Sự việc Ngọc Hân (học sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Tri Phương, Khánh Hòa) mang túi xăng, châm lửa đốt phòng y tế, trường THCS Phạm Ngũ Lão vào trưa 9/10 khiến nhiều người sửng sốt. Trước đó, cô gái 13 tuổi từng ra giá hành động này bằng 1.000 lượt yêu thích.
Chia sẻ với Zing.vn, Ngọc Hân cho biết em gõ dòng chữ "Nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường" chỉ vì đang buồn, không có gì đăng lên Facebook. Nữ sinh không ngờ chỉ sau một ngày, lời thách thức này đã thành sự thật.
Rất nhiều người nhắn tin cho em, thúc giục thực hiện lời hứa, thậm chí còn đe dọa đánh nếu không làm. Hân tiết lộ em đã bị nhóm khoảng 10 người - cả nam lẫn nữ - đến tìm gặp và yêu cầu đi đốt trường.
Thậm chí, những người này còn mua xăng cho em, dùng điện thoại quay lại toàn bộ sự việc. Trong clip, nhiều tiếng hối thúc như "Đốt nhanh đi, sao đứng đó hoài vậy?", "Không đốt là mày ăn đòn đó!"... nghe thấy rất rõ.
Ngọc Hân hiện điều trị tại bệnh viện ở thị xã Ninh Hòa. Ảnh: An Bình.
|
Những người trẻ cuồng like
Thông tin cô bé 13 tuổi bị bỏng xăng vì châm lửa đốt trường đổi lại bằng 1.000 like trên Facebook đang khiến dân mạng bất bình. Đây không phải lần đầu tiên trào lưu phản cảm "Nói là làm" gây nguy hiểm cho người thực hiện.
Mới vài tuần trước, tài khoản N.T. tuyên bố sẽ tự thiêu, nhảy cầu nếu đủ 40.000 like (thích). Chưa đầy một ngày, bài viết thu hút gần 100.000 like (thích) cùng hàng nghìn bình luận cổ vũ lẫn thách thức anh thực hiện.
Nếu như Ngọc Hân bị bạn bè bắt ép, đưa túi xăng bắt đốt trường thì N.T. lại được "cổ vũ" bằng dòng người đổ về chật kín hai tuyến đường dọc cầu Tân Hóa (TP.HCM) để chứng kiến cậu giữ lời hứa.
Rất nhiều chàng trai, cô gái đã chạy theo trào lưu "Nói là làm" bằng màn lột đồ, tung ảnh khỏa thân, làm lố nơi công cộng, thậm chí ăn chất thải, tắm chất thải và được dân mạng... nhiệt tình hưởng ứng.
Không những thế, họ còn háo hức, mong chờ được tận mắt chứng kiến giây phút lời hứa kia được thực hiện. Nhiều cô gái nhận được lời nhắc nhở khoe thân khi đủ like, có những chàng trai bị "dằn mặt" vì chưa quay clip ăn chất thải.
N.T. khi chậm xuất hiện tại nơi tự thiêu đã bị chỉ trích vì dối trá và không giữ lời hứa. Ngọc Hân thậm chí còn bị dọa đánh, mua xăng đặt vào tay và đưa tới tận địa điểm đốt.
Lý do gì khiến đám đông vui vẻ đến vậy khi chứng kiến một con người tự châm lửa đốt mình? Vì sao những cô cậu học trò lại thích thú khi ngôi trường bị đốt đến vậy?
Nguyễn Thị My - thạc sĩ cộng đồng ĐH La Trobe, Australia - cho rằng những bạn trẻ này nghĩ đã bấm like nên có quyền chứng kiến cảnh người khác tự hành hạ mình.
"Có một bộ phận giới trẻ coi nút like là quyền lực, muốn nhìn thấy người khác phải hành động theo những lời đã hứa. Số khác lại hiếu kỳ, thả like dạo để xem chủ nhân bài viết có thực hiện như đã viết hay không.
Đó là những người trẻ vô tâm, thích vào hùa, suy nghĩ đơn giản và chỉ thích tung hê những giá trị ảo", nữ thạc sĩ nói.
Cô nói thêm nếu người dùng mạng tỉnh táo và hiểu rằng mình không xem, không like, không share, không tương tác, bất kể cả đả kích hay phê phán thì hành động phản cảm trên sẽ không đạt được mục đích do "không ai diễn trò nếu không có khán giả".
"Sự hiếu kỳ của đám đông là 80% lý do khiến trào lưu 'Nói là làm' thành công. Khi mất nguồn kích thích, những hành động giật gân, gây rối thế này sẽ không có cơ hội ra đời và thành sự thật", nữ thạc sĩ khẳng định.
Trào lưu "Nói là làm" nguy hiểm trở thành hiện thực một phần do lỗi của cộng đồng mạng. |
Cần xử phạt hành vi gây rối
Nguyễn Hoàng Việt nhận định Ngọc Hân đáng bị chỉ trích khi chạy theo trào lưu phản cảm chỉ vì quá nhàn rỗi, không có gì đăng lên Facebook.
"Hành động này ảnh hưởng đến tài sản của trường, gây nguy hiểm cho học sinh và giáo viên, cũng khiến chính hai chân em bị bỏng. Giá như em không thách thức, sẽ chẳng có gì xảy ra", tài khoản này cho hay.
Trên thế giới từng có những trường hợp chạy theo trào lưu bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người khác.
Một chàng trai người Anh đã bị bỏng nặng và phải tiến hành ghép da vì bị bạn thực hiện thử thách "dội nước nóng lên người". Hay một nam thanh niên Mỹ qua đời khi cùng bạn bè thử sốc điện.
Ngay tại Việt Nam, nhiều trường hợp thực hiện "Nói là làm" cũng gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng như "vừa đi xe máy vừa lột đồ", "chàng trai nhảy múa quanh cột điện"...
Theo TS.BS Phan Bích Nga (Phụ trách Trung tâm Khám và Tư vấn Trẻ em), việc những bạn trẻ câu like bằng hành động nguy hiểm có thể do đã trải qua quá trình dài thiếu sự quan tâm, định hướng.
"Nhiều mâu thuẫn tích tụ sẽ khiến các em thiếu tỉnh táo, đưa ra quyết định bồng bột. Hoặc cũng do các em thường xuyên gặp thất bại, chưa có tài năng đặc biệt, khát khao khẳng định mình nhưng chưa có cơ hội", TS chia sẻ.
Bà Phan Bích Nga nhấn mạnh hành động "Nói là làm" giúp các bạn trẻ đạt được nhu cầu "được biết đến", song lại không lường trước được hậu quả sau những trò câu like.
"Hôm nay, cô bé 13 tuổi dám xách xăng tới đốt trường vì 1.000 cái like. Liệu ngày mai có ai đó sẽ làm điều gì nguy hiểm hơn, bất chấp luật pháp chỉ vì trót ra giá với đám đông?", bà Nga đưa câu hỏi.
Theo người phụ trách Khám và Tư vấn Trẻ em, cần có quy định phạt vì hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc phá hoại để răn đe những trường hợp này trong tương lai.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.