Sau phiên xử vụ án giết người xảy ra hơn chục năm trước ở thôn Me, xã Nghĩa Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang), luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn luật sư Hà Nội có góc nhìn riêng về vụ việc gửi đến Zing.vn.
Cần thiết trả hồ sơ điều tra bổ sung
Khi tuyên bản án đối với Lý Nguyễn Chung vào ngày 23/7, TAND tỉnh Bắc Giang đã bác đề nghị của luật sư phía bị hại về việc điều tra bổ sung vụ án.
Nhân chứng Nguyễn Thị Thu Hà tại tòa. Ảnh: MĐ. |
Theo tòa, quá trình chuẩn bị xét xử, bà Nguyễn Thị Thu Hà (TP Bắc Giang) đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan tố tụng. Lời khai tại tòa của nhân chứng này mâu thuẫn về thời gian chị Hoan đến cửa hàng, mâu thuẫn với người làm chứng và người liên quan, với bị cáo trong vụ án về tình tiết hai chiếc nhẫn...
Dù HĐXX nhận định rằng vụ án có một số tình tiết chưa làm rõ nhưng lại khẳng định "đủ căn cứ buộc tội Chung"; đồng thời kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng vụ án, xác minh đơn của bà Hà để tránh oan sai. Đây đều là những tình tiết mới có thể dẫn tới thay đổi bản chất sự việc, cần thiết phải được điều tra làm rõ để tránh làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.
Nếu HĐXX xét thấy các chứng cứ còn mâu thuẫn, lời khai nhân chứng chưa được làm rõ được tại phiên tòa thì không thể tuyên án kết tội bị cáo trên cơ sở những mâu thuẫn chưa làm rõ này.
Theo Điều 199 Bộ luật Tố tụng Hình sự, HĐXX cần thiết phải trả hồ sơ điều tra bổ sung cho VKSND, Cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ những mâu thuẫn về chứng cứ, lời khai của nhân chứng…
Khai báo gian dối
Bản án sơ thẩm về nguyên tắc là chưa có hiệu lực pháp luật và có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định pháp luật.
Điều 55 Bộ luật Tố tụng Hình sự nêu: "Người làm chứng phải có nghĩa vụ khai báo trung thực tất cả các tình tiết mà mình biết về vụ án. Nếu khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 Bộ luật hình sự - tội Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật".
Chủ thể của tội Khai báo gian dối là người giám định, người phiên dịch, người làm chứng. Bà Hà được tòa án xác định với vai trò người làm chứng gián tiếp và được triệu tập tham gia xét xử, trình bày những ý kiến mình biết về nội dung liên quan đến vụ án.
Để xử lý người làm chứng về hành vi Khai báo gian dối theo Điều 307, cơ quan điều tra phải chứng minh lời khai báo của bà Hà là bịa đặt về những tin tức về sự việc phạm tội như 2 chiếc nhẫn và sợi dây chuyền của bà Hoan mà Chung khai cướp được thực ra bà Hoan đã "cắm" cho bà Hà trước đó, mối quan hệ tình cảm bí mật giữa ông Chấn và bà Hoan, có người nhận “chạy án”...
Nếu người làm chứng khai báo không đúng hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật do lầm lẫn hay trí nhớ kém, tức là lỗi vô ý thì không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Tuy nhiên, những vấn đề nhân chứng Hà đã khai báo tại tòa vừa qua, HĐXX chưa có căn cứ làm rõ và kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra để tránh oan sai.
Nếu cơ quan điều tra sau này tiếp tục điều tra theo kiến nghị của tòa án mà có căn cứ chứng minh những lời khai báo của nhân chứng này là hoàn toàn bịa đặt và bà Hà biết rõ những lời khai đó là sai sự thật thì sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật.
Lý Nguyễn Chung lĩnh mức án 12 năm tù về tội Giết người và Cướp tài sản. Ảnh: MĐ. |
Có thể xử lý nhân chứng Hà về tội Vu khống?
Tội khai báo gian dối theo Điều 307 và Điều 122 Bộ luật hình sự là 2 tội khác nhau, xâm hại tới những khách thể hay những quan hệ xã hội khác nhau được pháp luật điều chỉnh.
Tội Khai báo gian dối xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan tố tụng, còn tội Vu khống xâm phạm đến danh dự người bị vu khống. Hành vi khai báo gian dối cũng có thể xâm phạm đến danh dự của người khác như hành vi vu khống. Nhưng tội Khai báo gian dối theo điều 307 chỉ xảy ra trong quá trình tham gia tố tụng do người được triệu tập được xác định là người làm chứng thực hiện.
Hành vi vu khống chỉ được xác định khi chưa tham gia vào quá trình tố tụng hoặc chưa có quyết định về các hoạt động tố tụng của vụ án.
Do cùng một hành vi thực hiện nên không thể xử lý 2 lần về 2 tội khác nhau. Thời điểm này, bà Hà được xác định là người làm chứng thì chỉ có thể bị xử lý về tội Khai báo gian dối nếu có đủ căn cứ thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm này.
Theo lời khai, bà Hà cho rằng động cơ gửi đơn kiến nghị là vì công lý. Mặt khác, bà Hà không có quan hệ quen biết hay tư thù với ông Chấn và Lý Nguyễn Chung.
Về mặt lý luận tội phạm, kể cả sau này cơ quan điều tra xác minh không có căn cứ xác định những sự việc bà Hà trình bày thì cũng khó có thể khởi tố bà này về tội Vu khống.