Từ khi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (có hiệu lực từ ngày 1/1/2010) quy định người bị oan sai có thể khởi kiện cơ quan có trách nhiệm bồi thường ra tòa án, đã xuất hiện ngày càng nhiều vụ kiện mà tòa án vừa là bị đơn vừa là cơ quan xét xử. Khi tòa án tự mình xét xử mình thì liệu có khách quan?
Bị kết án oan 17 năm tù, bị tạm giam 3 năm, được minh oan đã 15 năm nay với phán quyết được bồi thường thiệt hại gần 23 tỷ đồng, thế nhưng những ngày này ông Lương Ngọc Phi (67 tuổi, ngụ tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) lại canh cánh một nỗi lo mới.
Bản án sơ thẩm lần 2 của TAND TP Thái Bình tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông gần 23 tỷ đồng vừa bị TAND tỉnh Thái Bình kháng cáo.
Và sắp tới khi xét xử phúc thẩm, vụ kiện sẽ do chính bị đơn - TAND tỉnh Thái Bình thụ lý, xét xử. Ông Phi cho biết ông rất lo ngại về việc phiên phúc thẩm TAND tỉnh Thái Bình vừa là bị đơn vừa là cơ quan xét xử, như vậy liệu có thật sự khách quan?
Không phải tòa muốn xử gì thì xử
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những lo lắng của ông Phi, ông Trần Nam Mẫn - Phó chánh án TAND tỉnh Thái Bình - cho biết những vụ kiện mà tòa “tự mình xử mình” là theo trình tự tố tụng chứ không ảnh hưởng gì việc tòa tuyên án có khách quan hay không.
“Việc tòa án tự xét xử mình không có gì là bất cập, không cần lo ngại việc xét xử không khách quan vì thẩm phán khi xét xử là nhân danh Nhà nước và phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình. Xử xong, nếu có sai sót thì còn cấp trên kháng nghị giám đốc thẩm chứ không phải tòa muốn xử gì thì xử” - ông Mẫn cho biết.
Tuy nhiên, sau khi nhận đơn của ông Phi đề nghị xem xét để đảm bảo quyền lợi cho ông, lãnh đạo TAND tối cao cho biết đã chỉ đạo TAND cấp cao tại Hà Nội rút hồ sơ vụ việc của ông Lương Ngọc Phi để theo dõi, đảm bảo việc bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi được khách quan, đúng pháp luật.
Trên thực tế, những vụ việc tòa án cấp huyện, cấp thành phố xét xử vụ án mà tòa án cấp tỉnh là bị đơn, hoặc tòa vừa là bị đơn vừa là cơ quan xét xử đã không còn là cá biệt.
Mong muốn của ông Lương Ngọc Phi trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới mà TAND tỉnh Thái Bình vừa là bị đơn, vừa là cơ quan xét xử phải công bằng, khách quan. |
Tháng 8/2014, TAND tỉnh Cà Mau mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án đòi bồi thường oan sai giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Ánh Minh (ngụ tại TP Cà Mau) và bị đơn chính là TAND tỉnh Cà Mau. Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm là bà Trần Thanh Hiền, thẩm phán TAND tỉnh Cà Mau.
Đại diện bị đơn - TAND tỉnh Cà Mau - là bà Từ Kim Phượng, cũng là thẩm phán của tòa này. Trước đó, khi xét xử sơ thẩm, TAND TP Cà Mau đã tuyên TAND tỉnh Cà Mau phải bồi thường cho bà Minh hơn 386 triệu đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Minh kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm tăng tiền bồi thường. Bị đơn cũng có đơn kháng cáo yêu cầu giảm số tiền án phí 19 triệu đồng mà TAND TP Cà Mau tuyên TAND tỉnh Cà Mau phải nộp.
Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên bác kháng cáo của bà Minh về yêu cầu tăng mức bồi thường, đồng thời cũng bác kháng cáo của TAND tỉnh Cà Mau về việc giảm án phí, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Hình thức chứ không hiệu quả?
