Vy là một trong 75 bạn trẻ ở 75 quốc gia được lựa chọn từ 15.000 đơn đăng ký dự tuyển. Trong một tuần, các đại biểu sẽ cùng trao đổi, thảo luận về hòa bình, an ninh, phát triển, truyền thông, tôn giáo, công dân toàn cầu có trách nhiệm...
Khóa học mùa hè là cơ hội tốt để tôi thử thách bản thân với những tiêu chuẩn cao hơn và học hỏi nhiều hơn.
Gửi thông điệp hòa bình cho biển Đông
- Bạn thuyết phục ban tổ chức như thế nào để được chọn trong 15.000 hồ sơ dự tuyển từ các ứng viên trên thế giới?
- Để thuyết phục ban tổ chức tôi đưa ra ba ý chính trong hồ sơ. Đầu tiên tôi nêu những kinh nghiệm của mình trong quá khứ, hiện tại làm gì và những gì có thể làm trong tương lai. Bên cạnh đó, tôi cũng đưa ra quan điểm của mình về hai vấn đề biển Đông và tôn giáo. Tôn giáo, chính trị, phát triển, nhân quyền nằm trong chủ đề của khóa học này.
- Khóa học sẽ trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề, đâu là lĩnh vực bạn quan tâm nhất và muốn thảo luận cùng bạn bè quốc tế?
- Đó là vấn đề thương lượng xây dựng hòa bình và hợp tác. Hiện tôi đang tìm hiểu các tài liệu, thông tin để tham gia thảo luận một cách tốt nhất. Tôi cũng đang kết nối với những đại biểu khác để làm quen, trao đổi và thảo luận trước các vấn đề liên quan.
- Những ngày này Trung Quốc đang gây hấn tại vùng biển của nước ta. Bạn có đem câu chuyện này vào thảo luận trong khóa học của mình?
- Tôi sẽ đưa vấn đề về biển Đông ra thảo luận trong thời gian đi thăm trụ sở Liên Hợp Quốc. Khóa học có một số bạn đến từ những nước và vùng lãnh thổ liên quan đến vấn đề biển Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Indonesia, Malaysia và tôi từ VN là sáu người. Nếu được, tôi sẽ cùng các bạn này thảo luận, cùng ký tên chuyển thông điệp hòa bình cho biển Đông gửi Liên Hợp Quốc.
Đưa hình ảnh Việt Nam đến thế giới
- Bạn sẽ làm gì để giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến với 74 bạn trẻ từ 74 quốc gia khác?
- Giới thiệu hình ảnh quốc gia sẽ có phần hữu hình và vô hình. Phần hữu hình tôi sẽ mang theo những vật phẩm văn hóa. Tôi thấy con chuồn chuồn tre là đồ vật rất hay của trò chơi dân gian VN. Bạn bè tôi ở nước ngoài nói mỗi lần nhìn nó tự thăng bằng như được tiếp thêm sức mạnh và không gục ngã. Vì vậy đó sẽ là món quà ý nghĩa tôi mang theo tặng các bạn.
Phần vô hình chính là tư cách của mình. Khi tôi nói chuyện với bạn tôi là Tường Vy. Nhưng đi ra quốc tế người ta chỉ biết tôi là người Việt Nam thôi. Cho nên cách mình nói chuyện, trình bày, đối xử với người khác là hình ảnh của Việt Nam. Hình ảnh của VN cũng được thể hiện qua sự thiện chí làm việc nhóm. Tôi sẽ không nói nhiều việc Việt Nam trải qua đau thương chiến tranh mà vẫn vươn lên. Nhưng tôi nghĩ bạn bè quốc tế vẫn có thể cảm nhận được điều đó qua cách tôi làm việc, nói chuyện, chia sẻ và những kết nối về sau...
- Nhiều bạn trẻ ấp ủ dự định tham dự các chương trình văn hóa, hội thảo, hội nghị ở nước ngoài. Bạn có chia sẻ gì với những bạn ấy?
- Theo kinh nghiệm của tôi, đầu tiên bạn sẽ xem động lực của mình có đủ lớn hay không và vì sao lại có động lực đó. Các bạn muốn tham gia chương trình để ra nước ngoài, để chụp ảnh “khè” với bạn bè hay là bạn muốn mở rộng mối quan hệ, mở mang về kiến thức. Làm rõ những động lực đó qua thời gian bạn sẽ đo được mình ham thích mãnh liệt như thế nào. Bởi những người không nản mới thật sự trụ lại được.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần trau dồi thêm tiếng Anh. Cuối cùng là kiên trì. Năm trước tôi cũng nộp đơn cho chương trình này nhưng không được chọn. Sau khi rớt, tôi đã viết thư điện tử hỏi anh bạn được chọn góp ý cho tôi. Tôi thật sự vui vì mình đã đạt được kết quả cho việc kiên trì của mình. Hãy cứ kiên trì và biết rõ mình hướng đến điều gì rồi bạn sẽ được đền đáp.