Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khó khả thi khi dạy các môn văn hóa trong giáo dục nghề nghiệp

Giáo dục nghề nghiệp muốn được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng theo luật thì không có thẩm quyền.

Với trình độ đào tạo trung cấp, ngoài đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THPT, còn có đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề.

Trước đây, khi Bộ GD&ĐT còn quản lý các trường cao đẳng, trung cấp, học sinh tốt nghiệp THCS trong quá trình học nghề vẫn học các môn văn hóa bậc THPT và hiệu trưởng trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp cấp chứng nhận hoàn thành chương trình.

Học đủ 7 môn sẽ rất nặng

Tuy nhiên, khi khối các trường cao đẳng, trung cấp chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (gọi là giáo dục nghề nghiệp), học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp thì không học đủ các môn văn hóa bậc THPT trong thời gian học nghề. Vì vậy, học sinh gặp khó khăn nếu muốn học cao hơn, đặc biệt là liên thông lên ĐH yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Điều 23 Luật Giáo dục nghề nghiệp (Luật số 74/2014/QH13) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục. Cụ thể, trường trung cấp tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp; trường CĐ tổ chức đào tạo trình độ CĐ, trình độ trung cấp và trình độ sơ cấp.

Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) cũng quy định giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ CĐ và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất - kinh doanh và dịch vụ.

Điều 28 Luật Giáo dục ghi rõ giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp… Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp THPT. Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Giao duc nghe nghiep day cac mon van hoa anh 1

Học sinh nghề quản trị bếp và ẩm thực trường Trung cấp Việt Giao trong giờ học. Ảnh: Người Lao Động.

Tại buổi họp trực tuyến góp ý quy định giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM tổ chức mới đây, đại diện một số trường CĐ, trung cấp cho biết học sinh đi học nghề sau THCS hiện chỉ học 4 môn (Toán, Văn và 2 môn tự chọn trong 5 môn còn lại Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa) để phục vụ cho việc học nghề.

Nếu muốn thi tốt nghiệp THPT thì phải học đủ 7 môn như hệ giáo dục thường xuyên, nếu không tốt nghiệp thì chỉ trung tâm giáo dục thường xuyên mới được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bậc THPT.

TS Lê Lâm, Hiệu trưởng CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết để được chứng nhận hoàn thành chương trình bậc THPT, học sinh phải học đủ 7 môn như học sinh hệ giáo dục thường xuyên.

Nếu áp dụng học đủ 7 môn trong thời gian học nghề, phải mất ít nhất 3,5 năm đến 4 năm vì hệ giáo dục thường xuyên học 2 năm 3 lớp cùng 1,5 năm đến 2 năm học nghề. Việc kéo dài thời gian học tập là 4 năm có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định đi học nghề sau THCS của học sinh.

Cần quy định thống nhất

Hiệu trưởng một trường CĐ khác cho rằng học sinh tốt nghiệp THCS vừa học nghề vừa học các môn văn hóa là không khả thi. Nếu được tổ chức dạy các môn văn hóa hệ giáo dục thường xuyên và được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bậc THPT thì liệu các trường CĐ, trung cấp có tuân thủ đúng yêu cầu về chất lượng hay làm tổ chức đào tạo, cấp chứng nhận mang tính đối phó bởi thực tế học sinh ở các trung tâm giáo dục thường xuyên học rất cực chứ không nhẹ.

Tại cuộc họp này, các ý kiến cho rằng khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy văn hóa sẽ bớt phiền hà cho học sinh, điều này đặc biệt thuận lợi cho những khu vực xa xôi, khó khăn về địa lý.

Tuy nhiên, để thống nhất việc cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy văn hóa, cần có thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tránh tình trạng mỗi bộ có quy định khác nhau, không thể phối - kết hợp được, gây khó khăn cho người học.

Ngoài ra, các trường cũng kiến nghị trường CĐ, trung cấp được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bậc THPT cho học sinh học nghề. Bởi lẽ, nếu việc học nghề một nơi, học văn hóa rồi cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bậc THPT một nơi sẽ gây phiền toái cho người học, phụ huynh cũng không muốn con họ phải học 2-3 nơi.

Tích lũy tín chỉ

Theo TS Lê Lâm, nếu giáo dục nghề nghiệp được tổ chức dạy các môn văn hóa cần xem lại biên độ thời gian đối với từng loại đối tượng chỉ cần học 4 môn (toán, văn và 2 môn tự chọn trong 5 môn còn lại Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa) hay học hoàn thành chương trình (7 môn) để xét hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT hoặc để thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, nên để các em có sự lựa chọn, được học tích lũy như tín chỉ để khi nào có điều kiện, khả năng, nhu cầu có thể đăng ký thi THPT.

Đề xuất giáo viên mỗi cấp chỉ còn một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, giảng viên, giáo viên mỗi cấp được giảm 3 loại chứng chỉ, tức chỉ còn một loại.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giao-duc-nghe-nghiep-day-cac-mon-van-hoa-kho-kha-thi-20210620220150314.htm

Huy Lân / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm