Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khơi thông thị trường xe gắn máy cũ

Tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn cộng với thủ tục sang tên, đổi chủ còn mất nhiều thời gian đã làm cho thị trường xe gắn máy cũ tại TP Hồ Chí Minh vào dịp cuối năm gần như đóng băng.

Khơi thông thị trường xe gắn máy cũ

Tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn cộng với thủ tục sang tên, đổi chủ còn mất nhiều thời gian đã làm cho thị trường xe gắn máy cũ tại TP Hồ Chí Minh vào dịp cuối năm gần như đóng băng.

Khách mua vắng vẻ tại các cửa hàng bán xe gắn máy trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận).

Ðìu hiu người mua

Tại TP Hồ Chí Minh, người cần xe gắn máy hạng sang thường tìm đến khu Gia Long (đường Lý Tự Trọng, quận 1), còn xe gắn máy có giá trung bình và xe cũ thường được mua bán, trao đổi ở trục đường Phan Ðăng Lưu - Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), khu Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), khu Bà Ðiểm (huyện Hóc Môn)... Khác với thời điểm cuối năm của những năm trước, khi thị trường xe gắn máy cũ nhộn nhịp, năm nay, mặc dù các cửa hàng đã giảm giá mạnh nhưng lượng xe bán ra cũng chưa bằng 50% so với năm trước. Theo một chủ cửa hàng bán xe gắn máy ở đường Phan Ðăng Lưu, từ giữa tháng 11/2012 (thời điểm có quy định mức phạt sang tên, đổi chủ), phần lớn các cửa hàng đều không bán được xe. Ðến nay, dù quy định "chính chủ" đã bớt "nóng" nhưng lượng tiêu thụ xe cũng giảm mạnh so với cùng thời điểm của năm 2011.

Anh Phan Tấn, chủ một cửa hàng xe gắn máy ở khu Lũy Bán Bích, than thở, lượng xe bán ra giảm mạnh, giảm hơn 50% so với năm trước. Một chủ cửa hàng khác bộc bạch: "Tình hình kinh tế đã khó khăn, lại có những thay đổi chính sách, đã tác động rất lớn đến tình hình kinh doanh. Giờ đây bọn em mong bán hàng cho nhanh, tồn vốn lâu là chết, cho nên cũng giảm giá mạnh để mong có người mua".

Phần lớn chủ cửa hàng bán xe tại khu Phan Ðăng Lưu - Hoàng Văn Thụ và khu Lũy Bán Bích đều cho rằng, quy định "chính chủ" đã làm đóng băng thị trường mua bán xe gắn máy cũ, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua xe mới để tránh phiền phức. Với những người có hộ khẩu ở thành phố, việc mua xe được dễ dàng hơn, nhưng người ở tỉnh sẽ gặp khó khăn khi mất nhiều thời gian nghỉ việc để về quê, đợi chờ làm giấy tờ đứng tên. Theo các chủ cửa hàng, quy định "chính chủ" nói là cảnh sát giao thông không kiểm tra nhưng cũng chưa có văn bản nào bãi bỏ Nghị định 71/2012/NÐ-CP hay có điều chỉnh gì mang tính thuận lợi cho người dân mua bán xe cũ. Người dân thì không rõ, cứ nghe sang tên, đổi chủ là thấy phiền rồi. Bên cạnh đó, các cửa hàng bán xe cũng cho rằng, việc sang tên, đổi chủ còn khá bất cập và "có vấn đề". Nếu người mua tự đi làm thủ tục sang tên, đổi chủ thì sẽ tốn rất nhiều thời gian. Nhưng nếu để cửa hàng làm thì chi phí thường mất gấp đôi so với bình thường.

"Né thuế" bằng giấy ủy quyền

Trước tình hình buôn bán ế ẩm nêu trên, các cửa hàng bán xe gắn máy cũ đã áp dụng hình thức mua bán xe nhưng làm giấy ủy quyền công chứng nhằm lách Nghị định 71/2012/NÐ-CP. Thông thường, khi mua xe gắn máy cũ, người mua sẽ trả phí công chứng mua bán và đóng tiền thuế trước bạ 2% trên giá trị xe rồi thực hiện thủ tục sang tên. Còn hiện nay, để tránh khoản thuế này, phần lớn các cửa hàng sẽ làm giấy ủy quyền công chứng, trong đó có điều khoản cho phép người mua được toàn quyền bán lại xe. Ðưa ra tờ hợp đồng ủy quyền 5 năm đã được Phòng Công chứng Bà Ðiểm (huyện Hóc Môn) đóng dấu, anh Chánh, một nhân viên bán xe gắn máy cũ ở khu vực Bà Ðiểm nói: "Ðó, anh xem trong thời gian anh chưa sang tên thì anh cầm hợp đồng công chứng như vậy đã chứng minh mình là chủ thật sự của xe rồi". Còn một chủ cửa hàng bán xe máy cũ tại khu Lũy Bán Bích tiết lộ: "Giờ bọn tui lách luật bằng cách làm giấy ủy quyền 10 năm. Theo đó, người mua xe có toàn quyền bán lại xe. Khi nào có người khác mua lại nữa, người mua thứ nhất trực tiếp đứng ra bán. Lúc đó, nếu họ muốn sang tên, họ có thể rút hồ sơ về để làm thủ tục rồi mới phải đóng thuế. Còn không, người mua cầm giấy chứng nhận đăng ký xe, cùng giấy ủy quyền rồi sử dụng xe luôn".

Còn với những chiếc xe gắn máy cũ, có giá dưới 10 triệu đồng/xe thì gần như các cửa hàng đều chỉ làm giấy mua bán tay. Khi đó, người mua cầm giấy chứng nhận đăng ký chạy xe chứ không làm giấy mua bán qua công chứng hay sang tên. Các chủ cửa hàng cho rằng, cửa hàng đưa giấy chứng nhận đăng ký xe, làm giấy bán xe viết tay để bảo đảm không phải xe gian, người mua cầm giấy chứng nhận đăng ký xe là chạy được rồi. Nhiều cửa hàng cũng cho rằng, với những loại xe cũ có giá từ 3 đến 4 triệu đồng/xe mà thực hiện sang tên, đổi chủ là không thật sự phù hợp với cả người mua lẫn người bán, vì khi đi lại làm thủ tục, chi phí bỏ ra sẽ rất lớn so với giá trị chiếc xe. Theo khảo sát của phóng viên, phần lớn các cửa hàng bán xe gắn máy cũ đều có xu hướng bán xe dưới hình thức mua bán kèm ủy quyền công chứng. Thông qua cách làm này, các cửa hàng cũng chủ động bán xe ra, tránh phải tìm gặp chủ đứng tên xe. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, làm hợp đồng ủy quyền công chứng khi mua xe gắn máy cũ thực chất là "lách luật" nhằm trốn thuế. Vì khi có hợp đồng này trong tay, người mua có toàn quyền sử dụng, cho, tặng đối với chiếc xe mà chỉ mất hơn 100 nghìn đồng phí công chứng. Do vậy, giới kinh doanh xe gắn máy cho rằng cần có những quy định thật đơn giản, cùng với mức thuế phù hợp để giúp người dân thoải mái khi chuyển quyền sở hữu xe, từ đó ngân sách Nhà nước cũng được bổ sung.

Theo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm