Càng chống bệnh thành tích thì bệnh này càng “nở rộ”. Bệnh thành tích càng thấy rõ với nhiều hình thức từ nhà trường, gia đình và xã hội.
Để khuyến khích thế hệ trẻ ngày càng có ý chí học tập, biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh để chiếm lĩnh tri thức nên đã có nhiều phần thưởng dành cho những em đạt kết quả tiên tiến, đạt kết quả học sinh giỏi.
Phần thưởng ấy không chỉ ở nhà trường - ngành giáo dục mà còn nhân rộng ở nhiều môi trường khác nhau như thôn xóm, xã phường, cơ quan cha mẹ làm việc, dòng họ... Những phần thưởng như vậy là đáng quý, nguồn động viên, khích lệ thế hệ trẻ học hành ngày càng tiến bộ, đất nước ngày càng phát triển.
Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Những phần thưởng này nếu ở năm, mười năm trước thì gần như là “giá trị đích thực”. Còn những năm trở lại đây, phần thưởng này không còn giá trị như trước nữa bởi bệnh thành tích biến tướng ở rất nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn.
Chúng ta nghĩ gì khi một lớp học bình thường, sĩ số 40 học sinh mà có tới 37 học sinh giỏi và ba học sinh tiên tiến? Mà kết quả như vậy có ở nhiều nơi. Giỏi như vậy là giỏi thế nào?
Cái giỏi ảo này do người lớn gieo cho trẻ con. Nhà trường, thầy cô vì thành tích, vì thi đua, vì không muốn mình thua kém đồng nghiệp. Còn phụ huynh thì nở mặt nở mày với người ta vì con mình không “thua em kém chị”.
Tất cả tội nghiệp ai? Tội nghiệp tương lai của những đứa trẻ. Tội nghiệp cho tương lai của đất nước bởi cái “gốc” của nền giáo dục mang giá trị ảo.
Quay lại chuyện chị tôi kể về việc phụ huynh “đòi” tờ giấy khen cho con. Chuyện khiến tôi bất ngờ, mặc dù chuyện tương tự như thế diễn ra khá nhiều nơi.
Chị kể nhiều đồng nghiệp của chị bức xúc vì con em họ không được giấy khen. Khi nghe thông tin như thế, phụ huynh đã đến nhà cô giáo (phần lớn giáo viên bậc tiểu học là nữ) để hỏi cho ra lẽ, tại sao con em họ không có giấy khen rồi thuyết phục cô để “tạo điều kiện” cho con em họ đạt học sinh giỏi. Người ta đến “đòi” học sinh giỏi cho con, một chuyện buồn cười diễn ra nhiều nơi.
Dẫu biết rằng đó là giá trị ảo mà các vị phụ huynh cũng “hám”, giá trị ảo mà các cô không biết “nể” như thế nào mà vẫn “trao”.
Khi con mình đạt kết quả giỏi, ngoài giấy khen và phần thưởng ở trường, họ còn photo giấy khen ấy gửi về cho dòng họ, công ty... để được “hãnh diện” và nhận phần thưởng một vài trăm ngàn.
“Hãnh diện” thế!
Xin đừng đánh đổi tuổi thơ...
Tôi không nói quá, nhưng một bộ phận phụ huynh coi việc con học giỏi bằng mọi giá là “đồ trang sức” cho gia đình mình trước xã hội. Hầu như con chẳng phải làm công việc gì ngoài chuyện học và học đến mụ cả người!
Khi gặp bạn bè, khi hội họp cơ quan, hội đồng hương, câu đầu tiên lúc gặp mặt nhau là: “Cháu nhà ta học giỏi không?”. Rất hiếm có những câu hỏi như cháu được đi chơi đây đó không, tham gia công tác xã hội gì không?...
Để đạt được “mục tiêu học giỏi” ấy, các phụ huynh không tiếc tiền mời giáo viên giỏi kèm cặp từng môn tại nhà. Vì phải vâng lời cha mẹ, các em phải học, phải “nạp” đầy “bình kiến thức” để đi thi, để đạt điểm cao trong học tập.
Việc học ám ảnh cả trong bữa ăn, giấc ngủ và hậu quả là có những trường hợp bị “sốc”, rối loạn thần kinh do việc học quá sức chịu đựng...
Xin đừng đánh đổi tuổi thơ của các em - tuổi thơ chỉ có một lần trong đời - để lấy những danh hiệu phù phiếm! Những thứ “danh hiệu” này không thể làm cho tuổi thơ thiêng liêng hơn, lung linh hơn được.
Căn bệnh thành tích, căn bệnh sĩ diện đã “ăn” sâu vào máu nhiều người. Vấn đề bây giờ là mỗi người “tự cứu” trước khi trời cứu mình! Hãy tỉnh ngộ và đừng ép buộc học sinh quá đáng, quá sức chịu đựng. Tuổi thơ phải có vui chơi, thư giãn trong lứa tuổi hồn nhiên, lứa tuổi thần tiên trong đời.
Người mẹ trong câu chuyện trên buồn vì con luôn dẫn đầu lớp, đầu khối về học tập là một tiếng chuông cảnh báo cho mọi người. Hãy để trẻ em có tuổi thơ; đừng đánh cắp, đừng đánh đổi bởi vì tuổi thơ là vô giá!