Dù có nhiều khác biệt, CES và Detroit đang đặt ra những câu hỏi giống nhau cho tương lại gần: Ai sẽ sở hữu xe hơi, lái và đầu tư cho chúng. Uber có độc chiếm ngành công nghiệp ôtô toàn cầu hay không? Apple sẽ tiến vào thị trường này? Ford có trở thành nhà cung cấp cho Google?
Ngành công nghiệp truyền thống và các startup về xe có nhiều khác biệt lớn. 2016 có thể là năm để Detroit - thủ phủ xe hơi nước Mỹ, các nhà kinh doanh và thung lũng Silicon với những nhà sáng chế xích lại gần nhau.
Nói với Zing.vn, ông Thiều Phương Nam, tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương cho rằng, ngành công nghiệp ôtô đang ở trong giai đoạn đặc biệt. Trong những năm tới, nguồn lợi từ ngành có thể đến từ các giá trị kèm theo. "Do đó, ôtô phải thông minh, phải kết nối".
“Các công ty xe hơi đã hiểu ra rằng, nếu chỉ cố gắng hoàn thiện quy trình truyền thống, họ sẽ nhanh chóng tụt hậu. Họ cần phải biết thêm cách phát triển phần mềm, cảm biến và trí tuệ nhân tạo. Đó là chìa khóa để các công ty truyền thống hội nhập với tương lai”, Steve Eglash, Giám đốc Phòng thí nghiệm AI của Stanford và đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu AI của SAIL-Toyota cho biết.
Nhiều yếu tố khác đang định hình điểm nóng này. Ngành công nghiệp ôtô đã trở lại sau thời kỳ khủng hoảng, ăn nên làm ra. Năm 2015, con số bán ra tại Mỹ phá kỷ lục mới, lên đến 17,6 triệu chiếc. Lợi nhuận khổng lồ cho phép các công ty đầu tư thêm, và một trụ cột trong đó là R&D - nghiên cứu và phát triển, tạo ra các sản phẩm đáp ứng tốt hơn các luật mới về môi trường, kết nối chúng và có thể tự lái vào vài năm nữa. Đó sẽ là lúc thung lũng Silicon nhảy vào cuộc chơi: Tập trung mọi nguồn lực kinh doanh và chất xám nhằm tìm ra giải pháp tối ưu cho vận chuyển trong tương lai.
“Thung lũng Silicon nổi tiếng vì những bộ não lớn, nhưng thiếu hụt những kỹ sư thiên tài”, Eglash nói, “công nghệ một thời đột phá giờ đang rất phổ biến, ngày sẽ càng nhiều kỹ sư và nhà khoa học máy tính ở Detroit làm nghiên cứu R&D. Không đơn giản chỉ là đưa công nghệ mới vào một ngành đầy lịch sử như ôtô, bạn cần tìm ra một nhóm người đủ thấu hiểu từ GM, Ford hợp tác với các nhà khoa học máy tính. Google và vài công ty khác đang đi đúng hướng”. Thực tế, nhiều quản lý cấp cao từ Detroit đang làm việc tại thung lũng Silicon, như John Krafcik, người từng làm kỹ sư tại Ford và CEO tại Huyndai America, hiện làm việc với chương trình tự lái của Google.
Hình ảnh tại triển lãm xe hơi diễn ra đầu năm ở Detroit. Ảnh: The Verge. |
Sau khủng hoảng 2008, kinh tế đang hồi phục. “Bằng chứng là các công ty lớn ở Detroit, Đức, Nhật Bản đang lập ra các cơ sở nghiên cứu tại thung lũng Sillicon. Apple và Google cũng đang có mặt tại Detroit. Đó là một con đường hai chiều”.
