Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi người Hà Nội chơi Harley Davidson

Ở vùng cao, đám trẻ con nhìn họ đến làm từ thiện với vẻ đặc biệt lạ lùng, bởi những chiếc xe này hoàn toàn không giống ngày thường chúng thấy.

1. Trong một quán cà phê phố Hàng Bún, chúng tôi gặp ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch CLB Harley Davidson Hà Nội (HOG) - đang hàn huyên với vài người bạn. Vẻ bề ngoài phong độ khiến ông Vinh nom trẻ, mạnh mẽ hơn nhiều so với cái tuổi 56. 

Ông cũng là chủ quán cà phê này, chỉ nhìn từ cách bài trí với không ít thực khách là những tay lái mặc bộ bò, đội mũ lưỡi trai sùm sụp, người ta đã nhận ra đó là quán càphê cho giới chơi môtô hay đại loại chủ quán là một người sành xe máy.

Ông Vinh là một trong bốn người sáng lập và đồng hành cùng quá trình phát triển của CLB, từ hồi những năm 1990, lúc đó còn chơi xe Trường Giang của Trung Quốc, loại 750 phân khối. Khi ấy, cả Hà Nội mới có vài chục tay lái hoàn toàn tự phát. 

Chuyến đi Buôn Ma Thuột của CLB.

Sau đó, họ tham gia các hoạt động dẫn đoàn đua xe đạp bằng dòng xe này hoặc Ural 650 phân khối - mua được từ các cuộc thanh lý do xe phân khối lớn không được phép nhập. “Xe về được anh em tháo bên thuyền (ốp hông), đi sôlô và dẫn đoàn” - ông Vinh kể. Tới năm 2010, những người yêu dòng xe Harley tách ra thành lập CLB Harley Davidson riêng của Hà Nội và được Liên đoàn Xe đạp - Môtô thể thao Hà Nội và Việt Nam công nhận.

Ban đầu HOG chỉ có 48 thành viên, chúng tôi được ông Vinh cho xem danh sách những người đã góp sức tạo sân chơi cho anh em trong CLB với những biệt danh ngộ nghĩnh như: “Anh Tuấn nghiện, anh Công ba lơ, anh Toàn bia, anh Tiến baba, anh Vinh Tân Đảo, anh Minh đen, anh Nam mũi to...”. 

Mỗi người mỗi công việc, mỗi nghề… họ đến với nhau vì chung một đam mê, với những cái tên kèm biệt danh cho dễ nhớ, dễ gần và gắn bó nhau hơn. Đến nay, HOG có khoảng hơn 100 thành viên, tham gia sinh hoạt đều đặn vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần ở CLB Mỹ, phố Hai Bà Trưng.

Gia đình ông Vinh vốn là Việt kiều Pháp về nước năm 1964 nên ông sở hữu một phong thái khá dễ chịu, bao trùm lên một cá tính mạnh mẽ. Đa số thành viên của HOG đều là những người tương đối ổn định về tài chính và cùng có chung một niềm đam mê.

2. Giữa tháng 10 năm vừa rồi, ông Matt Levatich - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hãng Harley Davidson - đã gửi lời chúc mừng, đồng thời cấp chứng nhận ghi danh HOG vào danh sách thành viên của hội những người sở hữu những siêu môtô này trên toàn cầu, trong đó, bao gồm cả bộ phận ở TPHCM. 4 người sáng lập CLB ở Hà Nội đã được Harley Davidson cấp thẻ đầu tiên và sau đó sẽ là những thành viên khác.

Thẻ thành viên Harley Davidson toàn cầu (màu đen) của ông Vinh.

Giá một chiếc Harley Davidson ở Việt Nam hiện nay thấp nhất cũng rơi vào quãng 600 triệu đồng (30.000USD), còn kịch trần là hơn 2 tỷ đồng (100.000USD). Harley không phải xe chạy tốc độ, ở HOG hiện hội đủ các dòng phổ biến như: Sportster, Dyna, Softail, Touring, V-Rod, CVO (Custom Vehicle Operations - dòng xe sản xuất theo yêu cầu của khách), mỗi dòng lại có các chủng loại khác nhau, động cơ từ 900-1.800CC. 

