Khoảnh khắc bãi thử hạt nhân duy nhất của Triều Tiên nổ tung
Thứ sáu, 25/5/2018 16:50 (GMT+7)
16:50 25/5/2018
Phóng viên quốc tế có chuyến đi 18 giờ tiếp cận và chứng kiến giây phút bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên bị đánh sập trước khi TT Trump tuyên bố hủy cuộc gặp Mỹ - Triều.
Những phóng viên nước ngoài có mặt tại thành phố Wonsan từ hôm 22/3 trong lo ngại chuyến hành trình tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri sẽ bị hủy bỏ sau những tuyên bố cứng rắn từ cả Mỹ và Triều Tiên về tương lai hội nghị thượng đỉnh ở Singapore. Đến cuối ngày 23/5, sau khi một số phóng viên Hàn Quốc có mặt, nhà chức trách Triều Tiên mới xác nhận khởi hành tới bãi thử Punggye-ri. Trong ảnh, đoàn tàu hạng sang đưa phóng viên quốc tế tới bãi thử hạt nhân Puggye-ri.
Sau 12 tiếng đồng hồ di chuyển bằng tàu hỏa và 90 phút di chuyển bằng xe bus, nhóm phóng viên nước ngoài đến nơi. Phóng viên của CNN cho biết không có một bóng người hay động vật dọc chuyến đi từ nhà ga tới bãi thử Punggye-ri, trừ binh sĩ Triều Tiên tại các điểm canh gác. Mọi ngôi nhà, dù bề ngoài trông mới và đẹp, đều kéo rèm kín mít. Trong ảnh, một khu vực tại Punggye-ri nhìn từ trên cao. Ảnh: CNN
.
Đoàn phóng viên quốc tế được phó giám đốc Viện Vũ khí hạt nhân Triều Tiên giới thiệu toàn cảnh về bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Các phóng viên được yêu cầu không đi vào bất cứ khu nhà nào do thuốc nổ được cài ở khắp nơi. "Puggye-ri trông giống một khu trại nghỉ mát kỳ lạ, với những ngôi nhà gỗ lớn nằm rải rác quanh rừng cây rậm rạp", CNN miêu tả.
Các phóng viên được hướng dẫn tới quan sát một số đường hầm tại bãi thử Punggye-ri. Đường hầm cũ nhất tại đây đã sụp đổ vài năm trước, 3 đoạn đường hầm khác thì vẫn ở trạng thái ổn định. Nhân viên Triều Tiên đi cùng đoàn cho biết 2 trong 3 đường hầm này chưa từng được sử dụng và có thể phục vụ cho một cuộc thử hạt nhân trong tương lai. "Những đường hầm này dường như ở trạng thái tốt, phía trong trông giống như một mỏ vàng ở miền Tây (nước Mỹ)", CNN miêu tả. Trong ảnh, một binh sĩ Triều Tiên canh gác tại lối vào đường hầm tại Punggye-ri.
Tại bãi thử Punggye-ri, nhiều ngôi nhà gỗ được xây dựng. Theo thuyết trình của quan chức Triều Tiên, đây là nơi các nhà khoa học hay các sĩ quan chỉ huy sử dụng để giám sát hoạt động, tổ chức các cuộc họp, hay đơn giản là phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, phóng viên quốc tế không được đi vào bên trong các căn nhà gỗ này.
Khi giờ G điểm, phóng viên nước ngoài được yêu cầu đội mũ bảo hiểm và di chuyển tới điểm quan sát an toàn cách xa các tòa nhà và đường hầm.
Sau tiếng nổ rầm trời, mặt đất rung chuyển, đường hầm số 2 bị đánh sập. Một căn nhà gỗ cạnh đường hầm này cũng bị cho nổ tung. Đường hầm số 3 và số 4 sau đó cũng lần lượt bị phá hủy bằng thuốc nổ. "Một số người Triều Tiên trông không được vui vẻ, bởi đơn giản, thành quả làm việc hàng thập kỷ của họ vừa bị thổi bay. Một số người tỏ vẻ lạc quan, cũng đúng thôi, bởi đây là bước tiến tích cực hướng tới cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un"
, Will Ripley, phóng viên của CNN, cho biết.
"Tất cả những gì còn lại là gạch đá và những mảnh gỗ, chẳng có thiết bị hay máy móc gì trong đống đổ nát. Bất cứ thứ gì từng được đặt trong những ngôi nhà gỗ đều đã được chuyển đi nơi khác", Ripley viết. Sau khi các đường hầm và những ngôi nhà gỗ bị đánh sập, quan chức Triều Tiên tuyên bố công việc đã hoàn tất. Trong ảnh, phóng viên quốc tế ghi lại hiện trường sau khi đường hầm số 2 và một tòa nhà bị phá sập.
Tất cả sự lạc quan hay vui vẻ, dù là nhỏ nhất, đều biến mất khi các quan chức Triều Tiên đi cùng đoàn phóng viên được thông báo về quyết định của Tổng thống Trump, hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore. "Những người Triều Tiên bị sốc. Trong mắt họ, Bình Nhưỡng đã cho thấy thiện chí rất lớn với bước đi phá hủy bãi thử hạt nhân chính của mình, tất cả chỉ để đổi lại Washington hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh mà Triều Tiên đã mong chờ suốt hàng thập kỷ", phóng viên Ripley viết.
Với Tổng thống Trump và các cộng sự, những kỹ thuật liên quan đến đàm phán bất động sản rõ ràng không thể dễ dàng được áp dụng cho đàm phán về vũ khí hạt nhân.
Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un vẫn sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Trump "bất cứ lúc nào và theo bất cứ hình thức nào" sau khi Mỹ đột ngột hủy cuộc gặp thượng đỉnh.
Bức công văn đánh máy được nhiều người coi là "thư chia tay" thể hiện một sự pha trộn giữa văn phong ngoại giao và giọng điệu đặc trưng của đương kim tổng thống Mỹ.