Sau liên tiếp những vụ thầy giáo sàm sỡ, gạ tình học sinh, trao đổi với Zing.vn, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền - Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Phú Yên - cho rằng trẻ không chỉ có nguy cơ bị xâm hại ở đời thực, mà còn trên cả không gian mạng ảo.
Với những trường hợp vừa qua, các em bị xâm hại ở trường học, sau đó tiếp tục trở thành nạn nhân của xâm hại quyền con người trên mạng xã hội, thật sự rất đau lòng. Trong khi người lớn tiếp tục tranh cãi về những khía cạnh khác nhau của chủ đề gây bức xúc dư luận này, nhiều vụ việc đáng tiếc vẫn xảy ra.
15 học sinh bị vỗ mông, sờ đùi không phải chuyện bình thường
Bà đánh giá thế nào khi thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ thầy giáo sàm sỡ, gạ tình học sinh?
- Theo dõi và trợ giúp cho trẻ bị xâm hại tình dục thông qua hoạt động tại địa phương, tôi cố gắng đặt mình vào vị trí, tâm lý của trẻ và gia đình để thấu hiểu những tổn thương mà họ phải gánh chịu, cũng như sự bức xúc của xã hội trước vấn nạn xâm hại trẻ em hiện nay.
Những vụ việc xâm hại phụ nữ và trẻ em đã trở thành “dây pháo nổ có tính liên hoàn” trong đời sống xã hội. Môi trường nào cũng luôn tiềm ẩn “ngòi nổ” như thế và có thể gây hậu quả bất cứ lúc nào.
Khi các sự việc như một dây pháo liên tiếp nổ ra, có người phẫn nộ, người bức xúc, có người chấp nhận thỏa hiệp, người im lặng xem đó không phải chuyện của mình.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền tại nghị trường Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Có thể vì quá thất vọng về môi trường giáo dục hiện nay mà không ai kịp hiểu rằng cho dù bằng thái độ nào, việc bày tỏ ra sao, nhưng nếu đi quá giới hạn cho phép, người lớn cũng trở thành kẻ châm ngòi.
Chúng ta là những người bị tổn thương bởi chính tiếng nổ không điểm dừng ấy và đương nhiên, một lần nữa, những cuộc tranh cãi không hồi kết sẽ là hành vi xâm hại lần hai, ba đối với nạn nhân.
Vì thế, "thái độ" chính là điều mà tôi nghĩ đến và lo lắng nhất. Đó là thái độ của người trong cuộc, thái độ người ngoài cuộc, thái độ của cộng đồng xã hội, cơ quan chức năng...
Đối với những vụ việc nhạy cảm liên quan trẻ em, thái độ thận trọng của người lớn là điều quan trọng nhất, góp phần giúp sự thật cuối cùng được đưa ra ánh sáng.
- Là đại biểu Quốc hội, bà có đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng luật pháp còn lỗ hổng trong việc quy định cụ thể về hành vi dâm ô? Chúng ta phải làm gì để bịt những lỗ hổng đó?
Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang - nơi xảy ra sự việc thầy giáo vỗ mông, sờ đùi nhiều học sinh. Ảnh: Q.Q. |
- Ngoài luật pháp, vai trò của phụ huynh, gia đình, nhà trường như thế nào trong việc phòng tránh xâm hại cho trẻ?
- Có lần tiếp xúc mẹ của một bé gái là nạn nhân của xâm hại tình dục, tôi hỏi về việc dạy con kỹ năng tự bảo vệ bản thân, người mẹ có tham dự những buổi truyền thông tại cộng đồng về nâng cao hiểu biết pháp luật bảo vệ trẻ em không.
Chị dõng dạc nói: “Có chứ”. Khi tôi hỏi trao đổi với con gái thế nào, chị trả lời: “Tôi nói với cháu không được để ai động vào vùng kín trên cơ thể. Nếu để mẹ biết được, con sẽ bị đánh đòn”.
Thật đau xót khi con chị là nạn nhân của dâm ô, bị đối tượng thực hiện hành vi xấu xa nhiều lần mà không dám nói với mẹ, vì sợ bị đánh. Rõ ràng, ở trường hợp này, chỉ một câu nói đi kèm cảm xúc thiếu chuẩn mực của người mẹ đã làm cho công tác truyền thông phản tác dụng.
Vụ việc gần đây, thầy giáo Bắc Giang vỗ mông, sờ đùi nhiều học sinh, chúng ta ngạc nhiên vì không ít phụ huynh cho rằng đó là bày tỏ yêu thương với học trò. Chúng ta cũng ngạc nhiên với những phát biểu thiếu tính khách quan của người có trách nhiệm khi họp báo thông tin vụ việc.
