Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khoảng lặng ly thân

Thống kê của TAND tối cao cho thấy, năm 1994, cả nước có khoảng 22.000 trường hợp ly hôn và con số này cứ “tăng dần đều” theo thời gian.

Khoảng lặng ly thân

Thống kê của TAND tối cao cho thấy, năm 1994, cả nước có khoảng 22.000 trường hợp ly hôn và con số này cứ “tăng dần đều” theo thời gian.

Khoảng lặng ly thân

Năm 2000 khoảng 50.000 trường hợp, năm 2005 khoảng 66.000 và năm 2007 khoảng 70.000. Trong đó, những cặp vợ chồng trẻ đã “đóng góp” không nhỏ vào việc làm tăng số vụ ly hôn.

OK... mình chia tay!

Chị Hồng Loan - nhân viên của một ngân hàng và anh Minh Tùng yêu nhau từ thời sinh viên. Cuối năm 2006 anh chị kết hôn sau khi tốt nghiệp ĐH, có việc làm ổn định. Nhưng, chỉ sau hai tháng chung sống thì vết rạn giữa họ xuất hiện. Một năm sau, nó trở thành vết nứt lớn không hàn gắn được.

Trong buổi hòa giải tại tòa án Q.Bình Thạnh, chị Loan rấm rức: “Anh ấy đòi hỏi tôi quan tâm đến gia đình anh. Nhưng với gia đình tôi, anh ấy lơ là, xem thường. Đi công tác, anh chỉ mua quà cho tôi và ba mẹ của anh, lại ngụy biện: “Anh không biết ba mẹ em thích gì nên không mua!”. Lễ, Tết, tôi mua quà, gửi tiền biếu ba mẹ anh. Trong khi với ba mẹ tôi, anh... im re.

Thật ra, thời yêu nhau, tôi đã phát hiện khuyết điểm này của anh. Nhưng tôi cứ nghĩ, cưới nhau rồi anh ấy sẽ thay đổi như đã hứa. Tôi đã lầm! Giờ thì tôi không thể chung sống với một người không biết tôn trọng cha mẹ mình”.

Anh Tùng thanh minh: “Tôi không hề xem thường hay tính toán gì với nhà vợ. Có thể do tôi thiếu chu đáo, tỉ mỉ nên cô ấy hiểu lầm. Hơn nữa, tiền bạc tôi giao hết cho vợ, cô ấy muốn mua sắm, biếu xén gì cho ai cũng được mà”. Qua hai buổi hòa giải, tòa nhận thấy anh Tùng chỉ là một người chồng vô tư hơn là người tính toán, ích kỷ như kết luận của người vợ. Nhưng dù cố gắng hòa giải nhiều lần, tòa vẫn không thể hàn gắn vì chị Loan kiên quyết ly hôn, anh Tùng lại tự ái: “Chia tay thì chia tay, sợ gì!”.

Chị Ngọc Huyền ở Q.Gò Vấp, TP.HCM cũng vừa trở thành người độc thân vào tháng 6/2008, sau khi ly hôn với anh Quốc Dũng - cậu ấm của một vị giám đốc ngành may. Cuộc hôn nhân của anh chị chỉ “hưởng... dương” một năm chín tháng 23 ngày. Chị Huyền viết đơn ly hôn sau một trận cãi nhau kịch liệt với chồng vì tội anh thường về trễ, lại thêm “tình tiết tăng nặng” là sặc mùi men.

Chị cho rằng: có vợ rồi mà anh vẫn xem mình như người độc thân. Hết giờ làm việc anh không về nhà mà đi chơi với bạn bè, không cần biết vợ đang chờ cơm ở nhà. Thậm chí, ngày chủ nhật, vợ chồng chị đã lên kế hoạch cùng nấu ăn và sau đó đi xem phim, nhưng chỉ một cú điện thoại của bạn là anh chồng “hô biến”. Thỉnh thoảng, anh còn đi quán bar, vũ trường đến khuya lơ khuya lắc. Không chịu nổi anh chồng “hồn nhiên”, chị làm ầm lên và đòi ly hôn. Trong lúc nóng nảy, giận vợ “xâm phạm tự do” của mình, anh Dũng “Ok” luôn.

