Sáng 18/9, tại Hà Nội, Yamaha Việt Nam ra mắt mẫu môtô phân khối lớn YZF-R3. Không giống như cách BMW Motorrad, KTM, Kawasaki hay Harley-Davidson chào thị trường Việt Nam bằng sự kiện hoàng tráng, liên doanh Nhật Bản chọn khán phòng và khuôn viên của một khách sạn ở Hà Nội để giới thiệu chiếc sportbike 321cc.
Khi lãnh đạo Yamaha Việt Nam còn đang trình bày trên sân khấu, giá bán của YZF-R3 đã rò rỉ trên mạng xã hội nhưng vẫn chưa chắc chắn là 150 hay 188 triệu đồng. Gần cuối buổi sự kiện, hãng xe Nhật chính thức công bố mức giá 150 triệu đồng cho R3. Các fanpage và trang cá nhân của người dùng ngay lập tức phản ứng tích cực bằng những bình luận như "giá tốt" hay "gom lúa để mua".
Sự ra mắt của R3 đã mở ra phân khúc môtô thể thao tại thị trường Việt Nam, quan trọng hơn Yamaha đã đi trước đối thủ đồng hương Honda khi mà hãng này vẫn còn đang thăm dò thị trường dù mang CB300F về từ khá sớm. Ngoài ra, Honda cũng còn mối quan tâm lớn hơn đến xe tay ga và xe số phổ thông.
Chia sẻ với Zing.vn, ông Hoàng Hà - Giám đốc Marketing toàn quốc của Yamaha Việt Nam cho biết, để có thể phân phối R3 tại thị trường trong nước, họ đã phải thuyết phục tập đoàn Yamaha rất nhiều. Sự thành công của mẫu xe số thể thao Exciter, FZ150i cùng cộng đồng người dùng trung thành đông đảo trên toàn quốc chính là nền tảng để nhận được cái gật đầu của Yamaha toàn cầu.
Yamaha YZF-R3 gây sốt với giá bán chính hãng chỉ 150 triệu đồng ở Việt Nam. Ảnh: Hạ Phong. |
Với việc mở cửa bằng lái A2 thời gian gần đây và số lượng hàng trăm câu lạc bộ Exciter, FZi, Yamaha Việt Nam kỳ vọng người dùng trung thành sẽ sẵn sàng đổi lên R3 để cảm nhận trải nghiệm môtô phân khối lớn.
Ở lần đầu tiên phân phối môtô phân khối lớn, Yamaha Việt Nam thể hiện sự kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu đặt hàng, chỉ định đại lý đến chính sách hậu mãi. Hãng sẽ cho khách hàng đặt trước trực tuyến, cam kết giá bán đúng đề xuất và chỉ những đại lý Sport Shop ở 4 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP HCM mới có quyền nhận bàn giao xe và chăm sóc khách hàng. Doanh số Yamaha Việt Nam kỳ vọng khoảng 50 xe mỗi tháng. Khi nhu cầu tăng cao, hãng sẽ có kế hoạch điều chỉnh để đáp ứng tốt nhất cho người dùng trong nước.
Mẫu sportbike của Yamaha hiện vấp phải sự cạnh tranh từ các mẫu Kawasaki Ninja 300, KTM RC390 chính hãng hay Honda CBR300R bán ở các đại lý tư nhân. Cái khó Yamaha có thể sẽ đối mặt là tình trạng R3 không sẵn có ở đại lý trên toàn quốc như các mẫu xe thông thường khác để khách hàng chiêm ngưỡng hay chạy thử. Hơn nữa, việc bàn giao xe chỉ tập trung tại đại lý ở 4 thành phố lớn cũng hạn chế về mặt địa lý với khách hàng đến từ các tỉnh, thành khác.
Ngoài ra, để phục vụ người dùng là các hội, nhóm biker quen với xe côn tay thể thao Yamaha chuyển dịch sang môtô phân khối lớn, hãng cũng sẽ phải tổ chức đào tạo đội ngũ kỹ thuật lành nghề, phổ biến các kiến thức về môtô phân khối lớn nhiều hơn nữa.