Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi thầy cô quỳ trước học trò

Đón con đi học về, tôi bắt gặp hình ảnh cô giáo đang quỳ xuống để trò chuyện với một học sinh lớp 1.

Không ai nghe rõ câu chuyện giữa hai cô trò nhưng nhiều ánh mắt của các phụ huynh cũng như tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động.

Cô Sara Roberts quỳ trò chuyện với học sinh - Ảnh: V.H.Q.

Cô là Sara Roberts, tư vấn học đường khối tiểu học trường quốc tế Mỹ. Cô bảo: “Tôi luôn cố gắng hết sức để đối xử công bằng và có những tiếp xúc bằng ánh mắt với học sinh mỗi khi có thể”.

Cô lý giải thêm, thông thường có một sự phân chia về quyền hành giữa người lớn và trẻ nhỏ. Người lớn thường là người nắm quyền và có nhiều kiểm soát hơn trẻ, đặc biệt khi đứa trẻ rất nhỏ. Khi đối xử bình đẳng với trẻ, bạn đã đánh mất sự phân chia quyền lực và tăng cường mối liên kết của bạn với trẻ.

Về bản chất, bạn đang nói với đứa trẻ rằng: “Lời nói của bạn có giá trị với tôi và tôi muốn nghe bạn nói”. Điều này rất có giá trị với đứa trẻ và có thể xây dựng nên sự tự tin, lòng tự trọng và lòng tin. Tất cả những yếu tố này tạo nên sự thành công chung cho đứa trẻ. Mục tiêu là cho mọi người, lớn hay nhỏ, nhận ra được rằng họ có giá trị.

Tôi nhớ lại chuyện của con trai mình dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm ngoái. Mẹ mua hoa đưa cho bé mang vào tặng cô giáo chủ nhiệm - một cô giáo khác đến từ nước Mỹ.

Ở giữa sân trường đông đúc, khi cậu trao hoa cho cô, cô đã quỳ xuống nhận hoa và ôm cậu bé vào lòng.

Thấy tôi cứ hỏi han và bâng khuâng về hình ảnh ấy, cậu bé 5 tuổi bảo: “Cô vẫn thường quỳ xuống nói chuyện với con vậy mà ba”.

Thầy hiệu trưởng quỳ trao bằng cho học sinh.

Chị Phương Linh, một phụ huynh có con từng học ở trường quốc tế Canada, kể: "Lần đầu tiên được mời đi dự lễ bế giảng chỉ dành riêng cho học sinh khối mẫu giáo tôi đã rất ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên hơn là khi thầy hiệu trưởng trao bằng “tốt nghiệp lớp mẫu giáo bé” cho các em.

Thầy chậm rãi đi lên sân khấu, rồi thầy từ tốn quỳ một chân xuống, chờ các em lên nhận bằng... Thầy đã quỳ như thế suốt thời gian trao bằng cho các em, bắt tay và nói với các em một điều gì đó.

Rồi con tôi lên lớp mẫu giáo lớn, lớp 1, tổng kết cuối năm thầy vẫn quỳ như thế...

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh lần đầu tiên con tôi tự hào, dõng dạc lên nhận bằng như một người lớn đích thực và cảm giác khi thấy thầy hiệu trưởng quỳ trên sân khấu trao bằng cho con tôi. Đây là cảm giác đi từ ngạc nhiên rồi vỡ òa sự thán phục và nể trọng”.

Trẻ nhỏ như những trang giấy trắng, hình ảnh đẹp của thầy cô như thế chắc hẳn sẽ còn lưu mãi trong tâm hồn các em...

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140910/khi-thay-co-quy-truoc-hoc-tro/643654.html

Theo Võ Hồng Quỳnh/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm