Từ Bridgerton đến Squid Game, những bộ phim truyền hình dài tập gây chú ý trong năm qua đã "tung ra" các xu hướng thời trang và phong cách sống, Vogue Business nhận định. Nếu Bridgerton khiến áo nịt ngực được săn lùng trở lại, Gossip Girl của HBO Max đã mở ra xu hướng preppy.
Bộ phim mới nhất của Ridley Scott - House of Gucci - đã giúp lượt tìm kiếm các sản phẩm Gucci tăng đột biến trong tháng 11. Squid Game và Emily in Paris đã tạo ra các xu hướng thời trang đường phố, từ bộ đồ thể thao màu xanh lá cây cho đến chiếc mũ xô.
Thông thường, các thương hiệu xa xỉ có chu kỳ sản xuất lâu hơn những hãng thời thời tranh nhanh (các hãng này làm lại đồ có thiết kế tương tự nhân vật trong phim). Để giải quyết vấn đề này, nhiều thương hiệu bắt đầu hợp tác với các nền tảng phát trực tuyến như Netflix và HBO Max để bán sản phẩm.
Những bộ phim có ảnh hưởng đến thời trang trong năm 2021. Ảnh: GC Images. |
Đôi bên có lợi
Công thức quen thuộc được các nhãn hàng áp dụng là hợp tác để truyền tải văn hóa vào sản phẩm. Còn với các nền tảng chiếu phim, câu chuyện về văn hóa là điều họ không thiếu. "Từ đó, chúng tôi nhanh chóng thấy được sự kết hợp ăn ý giữa phim ảnh với thế giới thời trang", Josh Simon - Phó chủ tịch sản phẩm tiêu dùng tại Netflix - cho biết.
Đối với mùa thứ hai của Emily in Paris được công chiếu vào tháng 12, Viacom CBS đã chuẩn bị loạt sản phẩm để được bán trên Netflix Shop. Bộ phim này mang đến cảm giác sang trọng của thời trang nên dễ thu hút được khán giả khi họ có tâm lý muốn có một món đồ giống nhân vật ngay lập tức.
Hợp tác với các thương hiệu thời trang, bộ phim có thể mở rộng phạm vi tiếp cận khán giả. Điều đó cho phép khán giả tương tác với phim truyền hình theo cách "cảm xúc và kết nối hơn", Kristin Moss - Phó chủ tịch tiếp thị tại HBO Max - bình luận.
Thương hiệu thời trang My Beachy Side hợp tác với Emily in Paris ở phần hai thông qua ViacomCBS để quảng bá bộ sưu tập Resort 2022. Ảnh: Vogue. |
Đối với nền tảng chiếu phim, việc hợp tác với thời trang có thể là động lực thúc đẩy doanh thu. Còn các thương hiệu thời trang, họ được chú ý hơn, kể cả đó là những hãng nhỏ, chưa có tên tuổi.
Balmain đang dẫn đầu chiến lược này khi Giám đốc sáng tạo Olivier Rousteing ra mắt bộ sưu tập vào tháng 11, hợp tác với bộ phim The Harder They Fall. Những bộ đồ tua rua, phụ kiện bắt mắt như nhân vật mặc đều có sẵn để khán giả mua ngay trên nền tảng chiếu phim.
Nhân vật được tạo tài khoản riêng
Với Emily in Paris và Gossip Girl, mạng xã hội cũng là một phần quan trọng giúp các yếu tố bên ngoài phim được chú ý hơn. Các nhân vật (không phải diễn viên) có tài khoản mạng xã hội dành riêng để kết nối với người hâm mộ. Từ đó, việc hợp tác với thời trang trở nên tự nhiên hơn, khán giả không có cảm giác bị lôi vào những cuộc quảng cáo.
Bên cạnh đó, một tài khoản đã được tạo ra chỉ để tập trung vào các trang phục biểu diễn ở And Just Like That. Theo Moss, tài khoản này còn có nhiều tương tác hơn tài khoản chính của phim.
HBO Max hợp tác với nền tảng bán lại Depop khi mắt loạt phim Gossip Girl phần hai. Các nhân vật Julien, Max, Aki và Monet được tạo không gian thời trang riêng, phù hợp với phong cách của họ. Kết quả là nền tảng này đã có mức tăng đột biến 200% về lượt tìm kiếm cho Gossip Girl trong tuần ra mắt.
Trang phục của Jordan Alexander (vai Julien trong Gossip Girl) được tiết lộ. Ảnh: JD. |
Steve Dool - người đứng đầu về quan hệ đối tác thương hiệu của Depop - cho biết họ quyết định bắt tay với Gossip Girl vì sự nổi tiếng của nó với Gen Z. Hơn nữa, bộ phim này còn có sự gắn bó lâu dài với thời trang. "Đây là thành công lớn. Chúng tôi chủ yếu xem xét nó theo các chỉ số về phạm vi tiếp cận, mức độ tương tác và liệu nó có tốt cho người bán. Và chúng tôi thực sự hài lòng với 3 điều đó", Dool cho biết.
Ngoài hình thức này, sự hợp tác giữa phim ảnh và thời trang cũng có thể thay đổi để tạo nên sự đa dạng. Chẳng hạn như cách Beauty unicorn Glossier đã mời các thành viên của Gossip Girl là Savannah Lee Smith và Zión Moreno hợp tác cho chiến dịch nghỉ lễ năm 2021.