Chị Tố Uyên (30 tuổi, phó phòng một công ty sản xuất thực phẩm), thì cả lúc chị quyết định lấy chồng đến quyết định ly hôn đều gây sốc cho bạn bè. Sau khi chia tay với mối tình đầu kéo dài sáu năm, chị Uyên "bế quan tỏa cảng". Đến khi nhìn lại, bạn bè hầu hết đã lập gia đình, cộng thêm sự hối thúc của cha mẹ, chị bắt đầu... sốt ruột. Được người bà con giới thiệu một chàng trai vừa du học Úc về, đang làm việc tại một công ty nước ngoài ở Việt Nam, chị chịu gặp gỡ rồi đồng ý cưới chỉ vì muốn yên bề gia thất.

Trở về sau tuần trăng mật một tháng, chị đùng đùng nộp đơn ly hôn. Chị tâm sự: “Mình nghĩ, mình cần hôn nhân, cần một gia đình nên sẽ vượt qua được mọi chuyện. Nhưng ngay đêm “tân hôn”, khi anh ấy chạm vào người thì mình thấy không thể, vì không có chút cảm xúc nào. Mình đã xin lỗi anh và hai đứa đồng ý ly hôn”.

Ly thân... thử nghiệm 

Khi các cặp vợ chồng trẻ gặp mâu thuẫn, bên nào cũng cho là mình đúng, chỉ chăm chăm bắt lỗi đối phương. Và trong lúc tức giận, thường chọn ngay giải pháp đơn giản và... tiêu cực là ly hôn.

Để khắc phục sự nóng vội này, nhiều thẩm phán đưa ra giải pháp: ly hôn thử nghiệm, nghĩa là, khi cảm thấy không chung sống với nhau được nữa, thay vì ly hôn, vợ chồng nên chọn giải pháp ly thân, thử sống xa nhau một thời gian để chiêm nghiệm lại tình cảm.

Xưa nay, nhắc đến hai từ “ly thân” nhiều người thường dị ứng, nghĩ rằng ly thân thì đương nhiên sẽ... ly hôn, nên không nhận ra mặt tích cực của ly thân. Tuy pháp luật VN hiện nay không có định chế về ly thân, nhưng nó vẫn hiện hữu trong đời sống với giá trị tích cực vốn có: ly thân là khoảng lặng để cứu vãn cuộc hôn nhân, là cầu nối tình cảm, không phải là bước đệm để ly hôn.

Trên thực tế, nhiều trường hợp “hậu” ly thân đã sống hạnh phúc. Chị Kiều Liên ở P.4, Q.3, TP.HCM chia sẻ: “Khi ly thân, may mà chúng tôi kịp nhận ra lỗi của mình, đồng thời cũng thấy được ưu điểm của người kia nên quay lại, cùng nhau sửa đổi. Tôi nghĩ, ly thân chưa hẳn sẽ giúp tất cả các đôi vợ chồng cứu vãn được cuộc hôn nhân của mình; nhưng ít nhất nó cũng không làm mình hối tiếc hay thấy có lỗi với con cái, vì mình đã cố gắng hết sức nhưng không thể cứu vãn được gia đình”.

Về khía cạnh tâm lý, bà Nguyễn Thị Tâm - GĐ Công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt cho rằng: “Đối với những gia đình thường xuyên mâu thuẫn, xung đột và có nguy cơ đổ vỡ thì ly thân là việc nên làm. Sự xa cách sẽ giúp vợ/chồng tạm tránh được những căng thẳng diễn ra hàng ngày để có thời gian, điều kiện nhìn lại mình và người bạn đời.

Sự trải nghiệm nhận thức của bản thân sẽ giúp hai bên nhận ra nhiều giá trị: vai trò, trách nhiệm, ý nghĩa của người bạn đời đối với mình và của mình với người bạn đời, đồng thời cũng nhận rõ được những hệ lụy của ly hôn để có quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, ly thân chỉ là giải pháp hữu hiệu với những ai có thiện chí hàn gắn đổ vỡ, vun đắp gia đình, biết nhìn nhận phần lỗi của mình và biết bỏ qua lỗi của nhau”.

Theo Phụ Nữ

Theo Phụ Nữ

Bạn có thể quan tâm