Chẳng hạn, dòng Touring - ưu việt chạy đường xa, ngồi thoải mái, có thùng cốp, âm thanh tốt (nghe nhạc trên đường làm người lái đỡ mệt), có ổ châm thuốc lá, hệ thống nước, ngoài ra còn nhiều đồ chơi kèm theo… 

Có người thích dòng Turing Stress Glide - nhẹ nhàng phù hợp với người Việt; nhưng cũng lại có người thích dòng Softail, đơn giản chỉ vì có giảm xóc giò gà khiến xe trông vẻ ngoài cổ điển.

Mỗi chiếc xe là một phong cách riêng đầy cá tính. Sử dụng xe Harley cũng khác với các loại xe khác, bởi tiếng nổ của xe thưa, mạnh, trầm và âm tần tương đối lớn, chỉ đi qua ôtô đỗ bên đường có gắn còi báo động có thể khiến chúng tự hú lên inh ỏi vì xung động âm thanh. Tiếng “bừm bừm bừm” của động cơ Harley có thể khiến người đi đường nghe thấy từ khoảng cách 300m. “Mỗi khi chạy xe Harley là tôi cảm thấy bị kích động, hưng phấn. Xe chắc chắn, khoẻ mạnh, phong cách đàn ông, cảm giác ngồi sau tay lái không xe nào giống xe nào, 100 cái khác nhau cả 100” - ông Vinh nói.

Ông Vinh cũng nhìn nhận: “Nói chung, mọi người nhìn người đi xe Harley cũng hơi khác bình thường. Ở nước ngoài chơi xe Harley bị coi là dân ''xã hội đen'', nhưng ở Việt Nam không phải vậy”. Nghe ý kiến này, anh Phan Mạnh Tiến - một thành viên CLB - có vẻ không đồng tình lắm, vì ở tây hình ảnh Harley gắn với những tay chơi, cô gái đeo khuyên, xỏ mũi, ăn mặc lập dị, nhưng ở mình chỉ là một chút phá cách. 

Song ông Vinh gạt ngang nói tiếp: “Những người từ nước ngoài về nhìn thấy chúng tôi cũng tưởng là những tay bảo kê, giang hồ… độ xe diêm dúa, không hợp nhãn, chưa hợp với nước mình”. Có lần, một anh trong hội đi dự đám cưới vẫn ăn mặc như khi lái xe, bị đùa bèn đứng dậy nói lời xin lỗi bởi mình là dân chơi xe môtô, có lẽ đấy mới là người yêu môtô thực thụ.

Có xe Harley là có thể gia nhập HOG và không có giới hạn nào về tuổi của sự đam mê này. Họ - những thành viên CLB - chỉ ngồi bên cạnh một ly nước cũng có thể nói hàng giờ về xe, thậm chí dù là một chi tiết máy nhỏ và rồi cùng nhau rong ruổi trên những nẻo đường.

3. Ăn mừng kỷ niệm 110 năm ngày chiếc Harley Davidson đầu tiên do William S.Harley và Arthur Davidson chế tạo vào năm 1903 (chỉ có 2 chiếc được sản xuất trong năm này) tại thủ phủ của hãng này ở Milwaukee (Mỹ), 20 thành viên Harley Davidson Hà Nội đã cất công qua Mỹ tham dự. Ông Vinh không giấu nổi cảm xúc, nhớ lại: “Sang đấy là đất nước của dân có điều kiện, rồi đường sá, môi trường phù hợp hơn so với mình”.

Khi đó, dân chơi xe Harley từ các bang, các nước đổ đồn về Milwaukee lên đến hàng chục nghìn người. Gặp người “đồng máu”, cùng sở thích là rồ ga, bốc đầu… để thoả mãn niềm đam mê. Ông Vinh thuật lại đầy hào hứng: “Ở bên đấy chơi xe cũng toàn người tuổi như bọn tôi”. Đoàn HOG đi nhưng không mang theo xe vì chi phí lớn, tại Milwaukee lúc đó hầu hết các thành viên Harley đều đi theo nhóm, có phong cách riêng, không ai đi đơn lẻ. 

