việc sản xuất vaccine có khả năng thất bại, buộc tổ chức nghiên cứu phải giải trình.
Ông Quang nhận định: "Việc đầu tư cho vaccine rất vất vả. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công chỉ chiếm 20-25%".
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta phải nỗ lực tiếp cận sớm với vaccine bằng nhiều con đường. Hiện tại, Việt Nam có 2 con đường là hợp tác quốc tế và làm chủ công nghệ sản xuất vaccine trong nước. Bộ Y tế đang đi trên cả 2 con đường này.
"Chúng ta đang đàm phán với các nước trên thế giới, nếu các nhà sản xuất tại đó có kết quả, Việt Nam có thể tiếp cận sớm với vaccine. Tuy nhiên, các nhà sản xuất này cũng đang trong quá trình nghiên cứu lâm sàng", ông Quang cho biết.
Bộ Y tế kỳ vọng có thể thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người vào quý IV năm 2021. Ảnh minh họa: Business Insider. |
Ngoài ra, chủ trương của Chính phủ là phải có vaccine để phục vụ toàn dân. Nếu Việt Nam không làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine và phụ thuộc quốc tế, sự phân phối và điều tiết số lượng vaccine sẽ bị giới hạn.
"Do đó, chúng ta đang rất cố gắng ở con đường thứ 2 là hỗ trợ và đầu tư cho nhà sản xuất trong nước", Phó cục trưởng Khoa học - Công nghệ và Đào tạo khẳng định.
Dù nghiên cứu lâm sàng vaccine có nhiều rủi ro, với góc độ của cơ quan quản lý, ông Quang đặt niềm tin vào các nhà sản xuất trong nước. "Tôi rất hy vọng ở công nghệ liên quan phôi trứng gà của IVAC và tái tổ hợp của Nanogen. Nếu kết quả nghiên cứu lâm sàng ở quý IV năm 2021 khả thi, Việt Nam sẽ sớm có vaccine Covid-19", ông Quang chia sẻ.
Đại diện của Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo đánh giá các nhà sản xuất đã rất cố gắng. Các tổ chức này đang gần như tự đầu tư cho quá trình nghiên cứu và sản xuất vaccine. Mới đây, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế cố gắng hỗ trợ các nhà sản xuất.