Theo ông Trần Việt Hưng - Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp), các vụ kiện đòi bồi thường oan sai do tòa án vừa là bị đơn vừa là cơ quan xét xử xuất phát từ khi điều 22, 23 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Theo quy định của những điều luật này, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định hoặc người bị thiệt hại nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường là TAND cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
“Thẩm phán xét xử phải độc lập, hoàn toàn khách quan. Dù tòa huyện, tòa thành phố xét xử bị đơn là tòa tỉnh hay tòa tỉnh tự xử mình thì các thẩm phán phải tuân theo quy định của pháp luật. Đương nhiên khi tòa xử chính mình thì các nguyên đơn thường tâm tư, sợ tòa xét xử không minh bạch” - ông Hưng cho biết.
Tuy nhiên, một số luật sư lại cho rằng việc tòa tự xét xử chính mình là “hình thức chứ không hiệu quả”.
Từng là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho một người bị oan sai, kiện TAND tỉnh Tiền Giang do TAND huyện Gò Công Tây thụ lý, luật sư Nguyễn Xuân Mai (nguyên Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho rằng không thể nào có sự khách quan khi “con xử cha”.
Thân chủ của luật sư Mai là ông Bùi Văn Mãnh (ngụ tại huyện Gò Công Tây). Năm 2004, ông Mãnh nộp đơn khởi kiện TAND tỉnh Tiền Giang ra TAND huyện Gò Công Tây yêu cầu TAND tỉnh Tiền Giang phải bồi thường oan sai cho ông 1,2 tỷ đồng.
Lý do vì tòa này đã tuyên ông 16 năm tù về tội giết mẹ ruột, sau đó TAND tối cao tuyên ông Mãnh vô tội. Tại phiên tòa, bị đơn - TAND tỉnh Tiền Giang chỉ đồng ý bồi thường oan sai cho ông Mãnh khoảng 146 triệu đồng.
Và cuối cùng TAND huyện Gò Công Tây đã tuyên TAND tỉnh Tiền Giang phải bồi thường cho ông Mãnh bằng con số mà bị đơn đưa ra: 146 triệu đồng.
“Ngay từ phiên sơ thẩm, tôi đã có ý kiến là tòa cấp tỉnh làm sai, vụ kiện lại do tòa cấp huyện, dưới quyền tỉnh thụ lý thì không thể khách quan.
Tôi đã đề nghị phiên sơ thẩm thì TAND tỉnh Tiền Giang xử, phúc thẩm phải do tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM (nay là TAND cấp cao) xử thì mới khách quan. Tuy nhiên yêu cầu của tôi đã không được chấp nhận vì trình tự tố tụng đã quy định” - luật sư Mai cho biết.
Theo ông Mai, các phiên tòa “huyện xử tỉnh hay tỉnh tự xử mình tôi thấy chỉ có về hình thức chứ hiệu quả không cao, tuy nhiên không còn cách nào khác vì luật quy định như vậy nên rất khó.
Gần đây, khi tham dự hội thảo góp ý kiến sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tôi đã kiến nghị việc tòa án cấp trên gây oan sai, chuyển cho tòa án cấp dưới xét xử cái oan sai đó chẳng khác nào con xử cha, làm sao xử được.
Đó là cái vòng luẩn quẩn khiến nhiều cơ quan làm sai vẫn bao che nhau”.
"Thẩm phán xét xử phải độc lập, hoàn toàn khách quan. Dù tòa huyện, tòa thành phố xét xử bị đơn là tòa tỉnh hay tòa tỉnh tự xử mình thì các thẩm phán phải tuân theo quy định của pháp luật", Ông Trần Việt Hưng - Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước.
“Việc tòa án cấp trên gây oan sai, chuyển cho tòa án cấp dưới xét xử cái oan sai đó, chẳng khác nào con xử cha, làm sao xử được. Đó là cái vòng luẩn quẩn khiến nhiều cơ quan làm sai vẫn bao che nhau", luật sư Nguyễn Xuân Mai.