6 tháng đầu năm 2022, dư âm từ đại dịch cùng bão giá ảnh hưởng đến kế hoạch tiêu dùng của người trẻ.
Nhiều người cho biết không còn đặt mục tiêu sở hữu vật chất như mua nhà, tậu xe. Thay vào đó, họ hướng đến những trải nghiệm mang lại giá trị tinh thần và tri thức, cho đây là điều giúp cuộc sống ý nghĩa, hoàn thiện hơn.
Zing trò chuyện cùng 4 bạn trẻ để lắng nghe câu chuyện chi tiêu "đáng đồng tiền bát gạo" của từng người trong nửa đầu năm vừa qua.
Thủy Tiên (23 tuổi, TP.HCM) - 6,5 triệu đồng đưa mẹ đi du lịch
Mẹ tôi làm nghề may, thường nhận sản phẩm về nhà gia công rồi giao lại cho khách. Ngoài những lần đi chợ và thỉnh thoảng ăn ngoài, phần lớn thời gian, mẹ đều ở nhà để vun vén cho gia đình.
Từ lâu, tôi luôn hy vọng có thể đưa mẹ đi du lịch bằng chính đồng tiền mình kiếm ra. Nhưng mong ước là thế, tôi khó lòng thực hiện bởi bị cuốn vào guồng quay học tập, làm việc. Cứ thế, suốt bao năm dài, tôi và mẹ chưa từng đi xa cùng nhau.
Đầu năm nay, tôi nghỉ việc sau 4 năm gắn bó. Những đơn hàng của mẹ cũng vơi dần. Cả hai mẹ con có nhiều thời gian rảnh hơn và kế hoạch về chuyến đi Đà Lạt bắt đầu từ đây.
Lần đầu tiên, Thủy Tiên tự mình lo mọi chi phí cho chuyến du lịch của mình và mẹ. |
Như nguyện ước năm nào, tôi "tài trợ" tất cả cho chuyến đi này.
Hành trình 3 ngày 2 đêm của hai mẹ con để lại trong tôi một niềm hạnh phúc khó tả. Tôi không chỉ trút bỏ hết áp lực mà cảm thấy gắn bó với mẹ hơn.
Khí hậu mát mẻ, trong lành tại Đà Lạt cũng giúp cải thiện phần nào sức khỏe của mẹ. Tôi nhận ra niềm vui của mẹ cũng chính là niềm vui của tôi. Sau chuyến đi, tôi càng có động lực kiếm tiền để sau này có thể dẫn mẹ đi nhiều nơi hơn nữa.
Chi tiền cho những người thân yêu, đặc biệt sau khi trải qua giai đoạn dịch khốc liệt của năm cũ, tôi cảm thấy hoàn toàn xứng đáng.
Chu Linh (22 tuổi, Hà Nội) - 2 triệu đồng cho các khóa học
Tôi là sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ, nhưng lại có đam mê và lấn sân sang marketing. Nửa đầu năm nay, tôi chi 2 triệu đồng cho các khóa học liên quan đến lĩnh vực này với mong muốn phát triển bản thân và phục vụ công việc.
Chu Linh trích 30% thu nhập tháng để đầu tư các khoá học nâng cao chuyên môn. |
Theo đó, tôi tham gia một số khóa học trên LinkedIn. Thông thường, tôi học thử bản miễn phí trước. Nếu thấy bản thân phù hợp về nội dung và thời gian, tôi sẽ chọn trả phí để theo học lâu dài.
Đối với tôi, khoản chi cho học tập chiếm khoảng 30% thu nhập tháng. Số tiền này nằm trong quỹ chi tiêu tự do mà tôi đã đặt ra từ trước, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt. Sắp tới, tôi sẽ tham gia thêm lớp học về phân tích kinh doanh.
6 tháng qua, tôi mua sắm nhiều món đồ đắt đỏ hơn 2 triệu đồng. Nhưng đối với tôi, khoản chi cho học tập luôn là đáng giá nhất.
