Đối với những nhân viên chểnh mảng, không tận tâm trong công việc, cấp trên của họ có thể đã biết. Tuy nhiên, họ vẫn đảm bảo vị trí công việc của mình do công ty chưa tuyển dụng được người tốt hơn để thay thế trong tương lai gần, theo Wall Street Journal.
David Cancel, giám đốc điều hành của Drift, một công ty tiếp thị có trụ sở tại Boston (bang Massachusetts, Mỹ) sử dụng trí thông minh nhân tạo, cho biết một kỹ sư phần mềm phải “rất tệ” mới có thể bị sa thải ở thời điểm này.
Nhiều công ty ở Mỹ gặp khó tuyển dụng do thị trường lao động ảm đạm. Ảnh: Andrea Piacquadio/Pexels. |
Tuyển dụng lại nhân viên cũ
Dù một số nhà kinh tế cảnh báo về cuộc suy thoái sắp tới, tình trạng sa thải trong những tháng gần đây đạt mức thấp nhất hoặc gần thấp nhất mọi thời đại, theo Bộ Lao động Mỹ. Chỉ dưới 1% người lao động nhận được giấy báo nghỉ việc, thấp hơn 1/2 so với tiêu chuẩn.
Khi công ty phần mềm nguồn nhân lực UKG khảo sát khoảng 2.000 quản lý gần đây, khoảng 2/3 cho biết họ sẵn sàng đào tạo lại những nhân viên cũ ở mức trung bình, và 16% sẽ tuyển dụng lại bất kỳ ai dù kỹ năng thế nào.
“Tôi gọi đây là phương pháp quản lý thà tận dụng những thứ đang có, còn hơn mạo hiểm tìm kiếm ở bên ngoài. Các công ty tôi trò chuyện cùng đều lo lắng về việc tuyển dụng”, Phó chủ tịch UKG David Gilbertson, người đứng đầu nghiên cứu lực lượng lao động của công ty, nói.
Jim Link, giám đốc nguồn nhân lực tại Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực Mỹ (SHRM), cho biết thêm các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đang cam kết đào tạo, hoặc đào tạo lại, những người lao động mà họ đã có.
Một số công ty có xu hướng tuyển dụng lại nhân viên cũ, đào tạo lại và nâng cao tay nghề nhân viên hiện tại thay vì tìm người mới. Ảnh: fauxels/Pexels. |
Trước đại dịch, việc tuyển dụng một nhân viên mới tốn hàng nghìn USD, và thậm chí trở nên phức tạp hơn kể từ đó.
“Các nhà tuyển dụng đang xem xét nâng cao kỹ năng và năng lực của các nhân viên trong đội ngũ sẵn có của họ, và họ đang rất nỗ lực để làm điều đó”, ông Link nói.
Điều này đồng nghĩa rằng công ty sẽ đào tạo nhân viên cách làm công việc tốt hơn, hoặc thuyên chuyển họ sang vị trí khác nhau, với hy vọng họ sẽ phát triển ở công việc mới.
Đánh mất nhân sự tài năng
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa rằng các nhân viên có thể trì trệ trong công việc.
Hiện một số công ty đang nhanh chóng phục hồi, có thể đã vượt qua kế hoạch tăng trưởng của họ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã chạm mức 14,7% vào tháng 4/2020, thời kỳ đầu của đại dịch, trước khi giảm xuống còn 3,6% vào tháng 4 năm nay.
Điều này đang xảy ra ở công ty mua bán xe hơi đã qua sử dụng trực tuyến Carnava. Tuần vừa qua, họ đã sa thải khoảng 2.500 nhân viên, tương đương 12% bộ máy nhân sự.
Tiến sĩ Benjamin Friedrich, phó giáo sư chiến lược tại Đại học Northwestern, cho biết để tìm ra mức độ tồi tệ của bạn trong công việc, hãy tự hỏi rằng “Sau cùng, những gì bạn đóng góp cho lợi nhuận của công ty có giá trị như thế nào?”.
Nhân viên giỏi, có năng lực sẽ cảm thấy bất mãn khi bị đối xử ngang với nhân viên làm việc với năng suất tối thiểu. Ảnh: Mikhail Nilov/Pexels. |
Nếu bạn không quá quan trọng, hiệu suất của bạn không quá ảnh hưởng đến công ty, và trớ trêu thay, bạn vẫn đáng để duy trì ở một số khả năng.
Tiến sĩ Friedrich cho biết ông nghe được điều này từ một số công ty - những bên đang giao nhiệm vụ tầm thường cho nhân viên như trên, thay vì đuổi việc họ.
Càng ở vị trí cấp cao, mức độ rủi ro sa thải càng cao. Theo một số chuyên gia nhân sự, các giám đốc đưa ra quyết định sai lầm, gây hậu quả đáng thất vọng có thể gặp nguy hiểm, bởi thất bại của họ tốn kém hơn nhân viên.
Mặt khác, việc công ty vẫn giữ chân và “ngó lơ” một số nhân viên kém năng suất có thể khiến những nhân viên giỏi tìm chỗ làm mới nếu họ cảm thấy không được khen thưởng xứng đáng.
Tinh thần làm việc cũng có thể bị xói mòn theo thời gian ở những công ty ít phân biệt giữa nhân viên tốt và kém.
“Nếu tôi đang làm việc thực sự chăm chỉ, nhưng ban lãnh đạo không đối xử tôi khác so với cách họ đối xử với đồng nghiệp chỉ làm việc ở mức tối thiểu, điều đó sẽ gây bất mãn, giảm khích lệ. Khi đó, việc gì tôi phải cố gắng nữa?”, Jessie Wisdom, đồng sáng lập Humu, một công ty giúp các doanh nghiệp thúc đẩy đội ngũ nhân sự của họ, chia sẻ.