Lên xe là mặc trang phục đầy đủ, hoặc ít ra là cần phải có giày chính hãng, có độ cứng ma sát tốt, nếu không dễ trượt ngã. Trong cuộc hội ngộ ấy, Harley đã tổ chức triển lãm, giới thiệu mẫu xe mới đậm phong cách Mỹ, trong đó có CVO Breakout - mẫu Softail; CVO Road King hấp dẫn hơn hay chiếc Hard Candy Custom - phỏng theo mẫu Chopper trong phim “Ma tốc độ”…

Ở Milwaukee, đoàn HOG cũng được ban tổ chức đón tiếp như một bộ phận của người sở hữu xe Harley toàn cầu, nhưng ăn uống, sinh hoạt các thành viên phải tự chi; song là hội viên thì được giảm giá, vào các khu vui chơi không phải mua vé… 

Đặc biệt, mỗi dòng xe được bán trong dịp sinh nhật 100 năm của hãng đều được kiểm duyệt nghiêm ngặt và sản xuất có giới hạn. 2 cuốn catalogue phụ kiện cho xe ông Vinh mang ra có đến cả nghìn món đồ. Anh Tiến nói: “Mỗi mẫu Harley có hàng nghìn phụ tùng để độ vào xe, theo sở thích của mình. 

Mỗi năm hãng này sản xuất ra khoảng 10.000 món đồ chơi khác nhau: Ghi đông, hộp số, thậm chí cả cục máy mới… cho tới những đồ cho người ngồi xe như quần áo, mũ, găng tay, kính mắt… để thay đổi, làm mới xe”. Ông Vinh nói: “Là thành viên toàn cầu thì có thể alo đặt hàng, hãng sẽ chuyển tới tận nơi, về chỉ việc lắp”. Ở nước ngoài, công lắp đặt hộp số lùi cho xe - do xe nặng không tiện cho việc dắt nên độ thêm vào - là 300USD + hộp số lùi 1.700USD + phí chuyển hàng, tổng chi là hơn 2.000USD.

 Nhưng ở Hà Nội, chỉ 200.000 đồng công lắp là xong. Giá rẻ, tiết kiệm nhưng về Việt Nam lắp thường không chuẩn, đang đi bị “khực khực” và vỡ số lại phải thay mới, nghĩa là mất 1.700USD nữa, chưa kể liên quan tới các bộ phận khác có thể hỏng. 

CVO là xe độ chính hãng, chênh với xe thường khoảng 10.000USD. Ở Việt Nam không thuận tiện cho việc mua đồ độ nên người chơi trong nước hay mua dòng CVO đã độ kịch đồ, trong khi ở nước ngoài họ chỉ mua xe thường, rồi thích gì thì chạy ra showroom lắp thêm. “Tây sang đây thấy ta chơi CVO cũng phải lắc đầu vì chơi quá sang” - ông Vinh nói.

4. Khi tiếp xúc với một số thành viên của HOG, chúng tôi thấy họ là những con người điềm đạm, đầy trải nghiệm cuộc sống. Họ đã lái những chiếc Harley của mình tới những nơi xa xôi hẻo lánh ở Nghệ An, Yên Bái, Hà Giang… để làm từ thiện, vượt qua những cung đường rất xấu, đi qua suối nước bắc ván, cầu treo và những chiếc xe tiền tỷ bị “đo đất” do đường trơn trượt cũng là chuyện thường. Anh Tiến kể: “Dân các bản làng thấy đoàn xe kỳ lạ đến nên thường rất háo hức, nô nức kéo đến xem như ngày hội”.

Năm ngoái, CLB mua 100 chiếc xe đạp tặng cho học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa. Nhận quà là những trẻ em học cấp 2, người bé tí, có em còn chưa biết đi xe đạp. Có đứa mặc áo rách vừa dài, vừa rộng, hỏi ra mới biết nó mượn của anh, nhìn thương vô cùng. Có bà cụ được cho tờ 200.000 đồng, nhưng nhận rồi mà tay cứ mân mê tờ tiền mãi. 

Anh Tiến lo lắng, “bà sợ mình đưa tiền giả hay làm sao?”, gọi đứa bé lại gạn hỏi, hoá ra bà muốn biết tờ tiền này bằng bao nhiêu tờ 2.000 đồng, bởi cả đời bà tới giờ chưa nhìn thấy tờ tiền nào to như thế. 

Sau những chuyến từ thiện, CLB còn tài trợ cho những giải đua xe đạp như Giải người lớn tuổi ở Quảng Bình, năm nay dự định tổ chức vào 15.4, trong kế hoạch còn có giải xe đạp Hà Nội - Điện Biên Phủ dự kiến tổ chức vào tháng 5…

Có lẽ các thành viên của CLB Harley Davidson Hà Nội sẽ còn làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa cho cuộc sống!

http://laodong.com.vn/phong-su/khi-nguoi-ha-noi-choi-harley-davidson-172955.bld

Theo Lao Động

Bạn có thể quan tâm