Trên thực tế, món khoai tây chiên được gọi chung là French fry, song vẫn có ý kiến nghi ngờ về nguồn gốc Pháp của món ăn quen thuộc này, dẫn đến nhiều tranh cãi không hồi kết.
Thật không dễ dàng để làm "giấy khai sinh" cho một món ăn ra đời khá lâu, nhất là khi món ăn đó trở nên quá quen thuộc và nổi tiếng thế giới. Món khoai tây chiên giòn rụm vàng ươm là trường hợp như thế. Hiện có 2 luồng ý kiến chính về xuất xứ món ăn này: Bỉ hay Pháp? Ảnh: Reader's Digest.
Nhiều ý kiến cho rằng món khoai tây chiên nguyên thủy ra đời ở Namur, một vùng nói tiếng Pháp của Bỉ. Người dân địa phương đặc biệt thích cá chiên, nên khoảng năm 1680,
khi sông Meuse ở đây đóng băng trong mùa đông lạnh lẽo, món khoai tây chiên có vẻ ngoài giống những con cá nhỏ đã được dùng để thay thế. Ảnh: UNamur.
Theo những người ủng hộ câu chuyện này, vùng đất Namur của Bỉ là nơi xuất xứ món khoai tây chiên, song vì được gọi tên bởi những lính Mỹ đóng tại khu vực nói tiếng Pháp trong Thế chiến I, món khoai tây chiên lại có một cái tên tiếng lóng không được chính xác lắm là French fry. Ảnh: Culture Passport.
Món khoai tây chiên xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản viết vào khoảng đầu thế kỷ 20, với đặc điểm món ăn giống hiện tại, cùng kỹ thuật chiên 2 lần để khoai tây giòn. Tài liệu đó là một hướng dẫn của người Bỉ, tên Traité d'économie domestique et d'hygiène (Luận về kinh tế và vệ sinh quốc gia). Ảnh: PRI.
Không giống nhiều nơi - khoai tây chiên chỉ là món ăn kèm burger hay steak... khoai tây chiên tại Bỉ thực sự là món ăn riêng biệt. Khoai tây ở đây chiên 2 lần trong mỡ bò, phục vụ trong một túi giấy hình nón, thêm chút mayonnaise. Có lẽ đây là tất cả những gì tạo nên sự khác biệt cho món ăn này giữa Bỉ với các nơi khác. Ảnh: Travel Observers.
Đầu bếp Albert Verdeyen, đồng tác giả cuốn Carrément Frites về lịch sử khoai tây chiên khẳng định xuất xứ món ăn có thể từ Bỉ, vì "đó không phải là món ăn của Pháp, mà là của những người nói tiếng Pháp". Hiện, Bỉ đang kiến nghị UNESCO công nhận khoai tây chiên như biểu tượng chính thức của di sản văn hóa nước này. Ảnh: Culture Trip.
Giáo sư Pierre Leclercq, sử gia ẩm thực phủ nhận mốc thời gian 1680 ra đời khoai tây chiên tại Numar, Bỉ. Theo ông, khoai tây chỉ có mặt ở vùng này từ năm 1735, nhưng cũng không chắc rằng cư dân ở đây sẽ chiên ngập dầu chúng. Những người dân nghèo thế kỷ 18 sẽ không lãng phí các chất béo xa xỉ như bơ, mỡ động vật hay thực vật để chiên thức ăn.
Ảnh: Reddit.
Những người ủng hộ xuất xứ Pháp của món khoai tây chiên lại dựa vào món pomme Pont-Neuf, xem đây như nguồn gốc ban đầu của món ăn. Pomme Pont-Neuf là món khoai tây chiên ngập dầu bán trên các xe đẩy vào thế kỷ 18 ở cầu Pont Neuf, cây cầu lâu đời nhất bắc qua dòng sông Seine ở Paris. Ảnh: Flickr.
Đến năm 1795, khoai tây đã trở nên phổ biến trên khắp nước Pháp. Sử gia ẩm thực Pierre Leclercq cho rằng khó biết được người phát minh khoai tây chiên, song có thể đoán đó là một người bán hàng rong ở Paris cuối thế kỷ 18 hoặc đầu thế kỷ 19. Ảnh: Charles Soulier.
Ở Pháp, những gợi ý ghép đôi khoai tây chiên với món bít tết cổ điển kiểu Pháp cũng đã xuất hiện từ sớm, ít nhất là ngay từ thế kỷ 18. Pháp cũng sinh ra một phiên bản khoai tây chiên cắt miếng chữ nhật hoàn hảo, mang tên bản gốc thuở đầu là Pont-Neuf - La Frite Française, được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ. Ảnh: CF.UA.
Tại Canada, xuất xứ món poutine, gồm khoai tây chiên kết hợp phô mai và nước sốt thịt, cũng gây nhiều tranh cãi tương tự câu chuyện Bỉ - Pháp. Xuất hiện ở vùng nông thôn Quebec vào những năm 1950, song giữa 2 thị trấn Warwick và Drummondville, đâu mới là nguồn gốc thực sự của món ăn phổ biến ở "đất nước lá phong"? Ảnh: Eugene Gorgichuk.
Dù ẩm thực Pháp mang đến thế giới nhiều món ngon nổi tiếng, và trên thực tế, món khoai tây chiên cũng được gọi chung là French fry, song dường như những tranh cãi về xuất xứ món ăn khoái khẩu, quen thuộc của nhiều người này vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: La Croix.
Cuộc sống luôn ngọt ngào vì có những "thủ phủ" bánh kẹo nức tiếng thế này. Từ Đông sang Tây, mỗi vùng đất luôn có đặc sản nổi danh mà ai một lần ghé đến cũng muốn thử qua.
Món sushi trứ danh chỉ là một phần nhỏ trong nền ẩm thực phong phú của Nhật Bản, song lại vô tình làm "lu mờ" nhiều món ngon khó cưỡng khác ở đất nước này.
Có những quán chỉ chuyên một hay vài loại chè, nhưng 5 quán chè này ở TP.HCM có hẳn một thực đơn dài nhiều món ngon, đủ cho các tín đồ hảo ngọt "ăn mệt nghỉ". Mau lập hội thử ngay!