Tôi không hề tiếc tiền hay hối hận điều gì khi đầu tư cho kiến thức. Những khóa học này giúp tôi nâng cao năng lực chuyên môn, đồng thời phát triển một số kỹ năng như viết nội dung, chỉnh sửa ảnh…
Chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc ở lĩnh vực marketing, nhưng tôi vẫn khá tự tin bởi mình nắm vững lý thuyết. Tôi tin tưởng mình có thể vận dụng kiến thức này vào thực tế công việc.
Minh Lan (26 tuổi, TP.HCM) - 8 triệu đồng tiêm vaccine
Với tôi, nửa đầu năm nay là khoảng thời gian lý tưởng để đi du lịch khi không còn giãn cách vì dịch. Tuy nhiên, tôi không chi quá nhiều và cũng chỉ đi một số điểm trong nước. Thay vào đó, tôi chọn đầu tư cho sức khỏe của mình.
Trước đây, tôi không quan tâm nhiều về vấn đề sức khỏe. Tôi quan niệm khi nào có bệnh thì đi chữa, không mấy chú trọng việc phòng bệnh.
Nhưng khi trải qua đợt dịch Covid-19 vừa qua, "nếm trải" cảm giác là người bệnh, tôi mới biết trân trọng bản thân mình hơn.
Minh Lan cho rằng không gì xứng đáng hơn việc đầu tư cho sức khỏe hiện tại. |
Tôi bắt đầu tìm hiểu về những căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao, đã có vaccine phòng ngừa để thăm khám bác sĩ và tiêm chủng từ sớm.
Cuối tháng 3, với sự tư vấn từ bác sĩ, tôi dành khoảng 8 triệu đồng tiêm ngừa combo vaccine dành cho người trưởng thành.
Các mũi tiêm thiết yếu gồm vaccine cúm, viêm phế cầu, ho gà, bạch hầu… giúp tăng đề kháng cho hệ hô hấp và bảo vệ phổi.
Trong số đó, một số mũi tiêm có thể gây đau nhức, cần tiêm riêng theo chỉ định của bác sĩ. Những mũi còn lại có thể được tiêm cùng một buổi, tôi không tốn nhiều thời gian để ghé đến bệnh viện.
Tiêm ngừa không chỉ để bảo vệ bản thân mình mà còn cả những người xung quanh. Vậy nên, đây chắc chắn là một trong những khoản chi đáng tiền nhất của tôi không chỉ trong 6 tháng mà là cả năm nay.
Thuý Nga (30 tuổi, Hà Nội) - gần 100 triệu đồng cho chuyến đi châu Âu
Đầu năm nay, tôi vừa hoàn thiện ngôi nhà nên không có kế hoạch chi tiêu cho du lịch. Nhưng vào một ngày, được người đồng nghiệp giới thiệu về chuyến đi châu Âu, tôi quyết định làm thủ tục xin visa và chuẩn bị lên đường.
Sau 2 năm dịch bệnh, tôi không thể "chôn chân" ở nhà thêm nữa. Tôi cũng chưa đến châu Âu, vì vậy rất hào hứng khám phá địa điểm này.
Với niềm đam mê xê dịch, cô gái trẻ không ngại đầu tư cho các chuyến đi xa. |
Và quả thực, sau chuyến đi, tôi khẳng định đây là khoản chi đáng giá nhất 6 tháng đầu năm của mình.
Tôi sử dụng tiền tiết kiệm cho hành trình 2 tuần đến Italy và Thụy Sĩ. Tổng chi phí dao động 90-100 triệu đồng chưa bao gồm việc mua sắm. Đây cũng là số tiền lớn nhất từ trước đến nay mà tôi chi trả cho du lịch.
Chuyến đi mang lại cho tôi nhiều ý nghĩa tích cực. Tôi làm quen với rất nhiều người cùng chung đam mê xê dịch, tham quan các công trình kiến trúc kỳ vĩ, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và thử nhiều món ăn mới.
Tôi còn cảm thấy khỏe hơn sau chuyến đi vì mỗi ngày đều đi bộ 10 km.
Quan trọng nhất, sau những ngày ở châu Âu, tôi cảm thấy chỉ cần có ước mơ và nỗ lực, con người luôn có thể biến ước mơ thành hiện thực. Đây sẽ là bước đệm để tôi tiếp tục hành trình khám phá thế giới.