Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi trẻ hồn nhiên gian dối

Vì nhiều lý do mà người lớn đã vô tình gieo cho con trẻ việc nói dối trong học tập và cuộc sống. Những lời nói dối ấy sẽ lớn dần theo thời gian, thành thói quen không sửa được.

Cô em đồng nghiệp kể mấy năm công tác ở trường cũ, cô được rất nhiều học trò yêu mến. Khi viết bài văn về thầy cô, cô vẫn được nhiều học trò lựa chọn.

 “Chắp” cô này, “vá” cô kia

Một lần, có học trò cũ tâm sự với cô: “Hôm làm bài kiểm tra tả về một cô giáo mà em yêu mến, em đã miêu tả cô giáo đang dạy văn lớp em, nhưng em tả cả cô nữa đấy”.

Cô em đồng nghiệp ngạc nhiên, hỏi trò: “Sao em tả cô giáo đang dạy em lại còn tả cả cô vào bài văn nữa?”.

Học trò liền trả lời: “Người mà em muốn tả là cô. Nhưng em sợ tả cô sẽ làm cho cô giáo đang dạy em buồn”. Cô em chưa kịp hỏi thì học trò nói tiếp: “Em mượn dáng đi, khuôn mặt, nụ cười của cô, giọng nói và lời giảng của cô để viết về cô ấy. Nhưng khi tả thân hình, em không mượn cô để tả cô ấy được, vì cô ấy hơi mập và không cao như cô”.

Cô em đồng nghiệp mới hỏi lại: “Em miêu tả ai thì miêu tả một người, chứ sao lại lấy một số điểm của cô để ghép vào cô ấy? Như vậy là em đã viết dối rồi!”.

Nghe cô em kể như vậy, hai anh em lại trò chuyện về văn dối văn suông trong môi trường học đường hiện nay.

Với tôi, chuyện tương tự cũng đã gặp một số lần trong các bài văn mà học trò viết. Việc học trò miêu tả “chắp” cô giáo dạy mình năm trước để “vá” vào cô giáo đang dạy văn lớp mình là một điều đã trở nên bình thường trong nhiều trường.

Tre gian doi anh 1
Đôi khi 

người lớn đã vô tình gieo cho con trẻ việc nói dối trong học tập, trong cuộc sống. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Điểm số và thành tích

Cũng vì điểm số, vì thành tích mà nhiều thầy cô và học trò mải miết chạy theo, để rồi viết dối trở thành thói quen, chỉ cần điểm cao là mục đích cuối cùng! Học trò chắp vá như thế bắt nguồn từ đâu? Có phải là lỗi từ các em? Có thể một phần lỗi do học trò, nhưng cái gốc cần nhổ là từ chính thầy cô và cha mẹ. Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất, nếu miêu tả cô giáo khác, ngợi ca cô giáo khác, cô giáo đang dạy sẽ phật lòng; thứ hai, chính trong gia đình cha mẹ cũng hướng cho con cái viết dối để đạt điểm cao. Hai lý do này trên thực tế không phải là ít, bởi vậy học trò đã biết nịnh khi viết về thầy cô mình. Nguy hiểm quá!

Một lần khác, dịp 20/11, một trung tâm khuyết tật tổ chức viết báo tường, bộ phận văn phòng hướng dẫn và gợi ý viết về giám đốc, vì giám đốc sắp chuyển nơi công tác.

Một nhân viên văn phòng lên các lớp phổ biến, khi tới lớp mà tôi từng dạy phổ biến, có một cô học trò hào hứng nói với các bạn sẽ viết về tôi (tôi công tác ở trung tâm này bốn năm). Cô nhân viên cắt ngang rằng chỉ được viết về thầy cô đang dạy ở trung tâm và hướng các em viết về vị giám đốc.

Nghe thế, các em cụt hứng. Các em không thể viết về người mình không yêu thích, không hiểu biết, thế thì tại sao lại bắt buộc các em như thế?

