Trong thời gian thực tập tại một ngân hàng vào mùa hè năm ngoái, Costa Kosmidis (22 tuổi, Mỹ) đã dành phần lớn thời gian để làm việc từ xa.
Kosmidis cho biết nơi này luôn có những chính sách nhằm giúp sinh viên thu hẹp khoảng cách với sếp, đồng nghiệp. Họ còn tạo ra phần mềm ảo để nhân viên cấp cao có thể giải đáp thắc mắc liên quan đến công việc và tư vấn nghề nghiệp cho thực tập sinh qua điện thoại hoặc email.
Tuy nhiên, khi bắt đầu vào làm tại ngân hàng này sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai 22 tuổi hy vọng sẽ được thực hành ở văn phòng nhiều hơn.
Làm việc từ xa là xu hướng của nhiều công ty hậu đại dịch. Ảnh: Forbes. |
“Bạn có thể tương tác tốt hơn với mọi người khi trao đổi ở văn phòng. Nếu có vấn đề xảy ra nó cũng được giải quyết nhanh hơn làm ở nhà”, Kosmidis nói với New York Times.
Làm việc từ xa (remote work) thường được ưa chuộng bởi những người đã đi làm lâu năm, hiểu rõ về quản lý của mình và muốn cân bằng giữa “cơm áo gạo tiền” với trách nhiệm gia đình hoặc các nghĩa vụ cá nhân khác, theo New York Times.
Khó lên chức
Đối với những người mới bắt đầu sự nghiệp, họ cho rằng hình thức này có thể khiến việc hòa nhập vào một tổ chức hoặc con đường thăng tiến trở nên khó khăn hơn.
Trong thời kỳ đại dịch, nhiều công ty đã cởi mở hơn với làm việc từ xa. Khi lên kế hoạch xây dựng đội ngũ, không ít nơi quá chú trọng đến hiệu suất mà bỏ qua các cơ hội gắn kết, học hỏi giữa nhân viên.
Một số người cũng đắn đo về “work from home” hoặc hình thức nửa từ xa, nửa ở văn phòng sẽ thay đổi tương lai của họ.
“Chúng tôi bắt đầu nhận được phản hồi từ các nhân viên, đặc biệt là những người trẻ”, Johnny C. Taylor Jr., Giám đốc điều hành tại Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực, nói.
Nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc kết hợp nửa từ xa, nửa tại văn phòng để linh hoạt thời gian, điều kiện sức khỏe. Ảnh: New York Times. |
Prithwiraj Choudhury, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, người nghiên cứu về sự thay đổi của nơi làm việc, cho biết ông thấy 3 phương pháp phổ biến tại những công ty đã thành công trong “remote work”.
Nhiều doanh nghiệp đã dành thời gian để biên soạn một cuốn sổ tay hướng dẫn mà nhân viên có thể tham khảo từ mọi nơi. Họ ghép nối những người làm việc từ xa với cố vấn bộ phận để trao đổi công việc mà không làm gián đoạn các mối quan hệ trong nhóm.
Trong một nghiên cứu, ông Choudhury và các đồng nghiệp đã chỉ định ngẫu nhiên một số sinh viên thực tập tham gia vào những cuộc họp video 1-1 với giám đốc điều hành cấp cao. Nhóm thực tập sinh còn lại chỉ được gặp gỡ bạn bè cùng chỗ làm, không được họp với người cố vấn.
Kết quả cho thấy tốp được nói chuyện với các nhân viên cấp cao có đánh giá hiệu suất tốt hơn vào cuối mùa hè và có khả năng nhận được lời mời làm việc.
“Khi chào hỏi nhau trong hành lang văn phòng, mọi người sẽ thân thiết và dễ làm quen hơn. Làm việc từ xa buộc tất cả phải nỗ lực hiểu nhau và đưa các nhân viên vào một sân chơi bình đẳng. Ngoài ra, việc được dẫn dắt bởi người sếp có tâm sẽ mở ra những cuộc trò chuyện sâu hơn”, ông Choudhury nói.
Bị sếp lãng quên
Một số công ty cũng đã bắt đầu đào tạo các nhà quản lý để giúp đỡ những người làm việc từ xa. Trong thời kỳ đầu của đại dịch, công ty Bảo hiểm Tương hỗ Toàn quốc đã chuyển gần 25.000 nhân viên sang làm việc kết hợp hoặc toàn thời gian tại nhà.
Trưởng các phòng ban sẽ được hướng dẫn để tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp cho cấp dưới.
Riêng nhân viên thì được kết nối với người cố vấn hoặc các nguồn lực của công ty để giúp họ hoàn thành mục tiêu. Nơi này cũng mở một khóa học online về kỹ năng lãnh đạo kéo dài 4 tuần dành cho người lao động ở tất cả các cấp.
Katie Burke, Giám đốc nhân sự của công ty phần mềm HubSpot (có trụ sở tại Massachusetts, Mỹ) cho hay phương pháp này nhằm thiết lập sự gắn kết của tổ chức và xây dựng mối quan hệ cá nhân.
Điều đó có nghĩa cấp trên phải nói rõ về cách làm việc nhóm và khuyến khích mọi người trò chuyện về những sở thích, thú tiêu khiển ngoài văn phòng của họ.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực về suy nghĩ của các nhà quản lý vào năm ngoái cho thấy 42% thường bỏ qua những người làm việc từ xa khi giao nhiệm vụ. Ông Taylor cho biết họ không cố ý, chỉ đơn giản là quên mất nhóm nhân viên này.
Người lao động lo lắng hình thức làm việc từ xa sẽ khiến cơ hội thăng tiến của họ chậm lại. Ảnh: WIRED. |
Theo New York Times, phụ nữ và người da màu là 2 nhóm có khả năng thích “remote work” nhất. Nhiều người trong số đó từng bị cô lập ở nơi làm việc trước khi đại dịch bùng phát. Việc không có sự hỗ trợ thích hợp có thể làm trầm trọng thêm cảm giác xa lánh và giảm sự thu hút những nhân sự tiềm năng cho các dự án nâng cao tinh thần, sự nghiệp.
Trong khi những công ty khác đang thực hiện kế hoạch tạo cơ hội cho nhân viên “remote work” thăng tiến trong sự nghiệp thì Kyle Elliott (sống ở California) cho rằng điều này khá khó khăn khi họ phải đối mặt với áp lực thời gian, quản lý và đồng nghiệp.
“Việc lên tiếng chủ động tìm kiếm cơ hội chỉ có thể diễn ra nếu văn hóa công ty có bao gồm làm việc từ xa. Có thể dễ dàng nhận ra rằng dù giao tiếp qua email hay Slack tốt đến mức nào, bạn cũng sẽ bị loại khỏi các cuộc trò chuyện diễn ra tại văn phòng. Ngay cả Zoom cũng không thể thay thế được sự tương tác tại nơi làm việc”, Elliott bày tỏ.