Tại CES, Ford cho biết họ đã hỗ trở Techstars Mobility trong những nỗ lực hỗ trợ nền công nghiệp ôtô tại Detroit. Qualcomm kết hợp với Audi, Honda và Verizon cũng đang đóng góp vào chương trình này. Bill Coughlin, CEO của Ford’s Global Technologies, là một trong những người đã giúp Techstars gây ấn tượng tại Detroit. “Đây vẫn là thành phố motor và thủ đô của xe hơi. Khi ngành công nghiệp đang thay đổi, chúng tôi muốn chắc chắn rằng đây sẽ là nơi những tài năng lớn nhất tụ họp và chung tay phát triển”.
Xe thông minh, xe tự lái là tương lai của ngành công nghiệp. Ảnh: The Verge. |
Các hãng xe nổi danh tại Detroit dùng CES để khoe những chiến lược kinh doanh mới. GM chọn Las Vegas ra mắt xe điện Chevy Bolt và công bố khoảng hợp tác 500 triệu USD với Lyft từ Sillicon.
Nissan, công ty toàn cầu với trụ sở tại Mỹ đang duy trì trung tâm R&D tại Detroit, nhưng cũng có thêm một cơ sở nữa tại Silicon Valley. “Mọi khía cạnh mới vẫn đang phát triển, và trong một thế giới kết nối, chúng sẽ tiếp tục bùng nổ. Tất nhiên, cơ khí vẫn đóng vai trò quan trọng, và điều này càng làm tăng thêm số nhân công cần thiết”, Chris Reed, phó Chủ tịch Trung tâm Kỹ thuật tại Nissan Bắc Mỹ cho biết.
Các nhà phân phối cũng vào cuộc: Delphi, Lear, Roush, những công ty xây dựng bản thử của xe tự lái Google cũng có trụ sở tại Michigan. Gã khổng lồ người Đức Bosch xuất hiện trong khu vực. “Với Bosch, cầu nối giữa thành phố Motor và thung lũng Silicon đã được thiết lập”, Mike Mansuetti, chủ tịch Bosch tại Mỹ cho biết. “Chúng tôi đang sở hữu những thứ tốt đẹp nhất ở cả hai thế giới. Tốc độ, sự nhanh nhẹn và tiêu chí hướng đến người dùng của Silicon là vô cùng quan trọng, và chúng được nâng cao thêm bởi kinh nghiệm của ngành công nghiệp xe hơi”.
Xe tương lai của Faraday ra mắt tại CES 2016. |
Mối quan hệ "nửa yêu nửa ghét" của Detroit với thung lũng Silicon đang tạo ra nhiều cơ hội ở các nơi khác nữa: Faraday Future tuyên bố sẽ sớm sản xuất xe hơi tại Nevada. “Có nhiều khả năng và sự linh động để thay đổi mọi thứ,” Nick Sampson, Phó Giám đốc Cấp cao R&D tại Faraday Future cho biết, “Đó cũng là nơi tiếp theo tập trung các nhân tài của ngành này, bên cạnh các khu vực truyền thống như Detroit hay Stuttgart. Các công ty tạo ra những môi trường mới, với văn hóa phù hợp hơn.
Ông Thiều Phương Nam vẽ ra viễn cảnh, công nghệ sẽ giúp xe định hướng, kết nối các thông tin từ bên ngoài cung cấp cho xe chạy. Ngoài ra, mỗi người trong xe còn sở hữu các dịch vụ giải trí khác nhau.
Trong tương lai xa hơn, những sự dịch chuyển không còn gói gọn trong không gian địa lý, mà cả cách sắp xếp của sản phẩm. Một ngày nào đó, biên giới giữa sản xuất và nghiên cứu sẽ bị xóa mờ.
“Tôi đã thấy những ranh giới đó nhạt nhòa dần”, Eglash nói. “Google đã là một công ty xe, liệu Microsoft, Twitter, Facebook hay Amazon có tiếp bước? Ford và GM có trở thành một mạng xã hội chuyển về xe - công nghệ hay không? Mọi ranh giới đang mất dần”.