Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi Trung Quốc lật ngửa ván bài tham vọng thay thế Hollywood

Với việc đầu tư 8 tỷ USD cho quần thể studio được xem là khủng nhất thế giới hiện nay, Trung Quốc đang từng bước hiện thực hoá giấc mơ thay thế Hollywood làm bá chủ điện ảnh.

Mới đây, tờ Bloomberg đưa tin về dự án quần thể studios lớn nhất trị giá 8 tỷ USD đang được một công ty ở Trung Quốc đầu tư xây dựng. Thông tin này gây sốc với với giới làm phim quốc tế bởi quốc gia đông dân nhất thế giới này đã “lật ngửa” ván bài đầy tham vọng cạnh tranh với Hollywood.

Việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư xây dựng studio lẽ ra không có gì đáng nói bởi trước đến nay, quốc gia này đã thực hiện nhiều phim trường có vốn đầu tư cao.

Nhưng 8 tỷ USD bỏ ra cho một quần thể studio, được đặt trên một ngọn đồi tương tự Hollywood ở Los Angeles, Mỹ lại khiến nhiều người đặt câu hỏi. Phải chăng, đã đến lúc quốc gia tỷ dân này bùng nổ và dần hiện thực hóa giấc mơ làm bá chủ ngành công nghiệp điện ảnh?

Tham vọng lớn với quần thể studios khủng nhất thế giới

Bốn chữ cái Hán tự khổng lồ màu trắng đã được dựng lên trên sườn một ngọn đồi hướng về khu quần thể trường quay ở thành phố cảng Thanh Đảo, Trung Quốc.

phim Trung Quoc anh 1
Tấm bảng của Oriental Movie Metropolis nhiều nét tương đồng với biển Hollywood trên ngọn đồi ở Los Angeles. 

Tập đoàn bất động sản, thương mại giải trí Dalian Wanda đã chính thức khai trương quần thể studio khổng lổ với mức đầu tư 50 tỷ NDT với tên gọi Oriental Movie Metropolis (tạm dịch: Kinh đô điện ảnh phương Đông).

Đây là dự án mang tham vọng vượt mặt Hollywood để trở thành quần thể studio phim lớn nhất thế giới. Ngoài các khu phim trường, tại đây cũng bao gồm các cụm nhà hàng, khách sạn, chung cư cao cấp, nhà hát...

Sự đầu tư này là nỗ lực thu hút các nhà làm phim Hollywood đến đây để sản xuất và chia sẻ những bí quyết làm phim của họ với các nhà làm phim Trung Quốc. Điều này không nằm ngoài chiến lược nâng tầm quyền lực “mềm” và phổ biến văn hóa Trung Quốc ra toàn thế giới, thông qua chính những nhà làm phim.

Vương Kiện Lâm, chủ tịch tập đoàn Wanda khẳng định đây sẽ trở thành trung tâm mới, điểm đến lý tưởng cho các nhà làm phim toàn cầu. “Chúng tôi rất sẵn lòng tiếp đón các đoàn làm phim nước ngoài đến đây sản xuất. Sau đó nếu có bất kỳ lý do gì khiến họ còn ngần ngại thì chúng tôi sẽ nhanh chóng khắc phục và cải thiện những điều còn chưa tốt", Vương Kiện Lâm chia sẻ.

Ngoài ra, trước đó vào năm 2016, chính phủ quốc gia tỷ dân đã phê duyệt dự án xây dựng phim trường mới tại thành phố Trùng Khánh ở Tây Nam Trung Quốc, dự kiến khởi công năm 2017.

Tổ hợp phim trường khổng lồ này của Trung Quốc tọa lạc ở thành phố Trùng Khánh và dự kiến có kinh phí xây dựng lên tới 15 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2 tỷ USD). Công trình tổ hợp mới sẽ vượt cả diện tích của Hoành Điếm (3.000 ha).

Không chỉ có phim trường, dự án xây dựng còn bao gồm các công viên mang chủ đề liên quan tới phim ảnh, trò chơi, giải trí mạng... để phục vụ khách du lịch tới tham quan.

phim Trung Quoc anh 2
Wanda Mall nằm trong khu phức hợp studio của Oriental Movie Metropolis. 

“Chiêu trò” lôi kéo và chèn ép Hollywood

Thị trường phim quốc nội của Trung Quốc đang đứng thứ hai thế giới về doanh thu phòng vé. Trong đó xưởng phim của tập đoàn Wanda được mở từ năm 2016 đã sản xuất được 10 bộ phim.

Tuy nhiên ngoài Legendary Entertainment mà Wanda có cổ phần, chưa có một hãng phim lớn nào của Hollywood đến Thanh Đảo để làm việc. Hầu hết dự án ở đây đều là của Trung Quốc. 

Thanh Đảo sẽ còn phải cố gắng rất nhiều mới có thể cạnh tranh được với các studio lớn khác của Mỹ, Anh và Cananda. Đây đều là nơi sản xuất phim có tiếng lâu đời, với truyền thống đưa ra những gói hỗ trợ hấp dẫn và có lợi thế về mặt kinh doanh và quảng bá phim. Nhưng điều này cho thấy rõ động thái thiết thực của Trung Quốc trong việc đuổi kịp Hollywood và giành mối từ “thiên đường điện ảnh” của Mỹ.

phim Trung Quoc anh 3
Theo biểu đồ của Bloomberg, trong năm 2016 không có bất kỳ bộ phim của Mỹ nào được sản xuất tại Trung Quốc. 