Từ góc nhìn của người phụ trách quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em nhiều năm, trong đó có công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, tôi cho rằng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi chưa được triển khai đến nơi đến chốn. Cần có đánh giá khách quan và chính xác, cũng như đưa ra giải pháp hiệu quả hơn về công tác thông tin truyền thông.
Nguy cơ bị bạo hành tâm lý trên mạng
- Nhiều chuyên gia lo ngại với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay, ngoài nguy cơ trẻ bị xâm hại ngoài đời thực, các em có thể trở thành nạn nhân của bạo hành trên mạng. Quan điểm của bà thế nào về việc này?
- Chúng ta từng chứng kiến cơn cuồng nộ của mạng xã hội Facebook với tràn lan hình ảnh/ thông tin cá nhân chưa được xác thực, như vụ cô giáo ở Bình Thuận bị chồng tố vào nhà nghỉ với học sinh. Đáng sợ hơn, cộng đồng đã “chia sẻ, chửi nhầm” một nam sinh khác, khiến em này sốc đến mức không dám đi học.
Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn bỗng một ngày trở thành nạn nhân oan ức, biến cố rớt xuống đầu bởi cơn cuồng điên giận dữ thiếu kiểm soát của cư dân mạng.
Theo tôi, thông điệp được đưa ra trong quá trình truyền thông thường được sử dụng ở nhiều dạng khác nhau và tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau, dù trực tiếp (được thực hiện giữa người với người) hay gián tiếp (thông qua các phương tiện truyền thông), vẫn phải đảm bảo được tính liên kết giữa 3 yếu tố.
Đó là hiểu biết (kiến thức) - thái độ - hành động. Phải đạt được mục đích của truyền thông là thông tin - giáo dục - vận động, thuyết phục đến với đối tượng cần truyền tải.
Nhưng rõ ràng, cách hành xử của người lớn trên mạng xã hội, trang tin điện tử, thậm chí cách thức đưa tin của một số báo online hiện nay, cho thấy tính liên kết giữa nhận thức - thái độ - hành vi trong xã hội còn bị phá vỡ.
Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành Trẻ em (NSPCC), độ tuổi trung bình trẻ em bị xâm hại tình dục là 9. Tại Việt Nam, nếu như trước đây nhiều trẻ từ 13-18 tuổi bị xâm hại, thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13. Ảnh: Lee Mew. |
Cách xử lý truyền thông, vụ việc của những người, cơ quan hữu quan cũng cho thấy rằng nạn nhân là trẻ em chưa được bảo vệ tuyệt đối, chắc chắn theo 3 cấp độ: Ngăn ngừa - can thiệp - trợ giúp.
Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc nhanh chóng đối với những vụ việc liên quan trẻ em. Kết luận cần được cân nhắc và thận trọng, nhằm hạn chế tranh cãi, ý kiến trái chiều trên truyền thông hay mạng xã hội.
Trẻ em còn non nớt về tâm lý, suy nghĩ chưa chín chắn trước cú sốc tinh thần và các kỹ năng đối phó nguy biến đầu đời còn hạn chế. Khi sức mạnh nội tại trong các em chưa đủ lực, chính tấm lòng yêu thương, bao dung, vị tha của người lớn, cùng trách nhiệm bảo vệ trẻ em của toàn xã hội, sẽ giúp các em tăng cường sức đề kháng để vượt qua tổn thương, khó khăn về tâm lý, nhanh chóng hòa nhập cuộc sống đời thường.
- Ngoài việc ứng xử của người lớn, theo bà, cần phải làm gì để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?
- Hiện tại, các chế định pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em tránh bị xâm hại trên môi trường mạng nói riêng, đã được ban hành khá đầy đủ, chi tiết, mang tính thiết thực (Luật trẻ em, Luật An ninh mạng và các nghị định liên quan).
Tuy nhiên, do các chế định này chỉ mới được ban hành trong thời gian ngắn nên chưa thể triển khai một cách toàn diện, đồng bộ và hiệu quả ở thực tế. Bằng chứng là các vụ việc về xâm hại trẻ em trên môi trường mạng vẫn có chiều hướng gia tăng.
Để quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta cần triển khai đồng bộ các biện pháp, cũng như sự chung tay của toàn xã hội.
Trong đó, tuyên truyền, phổ biến phải được ưu tiên hàng đầu, nhằm mang đến cho trẻ em (đối tượng chính bị xâm hại) những thông tin cần thiết, đầy đủ về môi trường mạng, đồng thời nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, cơ quan đoàn thể địa phương, doanh nghiệp và nhận thức của toàn xã hội về tính cấp bách, sự nguy hiểm, mặt trái của môi trường mạng khi tác động đến trẻ em.