Đến ngày 22/4, nhiều địa phương đã cho học sinh khối lớp 9 và 12 đi học trở lại.
Để đảm bảo an toàn cho người học, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin các trường cần đảm bảo giãn cách xã hội, học sinh ngồi cách nhau 1,5 m và tách lớp học. Nếu lớp quá đông, trường chia làm đôi hoặc hơn nữa, đảm bảo phòng học không quá 20 em.
Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng khi cho học sinh đi học đồng loạt, rất khó thực hiện biện pháp này.
Các trường ở Cà Mau đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m khi cho học sinh lớp 9 và 12 đi học trở lại. Ảnh: Sở GD&ĐT Cà Mau. |
Có thể đảm bảo giãn cách nếu chỉ lớp 9 và 12 đi học
Cà Mau là địa phương đầu tiên trong cả nước cho học sinh trở lại trường ngay sau khi kết thúc cách ly xã hội. Những ngày đầu, tỉnh này chỉ cho học sinh lớp 9 và 12 đi học lại và thực hiện chia đôi lớp học để đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh là 2 m.
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, việc chia đôi lớp và cho học 2 buổi sáng, chiều, bố trí học sinh ngồi so le, giúp tỉnh này có thể thực hiện việc giãn cách.
Nếu mỗi em cách nhau 1,5 m, một phòng học tối đa chỉ được 15-20 em. Trong khi đó, sĩ số trung bình các lớp ở TP.HCM hiện nay từ 45-55 em. Thậm chí, ở Hà Nội, nhiều nơi lên đến 60 em/lớp... Điều này rất khó thực hiện.
Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du Huỳnh Thanh Phú
Quan sát những tỉnh đã cho học sinh trở lại trường như Cà Mau, Thái Bình, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận, cho rằng trong điều kiện mỗi bậc học chỉ cho một khối quay lại trường, có thể đảm bảo giãn cách 1,5 m trong lớp. Nhưng nếu học sinh đồng loạt trở lại trường, việc này rất khó thực hiện.
Đó là lý do Bình Thuận vẫn chưa cho học sinh đến trường trong cuối tháng 4 như một số địa phương khác. Sở GD&ĐT đề xuất với tỉnh đầu tháng 5 cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 đi học. Một tuần sau, nếu tình hình ổn, toàn bộ học sinh quay lại trường.
"Với điều kiện hiện tại, chúng tôi có thể tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế như đeo khẩu trang từ nhà đến trường, chuẩn bị bồn rửa tay, xà phòng đầy đủ, đo thân nhiệt...”, ông Thái nói.
Ông Hoàng Văn Thi, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết về việc thực hiện khoảng cách tối thiểu giữa học sinh là 1,5 m, sở chỉ đạo các trường tùy điều kiện, cố gắng thực hiện. Tuy nhiên, họ cũng chưa có biện pháp cụ thể.
Trong ngày đầu cho học sinh THCS, THPT trở lại trường sau thời gian nghỉ vì dịch Covid-19, một số trường ở địa phương này khó đảm bảo giãn cách.
Mỗi lớp học có hơn 40 học sinh, các em ngồi gần nhau. Cơ sở vật chất các trường không đủ để thực hiện chia đôi lớp học.
Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) không thể đảm bảo học sinh cách nhau ít nhất 1,5 m do cơ sở vật chất không đủ. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Lo ngại nảy sinh bất cập
Cà Mau đang thực hiện việc giãn cách khi cho học sinh lớp 9 và 12 đi học trở lại. Ông Nguyễn Minh Luân thừa nhận nếu cho học sinh khối khác trở lại trường, trước mắt là THCS và THPT, các trường không thể đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các em là 1,5 m. Khi học sinh đi học bình thường, mỗi lớp trên 40 em.
Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau nói thêm một số địa phương đã cho học sinh đi học trở lại nhưng cũng khó thể thực hiện mỗi học sinh cách nhau 1,5 m.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng quy định khoảng cách giữa các học sinh tối thiểu là 1,5 m khó thực hiện.
“Nếu là giãn cách giữa chỗ ngồi của các em trong một lớp thì không thể thực hiện được khi học sinh đồng loạt đi học. Cơ sở vật chất trường học ở TP.HCM không đủ phòng học để chia lớp”, ông Hiếu nói.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết sẽ xin ý kiến tham mưu từ Sở Y tế TP.HCM để có phương án đảm bảo khoảng cách phù hợp và đưa vào bộ tiêu chí an toàn trường học của TP.HCM.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), lo ngại quy định khoảng cách tối thiểu giữa học sinh là 1,5 m sẽ làm nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập.
“Nếu mỗi em cách nhau 1,5 m, một phòng học tối đa chỉ được 15-20 em. Trong khi đó, sĩ số trung bình các lớp ở TP.HCM hiện nay từ 45-55 em. Thậm chí, ở Hà Nội, nhiều nơi lên đến 60 em/lớp. Muốn giãn cách như vậy phải chia lớp học thành 2, 3 lớp nhỏ. Điều này rất khó thực hiện”, ông Phú cho hay.
Ông giải thích trường hợp cho tất cả học sinh đồng loạt đi học lại, các trường không có đủ phòng trống để chia lớp. Nếu chia được lớp, số lượng giáo viên cũng phải nhân đôi, nhân ba. Trường không đủ giáo viên để đáp ứng.
Hơn nữa, khi giờ dạy của giáo viên bị “trồi” lên như vậy, ngân sách để trả lương cho thầy cô như thế nào cũng là dấu hỏi lớn.
“Dễ thấy nhất là không đủ phòng, giáo viên để chia lớp như vậy. Kể cả trong trường hợp chỉ cho khối 12 đi học lại trước, đủ phòng học để chia nhưng giáo viên cũng rất chắp vá. Không phải ai cũng dạy được lớp 12, trong khi các em đang cần ôn thi gấp rút”, hiệu trưởng THPT Nguyễn Du nói.