Mặc dù còn khó khăn, thiếu thốn ở một số địa phương trên cả nước, cuộc sống của gần 30 triệu trẻ em Việt Nam hiện được cải thiện hơn nhiều so với các năm trước.
Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em vào năm 1990. Công ước đưa ra những tiêu chuẩn cơ bản mang tính toàn cầu về một tuổi thơ tốt đẹp, mạnh khỏe và được bảo vệ. Từ khi phê chuẩn Công ước, cuộc sống của hàng triệu trẻ em Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực giáo dục, giảm đói nghèo, tử vong ở bà mẹ và trẻ em.
Theo kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu phụ nữ và trẻ em Việt Nam năm 2014, số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non tham gia chương trình giáo dục đạt tỷ lệ 71,3%. Ở cấp tiểu học, số trẻ em nhập học đạt 98,6%; cấp THCS đạt 90,4% và cấp THPT đạt 70,7%.
Phần lớn các em đều có cơ hội được tiếp cận đầy đủ với dịch vụ y tế và dự kiến có tuổi thọ trung bình cao hơn các thế hệ trước. Tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, bệnh uốn ván ở mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng thành quả của những tiến bộ này. Trẻ em dân tộc thiểu số có khả năng không được thực hiện quyền nhiều gấp hai lần so với trẻ em dân tộc Kinh. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tảo hôn, không được đi học và không được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cao hơn rất nhiều ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những thành tích về kinh tế xã hội, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một thực tế là khoảng cách giàu nghèo, giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số, giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn. Có 40% trẻ em nghèo sống ở các vùng nông thôn, trong khi đó tỷ lệ trẻ em nghèo sống ở các thành phố là khoảng 10%.
Tình trạng chênh lệch về giáo dục vẫn còn tồn tại với khoảng 75% trẻ em thành phố được học mẫu giáo, trong khi chỉ có 51% trẻ em nông thôn được học mẫu giáo. Điều kiện cơ sở vật chất của trẻ em vùng núi như trường học, nhà vệ sinh còn nhiều thiếu thốn.
Trong khi trẻ em nông thôn, miền núi luôn được sống trong không gian thiên nhiên khá trong lành thì trẻ em thành phố hay bị "nhốt" trong nhà. Đây là tình trạng phổ biến hiện nay khi các tòa nhà cao tầng mọc san sát, thiếu sân chơi cho trẻ em. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, hiện toàn thành phố có khoảng 2.000 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong khi số lương trẻ em lên đến gần 2 triệu.
Máy vi tính, điện thoại, đồ công nghệ trở thành đồ chơi quen thuộc của trẻ em ngày nay, đặc biệt là khu vực thành thị. Nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, cảm xúc của trẻ.
Nước và điều kiện vệ sinh môi trường không an toàn là nguyên nhân gây ra 50% ca bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam, trong khi các số liệu năm 2008 cho thấy khoảng 20% trẻ em bị thiếu cân và suy dinh dưỡng.
Nhiều trẻ em phải sống trong khói bụi, ô nhiễm từ rác thải, khí thải… Những chất gây ô nhiễm không những làm tổn hại đến sự phát triển phổi của trẻ mà nó còn vượt qua hàng rào máu não và gây tổn thương vĩnh viễn cho sự phát triển của não bộ, do đó ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Không chỉ ô nhiễm từ bên ngoài mà còn xuất hiện sự ô nhiễm nặng của không khí trong nhà, thường là do sử dụng các nhiên liệu như than và củi để nấu ăn hay sưởi ấm. Điều này thường xảy ra và ảnh hưởng đến trẻ em ở vùng nông thôn.
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, ở khu vực châu Á cứ 15 phút lại có một trẻ bị đuối nước. Ở nước ta mỗi năm có 6.400 người tử vong do đuối nước, trên 50% là trẻ em, trẻ vị thành niên. Nhận thấy những nguy hiểm này, nhiều bậc cha mẹ đã có ý thức cao trong việc cho trẻ luyện tập kỹ năng bơi lội. Tuy nhiên, để cho trẻ có môi trường học bơi an toàn là một trong những vấn đề cần được quan tâm và xem xét kỹ.
Trong khi đó, các gia đình phải chịu áp lực hơn bao giờ hết để có đủ thu nhập trang trải các phí sử dụng dịch vụ xã hội như y tế và giáo dục. Điều này đồng thời góp phần làm tăng sự chênh lệch xã hội. Với tỷ lệ di cư và tình trạng gia đình tan vỡ tăng lên, trẻ em Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cao hơn bị lạm dụng, bóc lột, bạo lực và xao nhãng.
Trẻ em thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan, dù họ là những người ít liên quan nhất đến nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến quyền trẻ em từ nhiều góc độ, kể cả sức khỏe, tính mạng, tiếp cận giáo dục, y tế, kinh tế gia đình...
Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200.000 người bị tự kỷ. Thực tế, số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay. Theo các chuyên gia, tự kỷ có thể phát hiện, can thiệp sớm để giúp trẻ sớm hòa nhập.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2016, Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Những hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.
Nếu như năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh tại nước ta là 112,8/100 thì trong 6 tháng năm 2016, tỷ lệ này đã đạt mức 113,4/100, tương đương cứ 100 bé gái được sinh ra có hơn 113 bé trai cũng ra đời. Các chuyên gia lo ngại, nếu tỷ số giới tính tiếp tục gia tăng và ngày càng lan rộng như hiện nay thì vấn đề về cân bằng giới của Việt Nam trong 20-25 năm sau là hết sức nghiêm trọng.
Việc Việt Nam ban hành Luật Trẻ em gần đây là bước đột phá trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực bằng cách lần đầu tiên đưa ra cơ chế nhằm ngăn chặn và giải quyết bạo lực. Tuy nhiên, Luật trẻ em vẫn quy định trẻ em là những người dưới 16 tuổi, chưa phù hợp với độ tuổi quy định trong Công ước là 18 tuổi, điều này đã làm cho nhóm trẻ em 16-18 tuổi không được bảo vệ. UNICEF sẽ tiếp tục kêu gọi Việt Nam nâng độ tuổi của trẻ em trong Luật trẻ em lên 18 tuổi.