Wanda lẫn chính quyền Thanh Đảo đều cùng thống nhất đưa ra các điều kiện cho gói kích cầu kinh tế đối với các dự án quốc tế. Một trong các điều kiện dành cho các bộ phim nước ngoài là phải tuân thủ hạn ngạch nhập khẩu phim và phù hợp với quy định kiểm duyệt nội dung của Trung Quốc.

Mặc dù làm như vậy có thể giảm đối tượng đến sản xuất phim tại studios vì chẳng ai ở Hollywood thích thú với điều đó ngoài trừ việc muốn phát hành phim tại quốc gia này.

Tờ Bloomberg nhận xét Wanda đã rất thông minh khi thiết lập “thế gọng kìm” cho các nhà làm phim nước ngoài. Trung Quốc vừa chiêu dụ bằng những lời chào mời hấp dẫn đem tiền “cống nạp” cho studio của họ vừa bắt ép tuân thủ những nguyên tắc hà khắc nếu muốn kiếm tiền từ thị trường của họ.

Điều này vừa phản ánh tham vọng bành trướng sức ảnh hưởng của mình đến ngành công nghiệp sản xuất phim, cạnh tranh với Hollywood, vừa thể hiện sự thông minh, khéo léo khi không những không cho không, mà còn lấy lại được rất nhiều.

phim Trung Quoc anh 4
Bên trong một rạp chiếu phim thuộc Oriental Movie Metropolis. 

Bảo vệ phim quốc nội bằng mọi giá

Trung Quốc hiện là thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới, cũng như sở hữu chuỗi rạp khổng lồ Dalian Wanda. Để bảo vệ nền điện ảnh Hoa ngữ trước cơn bão Hollywood, chính phủ quốc gia tỷ dân đặt ra hạn mức 34 đến tối đa 40 tác phẩm mỗi năm dành cho phim ngoại, và các studio quốc tế luôn phải tranh giành số lượng ít ỏi đó.

Không chỉ vậy, việc các doanh nghiệp trong nước hết lòng hỗ trợ cho các dự án quốc nội cũng thể hiện rõ tinh thần “đoàn kết chống giặc ngoại xâm”. Sau một thời gian trùng xuống do nợ và thua lỗ, tâp đoàn Wanda đã vươn lên tiếp tục giấc mơ điện ảnh sau khi chính phủ Trung Quốc nhìn thấy tiềm năng của dự án và bật đèn xanh cho khu phức hợp studios Oriental Movie Metropolis ra đời. Ngoài ra, nơi đây còn có được lợi thế rất lớn khi nhận gói kích cầu 5 tỷ NDT do Wanda và chính quyền địa phương tài trợ.

"Đây là lần đầu tiên ở Trung Quốc, chính phủ đứng ra phối hợp với một doanh nghiệp tư nhân để đầu tư ngần ấy tiền cho ngành điện ảnh", giám đốc của Film Fiance Inc, một công ty có trụ sở ở California từng hợp tác với Wanda tiết lộ.

phim Trung Quoc anh 5
The Great Wall là dự án hợp tác tiêu biểu giữa Mỹ và Trung Quốc. 

"Chúng tôi muốn đứng đầu thị trường quốc nội trước khi phát triển ra nước ngoài", ông Tôn Hằng Cần, cựu cán bộ ngành điện ảnh của Thanh Đảo chia sẻ. Ông cho biết, Phong Thần Bảng sẽ được sản xuất bởi một trong số 30 studio của Dalian Wanda trong vòng hai năm tiếp theo. Ngoài ra còn có khoảng 5 phim quốc nội khác trong năm nay cũng được sản xuất và hỗ trợ hết mình tại Kinh đô điện ảnh phương Đông.

Bên cạnh đó, hình thức phim liên doanh cũng được chính quyền nước này khai thác triệt để. Các dự án hợp tác giữa Trung Quốc và nước ngoài như The Great Wall cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ tương đương phim quốc nội.

Các điều kiện để được công nhận là phim liên doanh bao gồm phải được quay ở đây, chọn diễn viên Hoa ngữ vào dàn vai chính, được góp vốn bởi doanh nghiệp Trung Quốc và có những yếu tố thân thuộc với văn hóa nước này.

Đó là cách để tăng số lượng các sản phẩm văn hóa “lai” giữa Trung Quốc và quốc tế nhằm quảng bá một cách hữu hiệu và tăng sức ảnh hưởng của văn hóa, điện ảnh quốc gia tỷ dân. 

'Vũ trụ Cảnh Điềm' giải cứu thế giới: Khi mỹ nhân vung tiền mua danh

Liên tiếp tham gia các phim bom tấn Trung Quốc và Hollywood, người đẹp Cảnh Điềm trở thành “thế lực nữ quyền” trên màn ảnh, dù mỗi khi cô xuất hiện đều khiến khán giả ngán ngẩm.

Khi Hollywood nỗ lực làm phim cho người Trung Quốc xem

Cụm từ phim “Hollywood Made in China” đang ngày càng phổ biến, và không ít nhà làm phim tại kinh đô điện ảnh Mỹ trở nên lệ thuộc vào đồng tiền từ thị trường quốc gia tỷ dân.



Phương Linh

Ảnh: Bloomberg.

Bạn có thể quan tâm