Có một sự thật chẳng “dễ gì giấu giếm” là cộng đồng rap Việt quá ít rapper nữ. Suốt nhiều năm, nhắc đến nữ nhân trong rap vẫn là Suboi, Linh Lam hay Kimmese, ngoài ra không có gương mặt nào đủ sức ảnh hưởng để được cộng nhận rộng rãi. Từ năm 2020 có thêm những Tlinh, Lona, Nul nhưng vẫn quá ít so với sự áp đảo về số lượng của rapper nam.
Khi Rap Việt và King of Rap lên sóng truyền hình năm 2020, 10 chiếc ghế nóng đã được bày ra cho vai trò giám khảo lẫn huấn luyện viên. Nhưng ở sân chơi King of Rap, đội ngũ “cầm cân nảy mực” thuần nam giới với BigDaddy, LK, Lil Shady, Đạt Maniac. Trong khi đó, 5/6 vị trí ở Rap Việt cũng là nam rapper với Wowy, Binz, Karik, Rhymastic, JustaTee.
Suboi là nữ rapper duy nhất góp mặt và góp công không nhỏ cho sự thú vị ở Rap Việt.
Suboi rời vị trí huấn luyện viên Rap Việt sau một mùa. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Suboi và câu chuyện của Tage
Sự thú vị của một nữ huấn luyện viên và bàn tay của cô ấy ở Rap Việt có thể bắt đầu từ câu chuyện của một thí sinh: Tage.
Tage thực ra đã được biết đến trước khi đặt chân lên sân khấu Rap Việt. Anh có cách chơi vần bá cháy và cũng có cả tính ngông, sự nổi loạn như rất nhiều rapper trẻ khác trong giới underground.
Tage là người chủ động chọn về đội Suboi sau khi được hai giám khảo Rhymastic và JustaTee nhường quyền. Và cũng nhờ Suboi, Tage đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn.
JustaTee nói rằng chỉ có Suboi mới kìm hãm được sự ngông cuồng trên sân khấu của Tage.
“Đúng là chị giúp tôi bớt ngông cuồng hơn. Thời điểm đó, chỉ có chị Suboi mới thay đổi được tôi. Tôi chỉ nghe lời chị. Bình thường, tôi là người thích gì làm nấy, tôi muốn thì tôi sẽ làm. Chị Suboi đã trị được sự cứng đầu của tôi”, Tage nói.
Tage cũng cho biết nếu quay lại Rap Việt lần nữa, anh vẫn sẽ về đội Suboi. Trong cảm nhận của nam rapper, Suboi là người “nói ít, nhưng chất".
“Kết thúc vòng Bứt phá, chị Suboi có nói với tôi một câu nói - câu này giống như nguồn nước lạnh xịt vào vết bỏng của tôi. Cảm giác buồn bã, chán nản dịu bớt đi rất nhiều. Một lời động viên của chị bằng nhiều thứ khác cộng lại và đến giờ, tôi vẫn trân trọng câu nói đó. Nhưng đây là điều riêng tư, tôi muốn giữ cho riêng mình. Bình thường, tôi rất ghét nghe lời an ủi. Nhưng câu nói của chị Suboi thì khác”, Tage nói thêm.
Thực ra, sau Rap Việt, khi rời vòng tay của Suboi, Tage lại tiếp tục ngông cuồng trong bản rap Ganh tỵ. Tuy nhiên, cũng ở bản rap này, người nghe thấy được dấu ấn của Suboi trong đó. Là khi Tage đã cải thiện đáng kể về kỹ thuật xây dựng flow (nhịp rap).
Nhịp rap vẫn được ví von là biến hóa như nước, với Ganh tỵ, người nghe đã bắt đầu thấy được sự biến hóa đó của Tage. Flow của Tage trong sản phẩm này mượt mà, linh hoạt và uyển chuyển, không cứng và một màu như trước.
Tage cho biết anh bớt ngông hơn nhờ rapper Suboi. Ảnh: Anh Khoa. |
Ganh tỵ không nhắc đến Suboi nhưng flow của bản rap này có dáng dấp Suboi. Bàn tay tạo flow của Suboi và cách cô đào tạo học trò ở Rap Việt đã ảnh hưởng trực tiếp đến Tage trong sản phẩm này. Cách chảy flow trong Gạnh tỵ có nhiều điểm giống với phong cách đặc trưng của Suboi.
Giá trị của một nữ huấn luyện viên
Ở Rap Việt mùa một, Suboi xuất trận với đội hình không mạnh, thậm chí có thể coi là yếu nhưng cô đã nỗ lực nhằm giúp các học trò vươn lên.
Bản sắc của Suboi thể hiện ở việc cô đưa ra nhiều chủ đề rất thú vị cho các thí sinh, không ít trong số đó gây bất ngờ cho đội ngũ giám khảo, huấn luyện viên và cả khán giả truyền hình.
Ví như chủ đề "thằng Bờm ngày xưa có quạt mo còn bây giờ ai cũng có điện thoại" hay “cảm giác khi ăn một món ăn không ngon”, nếu không phải Suboi, có lẽ ít ai nghĩ ra theo cách hợp lý như vậy.
Bàn tay huấn luyện của Suboi còn thể hiện ở cách cô tạo ra không khí vui vẻ, tươi trẻ cho đội của mình. Dù tất nhiên điều đó cũng làm bớt đi tính quyết liệt trong cuộc đấu, song đó cũng là cách để Suboi khác biệt trên ghế huấn luyện.
Gừng nói rằng huấn luyện viên Suboi luôn tạo ra sự thoải mái cho các thí sinh trong đội.
“Trước lúc đấu ở vòng Đối đầu, chị Su đưa cho tôi chiếc tai nghe và nói: Em đeo vào đi, chị không mở bài gì đâu. Em đeo và thở đều, lấy lại bình tĩnh. Lúc ấy, tôi lo mình không thể đọc tốt được những đoạn fast flow nên bị căng thẳng và chị Su đã động viên tôi bằng cách đó”, nam rapper cho hay.
Gừng cũng chia sẻ nếu có cơ hội thi lại Rap Việt, anh vẫn chọn Suboi. “Chị Su là người tìm ra những viên ngọc chưa được mài giũa hay nói cách khác là tìm ra tài năng trẻ”, nam rapper nhấn mạnh.
Suboi và Tlinh mang đến sự quyến rũ ở Rap Việt mùa một. Ảnh: Vie Channel. |
Ngoài dấu ấn đào tạo, màn trình diễn của Suboi cùng Tlinh ở chung kết Rap Việt cũng thể hiện sự riêng biệt của nữ giới trong một sân chơi rap. Bản rap Tèn Tèn Girls nói về nữ giới trong xã hội nói chung và giới rap nói riêng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Lộng lẫy, cá tính, quyến rũ và nữ quyền.
Với dàn huấn luyện viên thuần nam giới của năm nay, Rap Việt sẽ khó có những tiết mục như vậy. Đó chính là khoảng trống mà Suboi để lại.