Học trò đem nỗi bức xúc của mình gọi điện kể cho tôi hay. Nghe trò kể, tôi rất buồn, buồn vì người lớn đang gieo giá trị ảo cho thế hệ trẻ.

Hiện nay, những bài văn “chắp vá”, “đồng phục” khá phổ biến. Bao giờ việc dạy và học văn trong trường học sẽ thật sự là nơi đề cao “văn học là nhân học”?

Giả vờ cận thị

Khi cô giáo chuyển em trai từ bàn đầu xuống bàn thứ 5, mẹ mắng: “Con dốt thế, cứ giả vờ bị cận thị để cô giáo cho ngồi bàn đầu, nhìn bảng cho dễ”. Rồi như nhớ ra điều gì, mẹ lại hỏi tiếp: “Thế cái kính cận giả mẹ mua cho, con để đâu rồi? Sao không đưa cho cô xem rồi cô chiếu cố cho?”.

Rồi mẹ lại nói chuyện với cô giáo để em được chuyển lên bàn đầu. Mẹ nói là em bị cận thị, nên tha thiết mong cô giáo ưu tiên. Hôm qua, em đi học về, mẹ đã vội hỏi: “Con đã được chuyển lên bàn đầu chưa?”. Em trả lời: “Cô giáo bảo chuyển con lên, nhưng con không chịu”. Mẹ nói như quát: “Con ơi là con, con có biết mẹ đã phải nài nỉ cô giáo thế nào cô mới đồng ý cho con lên bàn trên không?”.

Em phản ứng: “Nhưng con cao hơn nhiều bạn khác, phải biết nhường bạn chứ ạ? Con lại không bị cận thị như lời mẹ nói, kỳ lắm mẹ ạ!”. Mẹ lườm: “Con thật là, nếu nói bị cận thị thì cô giáo sẽ ưu tiên, hiểu chưa? Là vì mẹ muốn con ngồi bàn trên để tiếp thu bài tốt hơn”. Nghe mẹ ca cẩm, con chỉ biết im lặng.

Một chút thành tích của con và của em, mẹ cũng đem khoe hết với người này người khác. Ngay cả chuyện học kỳ trước con không được giấy khen, mẹ đã đến gặp riêng cô giáo để xin, khiến con thấy xấu hổ vô cùng.

Từ cái giấy khen ấy, mẹ tỏ ra “mát mày mát mặt” lắm khi công đoàn cơ quan mẹ thưởng chút tiền, rồi mẹ lại tiếp tục khoe trên Facebook. Con thấy quê quê với những lời chúc mừng, lời khen của mọi người dành cho mình. Khi con tỏ thái độ bức xúc, mẹ lại tự đắc: “Dại gì mà không xin danh hiệu hả con?”.

Học lớp 11 rồi, cậu con trai 17 tuổi như con vẫn còn bị mẹ can thiệp chuyện điểm số trên lớp, bị mẹ bí mật đi xin điểm, xin giấy khen cho mình. Mẹ cho con cái lớp ngoài bóng bẩy, nhưng con thấy như đang núp trong sự giả dối, mẹ biết không?

Rồi mẹ hả hê vì bấy lâu nay hết lòng vì con cái. Chính con không biết mẹ cần tấm giấy khen ấy để nhận phần thưởng ở cơ quan hay có lý do để đi khoe, để tự hào nữa. Em trai con đâu có vui khi mẹ nói dối là bị cận thị để cô ưu tiên cho lên bàn trên. Con cũng đâu có vui khi cô giáo “chiếu cố” cho tấm giấy khen để được lòng mẹ!

Bệnh nói dối của học sinh vào đề thi Văn lớp 10

Cảnh báo về tình trạng nói dối, ý thức tham gia giao thông và lối sống vô cảm trong xã hội hiện nay đã được đưa vào đề Văn tuyển sinh lớp 10 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160406/khi-tre-hon-nhien-gian-doi/1079668.html

Theo Thái Hoàng - Lý Thế Mạnh/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm