Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Khó đảm bảo chất lượng khi trường cao đẳng mở điểm đào tạo ở TP.HCM'

TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng trường cao đẳng ở các tỉnh mở điểm đào tạo ở TP.HCM sẽ khó đảm bảo chất lượng vì nhiều lý do khác nhau.

Trước tình trạng khó tuyển sinh, nhiều trường cao đẳng đã mở điểm đào tạo với những cái tên "bắt tai" tại TP.HCM để thu hút thí sinh. Điều này gây ra lo ngại về chất lượng đào tạo, đặc biệt khi TP.HCM lại chưa có quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp nên sở Lao động Thương binh và Xã hội không có căn cứ để bác yêu cầu đặt điểm đào tạo của các trường.

Trao đổi với Zing, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), cho rằng về mặt nguyên tắc, trường tự chủ, có quyền mở điểm đào tạo. Tuy nhiên, ông Vinh nhấn mạnh các trường phải đủ điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình… để đào tạo người học.

cao dang o mien Bac vao Nam mo diem dao tao anh 1

Cao đẳng Y Dược Pasteur có trụ sở chính ở Yên Bái, đã mở hai điểm đào tạo tại TP.HCM. Ảnh: Caodangyduochcm.

"Khó đảm bảo chất lượng"

Theo quan điểm của ông Vinh, việc điều giảng viên từ khu vực khác đến điểm đào tạo ở TP.HCM để giảng dạy gây tốn kém vì liên quan chi phí đi lại, công tác phí. Nhìn trên bài toán kinh tế, cách này không ổn.

Bên cạnh đó, trường cũng khó đảm bảo kế hoạch dạy học. Tại các điểm đào tạo, sinh viên thường học “cuốn chiếu”, thậm chí học và thi một môn chỉ trong một tuần. Cách làm này khó đảm bảo chất lượng vì thông thường môn học chỉ có thời lượng mấy chục giờ cũng nên phân bổ đều trong năm.

Nếu trường lấy giáo viên tại địa phương đặt điểm đào tạo, ông Vinh nghi ngại sẽ có tình trạng để giáo viên trường trung cấp lên dạy cao đẳng.

Ông nói thêm hiện tại, TP.HCM chưa quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Nhưng rõ ràng, mật độ như hiện nay rất bất ổn. Một số trường tại địa phương chất lượng đào tạo tốt, chú trọng giữ uy tín lại không tuyển sinh được.

Trong khi đó, một số điểm đào tạo của trường nơi khác có chi phí học tập thấp, trong quá trình học, sinh viên dễ “qua môn” nên thu hút được số lượng người đăng ký vào đây lớn.

“Trường ở nơi khác đến, họ không ‘ăn đời ở kiếp’ với thành phố nên nhiều khi, chất lượng đào tạo không tốt”, ông Vinh nói.

Người học nhiều khi chỉ cần bằng

TS Hoàng Ngọc Vinh cho hay thời ông còn làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, không có tình trạng các trường mở điểm đào tạo tràn lan. Số điểm đào tạo rất ít. Các trường chỉ mở địa điểm tuyển sinh. Việc tổ chức đào tạo hay liên kết đào tạo phải được sự cho phép của bộ, sở.

cao dang o mien Bac vao Nam mo diem dao tao anh 2

TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng việc nhiều người chỉ cần bằng cấp khiến các trường mở điểm đào tạo vẫn tuyển được người học. Ảnh: H.N.V.

Ông nói thêm thời đó, cơ quan quản lý làm chặt, hạn chế việc liên kết đào tạo nhằm khai thác hết nguồn lực, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu người học.

Trường được phép thành lập nếu địa bàn không có hoặc có rất ít trường đào tạo ngành đó. Ngoài ra, việc quản lý được phân cấp, sở thực hiện đi kiểm tra.

Do đó, trước tình trạng quyền cấp phép đặt điểm đào tạo thuộc về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, sở không thể bác yêu cầu của trường, ông Vinh lo lắng về vấn đề kiểm tra, giám sát.

Bộ rất khó kiểm tra thường xuyên để chắc chắn các trường đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo tại điểm đào tạo. Do đó, ông đề xuất phân cấp quản lý, giao quyền kiểm tra, giám sát cho sở Lao động Thương binh và Xã hội.

“Dù mở điểm đào tạo ở đâu, trường vẫn phải đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thực hiện đúng kế hoạch dạy học, đáp ứng chuẩn đầu ra. Cơ quan quản lý phải kiểm soát thật chặt chẽ, xử phạt nghiêm khắc trường hợp vi phạm, công khai trên báo chí để các địa phương, chủ quản xử lý, người học biết để tránh những trường mất uy tín”, ông Vinh nhấn mạnh.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, nói thêm vấn đề còn nằm ở người học khi một số cần bằng cấp hơn giá trị học vấn. Đặc biệt, khi Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quyết định không công nhận trình độ trung cấp, người lao động phải học liên thông.

Nhiều người đăng ký học vội để nhận bằng nhằm giữ được việc làm. Theo ông Vinh, khi người học cần bằng cấp hơn kiến thức, các trường như vậy vẫn có thể bán được dịch vụ, thu hút người học.

Giải thể trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội

Sau hơn 60 năm hoạt động, trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội vừa nhận quyết định giải thể.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm