Tại Hội thảo Khoa học Quốc gia sáng 21/11 tại TP.HCM, trao đổi về giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học giáo dục trong bối cảnh hiện nay, GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Đại học Sư phạm TP.HCM) nói rằng việc phát triển nghiên cứu khoa học giáo dục hiện nay còn gặp những rào cản về cơ chế.
Ông Sơn nêu rằng cơ chế xét duyệt nghiên cứu khoa học hiện nay còn chậm. Những đề tài nghiên cứu bắt kịp bối cảnh thường không thể thực hiện do xét duyệt qua nhiều cấp, khiến đề tài mới lại thành cũ. Ông lấy ví dụ những đề tài đăng ký ở cơ sở từ tháng 9/2021 nhưng phải đến cuối năm 2022 mới được thực hiện do phải trải qua nhiều vòng xét chọn.
Về vấn đề đánh giá, TS Huỳnh Văn Sơn nhận thấy thời gian đánh giá bị kéo dài, thói quen đánh giá vẫn thiếu tích cực, ví dụ tập trung quá nhiều về hình thức, trong khi mục đích của nghiên cứu khoa học là tạo ra những kết quả có giá trị cho xã hội.
Việc khen thưởng - yếu tố được cho là động lực thúc đẩy nghiên cứu - hiện nay cũng chưa thực sự làm tốt. Theo ông Sơn, mức khen thưởng cho các nhà nghiên cứu chưa thực sự tạo ra sự hài lòng, xét cả phương diện vật chất và một số tác động lan tỏa mang tính động viên.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn nêu ý kiến về giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: BTC. |
Ngoài rào cản về cơ chế, tài chính và nhân lực cũng là hai yếu tố tác động không nhỏ đến kết quả nghiên cứu khoa học hiện nay. Số lượt cấp kinh phí cho đề tài thường chia làm 2-3 đợt. Điều này phù hợp cho công tác quản lý nhưng với các nhà khoa học lại là một rào cản khá lớn. Với một số đề tài, việc cấp kinh phí theo năm hoặc theo đợt ảnh hưởng đến vấn đề triển khai hệ thống hoặc đạt đến sản phẩm cuối cùng.
Bàn về vấn đề nhân lực, TS Sơn nói rằng nhiều cơ sở nghiên cứu chưa có chiến lược phát triển hoặc bồi dưỡng nhân lực cho nghiên cứu khoa học, nhất là về các kỹ năng nghiên cứu. Mặt bằng chung nhà nghiên cứu ở các trường đại học hiện nay chỉ có kỹ năng ở mức trung bình khá và chưa đồng đều.
Cần cải tiến về tổ chức và đầu tư kinh phí
Trước những vấn đề nêu trên, ông Huỳnh Văn Sơn đề xuất các trường cần đổi mới công tác quản lý khoa học, đảm bảo tính chủ động, phát huy triệt để tiềm năng chất xám của nhà khoa học, nhất là nhà nghiên cứu khoa học giáo dục.
Bên cạnh đó, các trường phải xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học giáo dục theo từng lĩnh vực và theo từng giai đoạn.
Để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục, các trường cần nghiên cứu và đề xuất những chính sách đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích chuyên gia trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học.
Trường cũng cần gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với các viện, trường, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước.
Khi đánh giá nghiên cứu, trường cần cải tiến công tác đánh giá và nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học, lấy chất lượng và hiệu quả làm tiêu chuẩn đánh giá và chú trọng đề xuất chế độ khen thưởng kịp thời với người tham gia nghiên cứu.
Sinh viên cần được khuyến khích tham gia nghiên cứu. Ảnh: Asian Scientist Magazine. |
Điều quan trọng là các trường cần đẩy mạnh trao đổi thông tin khoa học với các tỉnh, nắm bắt nhu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế xã hội và đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, các bên có thể triển khai, áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, đời sống tại địa phương, đồng thời bổ sung kiến thức vào tài liệu giảng dạy.
Cũng tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nói rằng các trường đã có sự phát triển về số lượng công bố quốc tế. Ước tính 5 năm gần đây, số lượng công bố tăng khoảng 3 lần. Cộng đồng nhà khoa học, giảng viên đại học cũng cho thấy khả năng thực hiện nghiên cứu tốt, có tiềm năng phát triển. Nếu có cơ chế chính sách phù hợp, việc nghiên cứu có thể vươn xa và đạt những kết quả tốt hơn.
Bên cạnh đẩy mạnh nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Phúc đề nghị những nghiên cứu này phải được thương mại hóa để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống, từ đó phát triển kinh tế xã hội.
Việc nghiên cứu khoa học cũng phải gắn kết những kết quả với nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đào tạo nhân lực để làm nghiên cứu thì cũng phải làm thêm chiều ngược lại là ứng dụng những kiến thức mới nghiên cứu được để nâng cao chất lượng bài giảng, giúp sinh viên tiếp cận tri thức mới.
Ngoài ra, sinh viên cũng nên được tham gia nghiên cứu cùng giảng viên. Đây là điều quan trọng, trường phải cân nhắc nếu muốn nâng cao chất lượng đào tạo bền vững.
Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.