Khi teen chơi...hụi
Với tâm lí gom góp tiền để có một khoản lớn, teen bây giờ lao vào chơi hụi. Xung quanh chuyện này có rất nhiều điều đáng nói.
Chơi hụi khác thường
Loại hụi bình thường là loại hụi không nảy sinh lãi, không phải trả quá so với những gì được nhận, loại này gần giống như kiểu “bỏ ống tiết kiệm”. Hàng ngày, bạn đóng một số tiền nhất định và đến kì hạn thì được lấy tổng số tiền mình đóng. Mặc dù không sinh lời nhưng teen không phải sợ lúc hứng thì tiêu mất.
![]() |
Ảnh minh họa |
Loại hụi thứ hai, hấp dẫn hơn là hụi có lãi. Trong đó, chủ hụi là người rủ chơi, thu gom tiền để chung cho người hốt. Mỗi kì sẽ chọn ra một con hụi để hốt bằng đấu giá. Số tiền đấu giá của con hụi nào cao nhất thì sẽ được ưu tiên hốt tháng khác. Tuy biết rằng những kì sau, con hụi được lấy kì này sẽ là “con hụi chết” (chỉ còn nghĩa vụ phải đóng cho các con hụi khác” và số tiền đấu giá càng cao thì càng lỗ nhưng vẫn có nhiều con hụi chấp nhận rủi ro. Những con hụi hăng máu này thường là đang kẹt một số tiền lớn, cần kíp nên chơi hụi nhưng gần như là vay “nóng” với lãi suất cao trong khi không kiếm đâu ra tiền.
Ví dụ như T.M đang rất khao khát một con Nokia N92 có khả năng quay phim và chụp ảnh cực đỉnh để khoe bạn gái, trong khi không thể xin tiền bố mẹ (vì vừa được cho vài triệu mua quần áo hàng hiệu) thế là đánh bài liều.
Bể...hụi
Vì hình thức chơi hụi ban đầu đã thiếu chặt chẽ và công bằng. Thế nên chuyện các “con hụi chết” và chủ hụi xù nợ là chuyện rất bình thường.
Những “con hụi chết” (đã được nhận tiền trước) nhưng không có khả năng chi trả nên xù. Thường khi chuyện đó xảy ra, nếu chủ hụi có lương tâm, sẽ đứng ra nhận trả cho con hụi đã “bùng”, còn nếu chủ hội cũng cùng một duộc, có khi bạn phải chấp nhạn thua thiệt, mất trắng hoặc không thu hồi hết được.
M.Anh là một cô bạn bị “bùng” kể: “Mình bốc phải bát cuối. Nhưng đến lượt mình thì bị bể hụi. Nghỉ hè nên chẳng đứa nào thèm đóng đủ. Chủ hụi đành phải nhận trả thay nhưng thấy nó tội tội, cũng chỉ là nạn nhân nên không bắt đền. Thế là mất trắng cả 4 tháng ki cóp đóng đầy đủ.”
Có một số trường hợp là do chủ hụi xù. Nắm trong tay cả đống tiền, có khi vì lòng tham, có khi bị kẹt chuyện mà chủ hụi lấy tiền của các con hụi để chi trả việc cá nhân cho mình. Đến kì phải trả con hụi nhưng không có tiền, thế là bể hụi!
T.P là chủ hụi. Để chi đẹp với cô bạn gái mới quen giàu có và sành điệu, T.P đã đãi những bữa ăn sơn hào hải vị mà số tiền thanh toán đều lên đến triệu đồng. Tất cả là tiện tay lấy từ tiền hụi của các con hụi. Được vài lần thì tiền hụi chẳng còn một xu. Hụi bể!
Tiền không tự nhiên sinh ra
Chơi hụi là cách để người lớn huy động vốn tức thời để xoay vòng vốn, kiếm lời. Còn teen chưa đi làm, chưa có công việc và cũng chưa biết cách gì để làm đồng tiền đi vay sinh lời. Đó còn chưa kể, thói quen tiêu tiền không có chừng mực, chỉ biết có tiền là tiêu chứ không biết làm thế nào để trả hết phần đã vay của ngưưoì khác trong số tiền ấy. Vì thế, để kiếm về đủ số tiền còn khó chứ đừng nói là sinh lời lãi.
Bể hụi - bể lòng người
Việc quỵt tiền bạn bè là không thể chấp nhận được. Bạn hoàn toàn mất uy tín trong mắt bạn bè, mất đi tình bạn. Thậm chí, vì tiền mà nhiều điều đáng tiếc đã xảy ra. Nhiều teen không trả được tiền theo qui định đã bị chủ hụi doạ đánh, khủng bố, đòi tính lãi mẹ đẻ lãi con nếu không trả đúng thời hạn.
Có trường hợp như T.O, tham gia liền một lúc mấy chân hụi mà không trả hụi được. Bây giờ T.O đi đâu cũng bị đòi nợ, trở thành con nợ của nhiều người, còn nơm nớp lo sợ sẽ bị đánh, bị mách giáo viên nên phải nghỉ học để trốn tránh, chờ bố giải quyết xong xuôi.
Teen ạ, bạn không muốn biến thành con nợ, thành người thiếu uy tín trong mắt bạn bè, đúng không nào? Nếu cái gì không thuộc đẳng cấp và lứa tuổi của mình thì nên tránh xa. Đồng tiền chân chính mới đáng quý, chẳng sống được bằng cách lấy của ngươì khác đâu!
(Theo Mực Tím)